Phóng to |
Vi khuẩn Rhodoferax ferrireducens ăn đường và sẽ phát điện. |
Các nhà khoa học Mỹ đã tìm ra một cách để chuyển đổi đường thành điện năng một cách hiệu quả để có thể đưa vào sử dụng như một nguồn điện năng cho điện thoại di động.
Giáo sư Derek Lovley và nghiên cứu sinh Swades Chaudhuri (thuộc Đại học Massachusetts Amherst) đã phát hiện ra một loại vi sinh vật có khả năng tạo ra điện năng trong thời gian dài và ổn định bằng cách oxy hoá các chất carbohydrate.
Loại vi sinh vật này, có tên là Rhodoferax ferrireducens, ''bơi'' trong một dung dịch glucose, và bẻ gãy phân tử đường thành carbon dioxide (CO2) và các electron. Các electron này (điện tử) được truyền trực tiếp lên một điện cực trong quá trình vi khuẩn chuyển hoá đường thành điện năng, tạo ra sản phẩm phụ là carbon dioxide.
''Đã có nhiều tham vọng về loại pin nhiên liệu vi sinh chuyển đổi đường thành điện năng'', ông Lovley cho biết, ''nhưng trước đây, họ chỉ chuyển đổi được khoảng 10% số điện tử có được. Chúng tôi đã chuyển đổi được tới hơn 80%. Các nỗ lực trước đây trong việc chuyển đổi các chất carbohydrate sang điện năng đều cần có một chất dung môi truyền điện tử, và thường là chất độc đối với người''.
Loại vi sinh vật này được lấy ra từ phòng thí nghiệm của Lovley, tại Đại học Massachusetts Amherst. Nó được phát hiện trong các chất trầm tích ngậm nước ở vùng đất tại bang Virginia, trong một nghiên cứu của Bộ năng lượng Mỹ.
Về mặt lý thuyết, phương pháp này sẽ cho phép một cốc đường có thể cung cấp điện năng đủ thắp sáng một chiếc bóng đèn 60 watt trong 17 giờ. Tuy nhiên, Lovley cho biết thiết bị này còn cần phải cải tiến trước khi đưa ra thành sản phẩm thương mại.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận