![]() |
Sách của McClellan được bày bán ở Washington - Ảnh: Getty Images |
Nghe đọc nội dung toàn bài: |
Câu hỏi lại không của ai khác, mà do cựu thư ký báo chí Nhà Trắng McClellan đặt ra cho ông chủ cũ G. Bush của mình.
Iraq, bão Katrina và sự lừa dối
Scott McClellan là một trong những cộng sự trung thành nổi tiếng của G. Bush. Ông ta đến làm việc cho G. Bush năm 1999 khi G. Bush còn là thống đốc Texas, giúp G. Bush nắm Nhà Trắng năm 2000. Sau đó, McClellan chuyển đến Washington để bảo vệ tổng thống trong liên tục sáu năm về những vấn đề như chiến tranh Iraq, bão Katrina...
Vậy mà nay, trong quyển hồi ký đang làm chấn động Nhà Trắng, McClellan bỗng trở thành phản đồ! Ông ta tiết lộ chính quyền Bush đã chuẩn bị cho cuộc tấn công vào Iraq từ năm 2002. Rằng cả bộ máy của G. Bush đã tiến hành một "chiến dịch sáng tạo", nhờ đó mà năm 2003 việc Mỹ sử dụng vũ lực lật đổ chế độ Saddam Hussein được coi là khả năng duy nhất đúng trong hoàn cảnh đó. Cuộc chiến mà nay McClellan đánh giá là "một thất bại hoàn toàn về chiến lược".
Và không chỉ Iraq, McClellan còn tiết lộ các phản ứng kém cỏi của chính quyền Bush trước cơn bão Katrina năm 2005 làm 1.800 người chết và gây thiệt hại tới gần 80 tỉ USD. Theo phân tích của tác giả, Nhà Trắng hầu như hoàn toàn không chuẩn bị gì trước thảm họa này, và trong suốt tuần lễ sau khi thiên tai xảy ra, các biện pháp đối phó khủng hoảng được thông qua theo chế độ mà McClellan mỉa mai là "lái tự động".
Nhưng sai lầm lớn nhất của chính quyền Bush, theo McClellan, không phải gắn với cuộc chiến tranh Iraq, cũng không phải với thất bại trong ứng phó trước bão Katrina, mà là ở quyết định không "hành động thẳng thắn và trung thực vào lúc cần thiết nhất". McClellan nói khi Tổng thống G. Bush vào Nhà Trắng, chính sách quốc gia của Mỹ đã đầy rẫy sự dối lừa. McClellan đã hi vọng chính phủ mới sẽ sửa chữa tinh thần dối trá này ở Washington. Nhưng ông Bush đã không làm thế. Các thủ đoạn của chính quyền mới, theo tác giả hồi ký, còn kém trung thực hơn người tiền nhiệm Bill Clinton.
McClellan còn bảo ông ta là nạn nhân sự dối trá của đồng nghiệp mình. Đó là năm 2003, khi Karl Rove (cố vấn của Tổng thống G. Bush, từng lãnh đạo chiến dịch tái tranh cử của ông năm 2004) và Lewis Libby (cựu chánh văn phòng của Phó tổng thống Dick Cheney) đã biện minh họ không dính líu gì tới vụ công bố tên điệp viên CIA Valerie Plame (*) cho báo chí. Tin đồng nghiệp, McClellan đã dõng dạc họp báo khẳng định họ vô tội, và như thế vô tình tiếp tay làm lầm lạc công chúng Mỹ.
McClellan còn kể sau khi vụ việc được phanh phui, cũng chỉ Lewis Libby bị tòa xử có tội (và nhờ G. Bush can thiệp nên đã được giảm án, điều làm McClellan thất vọng). Trong khi đó, G. Bush đã bảo đảm riêng với McClellan rằng Karl Rove sẽ không sao. Và đúng thế, Rove, không hổ danh "bộ não của G. Bush", đã thoát!
"Không phải là Scott của chúng tôi"!
McClellan, 40 tuổi, mặt tròn, chơi tennis và chỉ uống Coke dành cho người ăn kiêng, nhìn chung im lặng. Kể cả khi các phóng viên truyền hình "bao vây" nhà ông ta ở ngoại vi Virginia. McClellan đã tuân thủ điều kiện hợp đồng cho đến ngày 29-5, khi trả lời trên MSNBC rằng: "Mọi thứ trong quyển sách phản ánh rõ rệt quan điểm của tôi!". |
Chính vì vậy mà Karl Rove bực dọc tự hỏi trên kênh truyền hình Fox: Tại sao khi còn làm trong Nhà Trắng, McClellan chẳng bao giờ bày tỏ ý kiến về chính sách cũng như các quyết định của tổng thống? Một cố vấn khác - Dan Bartlett, phụ trách dư luận xã hội giai đoạn 2002-2007, nói cho dù McClellan xuất hiện thế nào trước công chúng Mỹ thì "cũng không phải là McClellan mà các đồng nghiệp ông ta từng biết".
Ari Fleischer, người thay McClellan làm thư ký báo chí từ năm 2003, cũng nói trên The NewYork Times "không nhận ra đồng nghiệp cũ”. Trent Duffy, từng hai năm làm phó cho McClellan, tuyên bố "tất cả những thành công" của McClellan "đều gắn với G. Bush, vậy mà giờ "Scott lại đâm sau lưng Bush". Thư ký báo chí Nhà Trắng Dana Perino thì thông báo: "Khi tổng thống biết tin về quyển sách, ông ngạc nhiên và bối rối vì không nhận ra McClellan mà ông đã từng tin cậy và cộng tác sau bấy nhiêu năm".
Nấm mồ chính trị
USA Today kể: Ngày 19-4-2006, McClellan đã tuyên bố rời chức trong một cuộc chia tay ấm áp tại Nhà Trắng, với G.Bush đứng ngay bên cạnh. "Tình bạn của chúng tôi bắt đầu ở Texas, và tôi rất mong nối tiếp tình bạn này khi cả hai trở về Texas" - McClellan khi đó đã nói. G. Bush tiếp lời: "Lúc đó, tôi và anh ấy sẽ nghỉ ngơi ở Texas, nói về những ngày đã qua, và tôi tin sẽ... có thể nói, Scott, cậu làm tốt lắm". Giờ đây thì điều đó hẳn sẽ không bao giờ xảy ra. Nói theo Trent Duffy trên Washington Post thì McClellan "vì tiền, đang nhảy múa trên nấm mồ chính trị của ông ta".
Washington Post cũng góp phần tiết lộ: Năm 2004, cố vấn tổng thống về chống khủng bố Richard Clark về hưu đã in sách chỉ trích chính sách chống khủng bố của G. Bush. Khi đó, McClellan đã tỏ vẻ ngạc nhiên: "Nếu ông ta có những hoài nghi như thế, sao đến bây giờ ông ta mới nói ra?". Và cũng chính McClellan trả lời: "Ông ta đã làm điều đó vào giai đoạn nóng nhất của cuộc tranh cử tổng thống. Dĩ nhiên, ông ta viết sách và muốn quảng bá nó”. Giờ đây McClellan đi vào "vết xe đổ” mình từng chỉ trích.
USA Today nhận xét: Quyển sách đang gợi ra một câu hỏi quen thuộc, rằng đó là một đóng góp kịp thời vào lịch sử chính trường Mỹ hay là một hành động phản bội chính trị vớ vẩn vì tiền? Dù sao, thành công thương mại của McClellan đã rõ, bởi "Điều gì đã xảy ra" hiện đang nằm trong danh sách sách bán chạy nhất.
(*) Bà Valerie Plame có chồng là Joseph Wilson, từng làm đại sứ của Mỹ ở châu Phi. Sau khi ông này đăng một bài báo năm 2003, phủ nhận khả năng Saddam Hussein mua uranium ở châu Phi (để sản xuất vũ khí hủy diệt hàng loạt), vợ của Wilson, một điệp viên mật, đã được Nhà Trắng "rò rỉ” tên cho báo chí!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận