23/06/2015 09:54 GMT+7

Diễn viên phía Bắc và khoảng trống đào tạo

ĐỨC TRIẾT
ĐỨC TRIẾT

TT - Ngay từ lúc được lựa chọn, các trường nghệ thuật không phải là ưu tiên số một của học sinh...

"Không ít phụ huynh đã dắt con đến nói với tôi: cô cho con xin nghỉ làm nghệ thuật để đi kinh doanh lấy mươi năm, lo ổn định cuộc sống rồi quay lại với nghệ thuật vẫn vừa... Tôi đã nhói lòng...” - NSND Lê Khanh nhắc lại câu chuyện đã diễn ra cách đây bốn năm mà giọng chùng xuống.

Nỗi buồn ấy có lẽ còn dai dẳng, nhất là với những chuyên ngành kịch hát dân tộc Trường đại học Sân khấu - điện ảnh Hà Nội. Cũng bởi lẽ, ngay từ lúc được lựa chọn, các trường nghệ thuật không phải là ưu tiên số một của học sinh.

Hầu như các em đều “nghe ngóng” xem điểm số của mình có thể đỗ trường kinh tế, kỹ thuật nào đó, còn nếu không thì gần như “bước đường cùng” mới quay về với nghệ thuật. Vì thế, chuyên ngành chèo, ngành rối thì tàm tạm với lượng hồ sơ vừa đủ chỉ tiêu - 15 (nhưng đến lúc dự thi năng khiếu thì còn rơi rụng nhiều).

Chuyên ngành cải lương chỉ có dăm ba hồ sơ - nhưng đấy đã là niềm động viên nho nhỏ vì năm trước còn không có hồ sơ nào. Riêng chuyên ngành tuồng nhiều năm nay trường không mở vì không thể tuyển được học sinh.

Kịch hát dân tộc phập phù, còn kịch nói thì sao? Lúc thi tuyển cũng khá đông đúc với 700 - 800 hồ sơ để chọn ra một lớp trên dưới 30 sinh viên, nhưng sau bốn năm ra trường thì thật sự ở lại với sân khấu may chăng được sáu, bảy người. Chẳng thế mà NSND Lê Khanh nhẩm tính khóa 28 Đại học Sân khấu - điện ảnh Hà Nội mà chị chủ nhiệm chỉ có được bốn người Nam tiến (không hẳn làm sân khấu) và năm người đầu quân cho Nhà hát Tuổi Trẻ.

“Đã từng đi nhiều nước nên tôi thấy diễn viên của các nước đều đã được đào tạo rất cơ bản về nghệ thuật ngay từ bậc phổ thông. Khi vào hệ đại học (bốn năm), diễn viên chỉ chuyên tâm nâng cao chuyên ngành mình học, vậy nên khi ra trường họ vào nghề rất chuyên nghiệp, vững vàng và say mê. Ở nước ta, học sinh phổ thông cũng được tiếp cận nghệ thuật nhưng gần như là qua loa nên các trường nghệ thuật phải đào tạo từ đầu.

Vẫn với quỹ thời gian là bốn năm ở trường đại học thì dù các thầy rất cố gắng cũng chỉ đủ để các em học cơ bản. Giá như đời sống của nghệ sĩ được đảm bảo hơn để họ không bỏ nghề, giá như bên ngành đào tạo nghệ thuật dành nhiều thời gian hơn cho chuyên môn, được tham khảo thêm nhiều giáo trình đào tạo nghệ thuật quốc tế với những phương pháp phong phú hơn thì phong cách đào tạo sẽ thêm sinh động và các thế hệ diễn viên trẻ có thể hòa nhập với quốc tế... Đấy là tôi mơ ước vậy.

Theo tôi biết, nhiều sân khấu trên thế giới không chấp nhận diễn viên một trong một mà diễn viên quốc tế tối thiểu phải có ba trong một, gồm: diễn xuất, âm nhạc và vũ đạo...” - NSND Lê Khanh chia sẻ.

Là trường đào tạo về nghệ thuật nhưng chúng tôi không có cơ chế đặc thù mà vẫn hoạt động theo như các trường đại học khác. Vậy nên, chúng tôi đang vướng mắc rất nhiều thứ: thiếu thầy, thiếu kinh phí đào tạo, thiếu cơ sở vật chất và chất lượng đầu vào không tốt (vì các em đến với nghệ thuật hầu như từ số 0). Đơn cử như giáo viên cơ hữu giảng dạy về đạo diễn trong khoa chỉ có một mình tôi, hoặc bên diễn viên thì chỉ có hai người.

Còn kinh phí đào tạo, theo tôi được biết, trung bình một sinh viên được Nhà nước đầu tư là hơn 8 triệu đồng/năm. Nói thật với số kinh phí này, nhà trường chỉ có thể dạy những kiến thức cơ bản chứ việc thực hành biểu diễn thì các em hầu như phải tự lo.

Đạo diễn-TS-NGƯT Phan Trọng Thành 
(trưởng khoa sân khấu - Đại học Sân khấu - điện ảnh Hà Nội)

Đ.TRIẾT ghi

ĐỨC TRIẾT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên