18/04/2007 18:03 GMT+7

Diễn đàn: Thần tượng - Ranh giới giữa tình yêu và sự ảo tưởng

TTO
TTO

TTO - Tình cảm với thần tượng không phải là cảm giác nhất thời, bồng bột, mà như cuộc sống thứ hai của những người đam mê, xây dựng thần tượng...

PAKf4RVL.jpgPhóng to
Những bạn trẻ hâm mộ Bi Rain ở VN

Vậy, việc có thần tượng sẽ dễ dẫn đến những mặt trái nếu bạn không biết "thắng" đúng lúc?

Trước hết, tôi rất ủng hộ TTO đã đưa ra một diễn đàn - vốn không mới và chẳng có gì lạ - để giới trẻ cũng như người lớn có dịp nhìn nhận lại một lần nữa vấn đề thần tượng. Tôi xin được đóng góp một vài ý kiến, với tư cách từ suy nghĩ chính bản thân và những gì nhìn thấy được từ tư cách một thầy giáo qua thực tế của chính học sinh của mình.

Bản thân tôi không có thần tượng

Đây là sự thật, mà rất nhiều người thường xuyên nghi hoặc, thậm chí không tin đó là sự thật. Nhưng đã bao lần ngồi suy ngẫm mãi, liệu trong tuổi thơ và cho đến tận bây giờ, tôi đã từng “tôn thờ” ai là thần tượng của mình hay chưa? Cuối cùng vẫn không tìm thấy ai!

Có một người cứ cho như là thần tượng của tôi, đó chính là cha tôi. Nhưng rồi, năm tháng qua đi, tôi chỉ nhận ra đó chỉ là một sự kính trọng vô bờ, chứ không phải một thần tượng - theo bất cứ một lý giải, góc cạnh nào.

Cha là một người lính từ bên kia chiến tuyến, sau ngày hoà bình, mang dấu tích của một thời chiến tranh khốc liệt. Dù chỉ còn một chân, nhưng cha đã nuôi cả đàn con lớn khôn và ít nhất đã yên ổn được cuộc sống. Cho đến giờ này, ông đã gần 70 tuổi, nhưng vẫn còn lao động được và tự nuôi sống bản thân, chứ không dựa vào ai cả. Cha tôi là tấm gương cho tôi và đó là sức mạnh cho mỗi lần tôi gục ngã.

Với cuộc sống xã hội, tôi không tìm thấy một thần tượng nào cho mình noi theo, ngưỡng mộ hay theo đuổi. Trước đây và cho tận bây giờ, tôi chỉ có một đam mê duy nhất là nhạc Trịnh Công Sơn. Nhưng tôi chỉ yêu thích nhạc của ông, chứ không xem ông là thần tượng.

Thi thoảng, nhìn người ta cuồng nhiệt đam mê thần tượng nào là ca sĩ, diễn viên điện ảnh, hay một người nổi tiếng nào đó, tôi luôn chột dạ, vì sao mình không bao giờ có được một lần cảm xúc như vậy. Thậm chí nhìn những hình ảnh đó qua truyền hình, báo chí lại có cảm giác bực bội, không ngần ngại chê trách: “Sao người ta lại quá rảnh rỗi và nực cười thế nhỉ?”.

Nghiêm túc nhìn nhận vấn đề thần tượng

Khi bước vào nghề dạy học, tâm lý không chấp nhận học sinh đeo đuổi thần tượng cứ ám ảnh tôi. Hậu quả là rất nhiều học sinh do tôi quản lý, chủ nhiệm đều luôn nhận lấy sự tức giận mỗi khi các em thể hiện sự cuồng nhiệt đối với thần tượng của mình, như nhuộm tóc, ăn mặc theo thần tượng sưu tầm tranh ảnh, đĩa nhạc của thần tượng…

Tất cả những hành động đó, tự tôi cho là không cần thiết, thậm chí là ảnh hưởng lớn đến học tập. Vậy là cấm! Học sinh không dám thể hiện khi có mặt tôi, nhưng vẫn âm thầm, bí mật thực hiện đam mê thần tượng…

Sau nhiều thảm kịch về thần tượng cách đây trên dưới 5 năm, tôi bắt đầu nhận ra một vấn đề khác về thần tượng. Nó không phải là một cảm giác nhất thời, bồng bột mà nó như là một cuộc sống thứ hai của những người đam mê, xây dựng thần tượng.

Giới trẻ như học sinh của tôi hay cả những người lớn, thậm chí là giáo viên đồng nghiệp của tôi vẫn có một “góc sống” rất lớn dành cho thần tượng. Vì vậy những biện pháp tôi cấm, ngăn cản học sinh của mình không được theo đuổi, đam mê thần tượng gần như chẳng phát huy hiệu quả, ngược lại còn tăng thêm sự đam mê, khi các em bí mật thể hiện.

Tôi bắt đầu tìm hiểu và nhận ra cần có một biện pháp về vấn đề thần tượng. Không nên cấm mà nên dùng các hình thức giáo dục tác động dần vào nhận thức học sinh. Với lợi thế thường xuyên gần gũi (giáo viên nội trú ăn ở cùng học sinh), tôi đã hỏi và tìm hiểu lý do vì sao các em lại thích ca sĩ này, diễn viên kia. Dần dần, tôi hiểu một vấn đề mấu chốt nhất, các em quá ít tiếp xúc sách vở, báo chí mà chỉ tiếp xúc nhân vật nổi tiếng qua truyền hình, sân khấu. Những kiểu ăn mặc trang điểm ăn mặc, kiểu tóc, tác động mạnh mẽ nhất sự hình thành thần tượng trong các em.

Để cho các em vẫn đeo đuổi thần tượng, nhưng phải biết dừng lại ở những giới hạn cần thiết, biện pháp tốt nhất là phải tìm hiểu và nắm bắt được tâm lý các em. Nắm bắt được những đam mê, thích thú từ thần tượng đối với giới trẻ là gì? Quan trọng hơn là uốn nắn và giải thích những việc nên hay không nên bắt chước theo thần tượng.

Điều mà tôi sợ nhất là khi theo đuổi thần tượng đã đi vào giai đoạn “cuồng nhiệt” kiểu như “bệnh lý” thì hết… giải pháp. Do đó, cần sớm phát hiện thiên hướng thần tượng hoá trong giới trẻ càng sớm càng tốt. Vai trò gia đình và nhà trường là hết sức nghiêm trọng. Cần biết khi mới bắt đầu, gần gũi định hướng các em.

Nên hay không nên chọn một thần tượng? Đây là câu hỏi không dễ, nó thuộc về sở thích và đam mê của mỗi cá nhân. Nhưng tất cả đều có điểm xuất phát từ đầu, đó là hình ảnh thần tượng được tác động bằng những tình cảm nhất thời. Do đó, phải biết “gạn lọc” thứ tình cảm đó dừng ở mức thể hiện cám xúc, sau đó sẽ biến mất. Vì thế, với bạn trẻ cũng cần tự trang bị những kiến thức cần thiết để biết thế nào là giới hạn. Với gia đình và môi trường giáo dục phải là yếu tố, tác động đến cảm xúc, để cho nó chỉ dừng lại ở mức bình thường, đừng để đi quá giới hạn, trở thành một thứ “bệnh lý” thì cực kỳ nguy hiểm.

Hoàng Ngọc Lữ

* Không nên có thần tượng!

Thần tượng, họ cũng chỉ là những con người, mỗi người đều có điểm mạnh, điểm yếu - không ai là hoàn hảo hết! Chính bản thân mỗi người chúng ta đều có những khả năng của mình. Tôi không thần tượng ai hết, thần tượng của tôi chính là tôi. Tôi rất đồng ý với ý kiến của báo Tuổi Trẻ Online, thần tượng có thể đánh mất chính mình. Theo tôi, việc có thần tượng của các bạn trẻ bây giờ chỉ là những tình cảm bộc phát, nhảm nhí, thậm chí là lố bịch!

thairoi80@

* Phải nhìn thấy cả điểm chưa tốt của thần tượng

Sự thần tượng ai đó dường như rất tự nhiên. Đôi khi mình không cố tình thần tượng một ai đó, nhưng những việc làm, suy nghĩ và những thành công của họ làm cho mình cảm thấy ngưỡng mộ và muốn cố gắng để phấn đấu. Đấy hoàn toàn mang tính chất tích cực.

Vấn đề ở đây vẫn là sự nhận thức của mỗi cá nhân. Bạn có thể thần tượng không chỉ một người và người bạn thần tượng cũng đâu nhất thiết phải nổi tiếng và được nhiều người biết đến. Bản thân tôi, dù không hề có ý định tự tạo ra một thần tượng nhưng tôi luôn ngưỡng mộ chị gái của mình, một người phụ nữ đẹp, biết làm đẹp, thông minh, phúc hậu, đảm đang... Tuy nhiên, tôi không thiếu suy nghĩ đến mức không nhận thấy những điểm còn chưa được tốt của chị. Xét cho cùng thần tượng cũng là những con người!

phamthuhien36@

Ảo tưởng về thần tượng

Trong cuộc đời mỗi người, chúng ta đều phải có những sự va chạm với xã hội và từ đó có được những người mà ta mến, ta yêu và như nhiều người là thần tượng họ. Đó là tất yếu, vì ai trong chúng ta đều có một phần không hoàn hảo.

Thế nhưng đáng ra chúng ta chỉ nên nể phục những người đó với một tình yêu mến, sự hướng thiện và nhân bản. Đáng ra ta nên nhìn ngắm họ với những gì mà ta chưa có để rèn luyện và phấn đấu cho xứng với nỗi khát vọng vươn lên của mình, thì ta lại buông mình trong cách nghĩ họ là một cái gì đó ta không thể hướng tới - thậm chí thần thánh họ. Đó là cách mà giới trẻ tự đánh mất mình trong tư duy sống không đủ tự tin.

Tôi cho rằng căn nguyên của việc thần tượng mù quáng cá nhân ai đó là do nhận thức sai lầm về khả năng của những cá nhân trong xã hội. Nếu chúng ta không thấy rằng những khả năng mà một số người có được, về cơ bản là do họ lao động, học tập và được đặt trong các mối quan hệ xã hội phù hợp; thì chúng ta sẽ cho rằng những khả năng đó là những điều không thể chạm tới.

Thế nên, đáng ra chúng ta chỉ nên yêu mến và nể phục thì chúng ta lại ảo tưởng về khả năng của họ. Việc nhìn họ như thần thánh sẽ khiến chúng ta không còn phương hướng, lý tưởng phấn đấu rèn luyện mình để tiến lên để vượt lên.

Sự ảo tưởng về người khác, và tự ti về khả năng của mình sẽ tự đánh mất cái tôi của mình trong mối quan hệ với tập thể, cộng đồng. Cứ thế, càng ngày ta càng không xác định được mục đích cụ thể cho chính mình, mà chạy theo những thứ xa rời thực tế. Ảo tưởng như thế sẽ khiến chúng ta chạy theo nhau trong một giá trị vừa thực vừa không.

Có những giá trị thật quý giá xung quanh chúng ta mỗi ngày nhưng có nhiều người không quan tâm và nhìn nhận đúng. Đó có thể là sự hy sinh của cha mẹ, anh em trong gia đình cho mình. Đó có thể là sự lặng lẽ vượt lên số phận của những người khuyết tật... Bạn có cho rằng tất cả chỉ là bình thường và không đáng để nâng niu?

Còn tôi, mỗi ngày cố sống sao cho có ý nghĩa một chút để đáp lại niềm ngưỡng vọng cho những điều “đơn giản” như trên, là cảm thấy mình không trống rỗng. Và tôi cũng vẫn yêu, vẫn sống mỗi ngày với những người tôi nể phục.

Lê Cao (ĐHKH Huế)

Sự kiện "cuồng mộ" thần tượng Lưu Đức Hoa của cô gái trẻ Trung Quốc - Dương Lệ Quyên, dẫn đến cái chết của cha cô, như giọt nước làm tràn ly.

Đó có phải chỉ là "chuyện hoang đường ở xứ người"? Nhiều bậc phụ huynh, nhiều bạn trẻ giật mình, hiện tượng cuồng nhiệt và cuồng mộ thần tượng thực sự đã và đang chi phối đời sống của một bộ phận tuổi teen chúng ta. Cần những cái nhìn và định hướng như thế nào trước vấn đề nhạy cảm này?

Tuổi teen, nên hay không nên chọn cho mình một thần tượng? Thần tượng - có phải là một việc...vô bổ và mang lại những hệ quả xấu không lường trước? Thần tượng như thế nào là đúng đắn?

Chúng tôi rất mong đón nhận những ý kiến chia sẻ của các bạn cho diễn đàn: Thần tượng - nên hay không? Ý kiến tham gia diễn đàn xin vui lòng gõ font tiếng Việt có dấu, gửi về tto@tuoitre.com.vn.

TTO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên