13/07/2004 05:02 GMT+7

Điểm thi sẽ cao hơn năm 2003

THANH HÀ thực hiện
THANH HÀ thực hiện

TT - Hai đợt thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2004 đã kết thúc tương đối yên ổn. Tuy nhiên, riêng đề thi hầu hết ý kiến đánh giá đều thống nhất: đề khá nhẹ so với năm 2002 và 2003.

GscaeaMb.jpgPhóng to
16g30 - còn 45 phút nữa mới hết giờ làm bài môn toán (khối B) ngày 9-7 nhưng nhiều thí sinh tại điểm thi Trường THCS Bình Thọ (dự thi vào Trường ĐH Thể dục thể thao 2) đã lũ lượt ra về - Ảnh: P.Đ.
TT - Hai đợt thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2004 đã kết thúc tương đối yên ổn. Tuy nhiên, riêng đề thi hầu hết ý kiến đánh giá đều thống nhất: đề khá nhẹ so với năm 2002 và 2003.

Nghĩa là điểm thi tuyển sinh năm nay có thể sẽ cao hơn nhiều so với các năm trước? Chính Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long cũng dự đoán như thế qua cuộc trao đổi với PV Tuổi Trẻ.

* Theo đánh giá của phần lớn thí sinh (TS), giáo viên..., đề thi tuyển sinh ĐH năm nay, đặc biệt là đề thi khối A, có yêu cầu nhẹ hơn so với đề thi hai năm trước. Thưa ông, có phải Bộ GD-ĐT chủ trương năm nay ra đề dễ hơn không?

- Đối với việc ra đề thi năm nay quả là bộ có định hướng đề thi tuyển sinh phải điều chỉnh độ dài, độ phức tạp, phù hợp với mặt bằng trình độ chung của TS trong toàn quốc. Vì vậy, về cơ bản đề thi các môn, các khối đều đã được xây dựng trên yêu cầu giảm độ dài, độ phức tạp so với đề thi của năm 2003.

“Theo dự đoán của tôi, điểm thi của TS năm nay sẽ cao hơn năm 2003. Điểm chuẩn của các trường tốp giữa và tốp dưới sẽ cao hơn rõ rệt. Dự kiến điểm sàn năm nay sẽ ở mức 14-15 điểm”.

(Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long)

* Nhưng tại sao phải điều chỉnh khi với tỉ lệ trung bình bảy TS dự thi mới chọn được một người trúng tuyển như hiện nay, chúng ta hoàn toàn không khó khăn gì trong việc chọn lựa những TS xứng đáng? Phải chăng Bộ GD-ĐT điều chỉnh đề thi để có một kết quả “đẹp” hơn phổ điểm năm 2002 và 2003 nhằm đối phó với dư luận?

- Tôi khẳng định những điều chỉnh đối với đề thi hoàn toàn không nhằm đối phó với áp lực dư luận để có kết quả thi đẹp hơn. Vì sự thật chất lượng giáo dục là kết quả của cả một quá trình phấn đấu, cần thời gian chứ không thể có được đột biến qua một năm học, một kỳ thi.

Làm đề thi nói chung và đề thi tuyển sinh ĐH nói riêng hiện nay vẫn rất khó. Vì chúng ta chưa xây dựng được qui trình, các tiêu chí khoa học, có sự thử nghiệm trong thực tiễn để điều chỉnh ở mức độ thích hợp, có sự hồi âm từ TS, các trường THPT, ĐH... để đề thi thật sự sát chương trình học, phù hợp trình độ HS, với sự ra đời và hoạt động dần dần đi vào nền nếp của Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng, công tác ra đề thi của chúng ta cũng sẽ phải chuyên nghiệp hóa như vậy.

Hiện nay việc xây dựng đề thi chủ yếu mới dựa trên cơ sở kinh nghiệm và kiến thức của một đội ngũ các nhà giáo được chọn lọc trong cả nước. Vì vậy từ năm 2002, tức là khi chúng ta bắt đầu tổ chức thi tuyển sinh ĐH, CĐ bằng đề thi chung, bộ đã nỗ lực để dần dần hoàn thiện qui trình, chất lượng đề thi. Trong đó, một tiêu chí quan trọng đánh giá đề thi là đề có phù hợp với trình độ TS và thời gian làm bài không.

* Vậy việc điều chỉnh mức độ đề thi được căn cứ trên những cơ sở nào, có đặt trong tương quan với đề thi tốt nghiệp THPT không, thưa ông?

- Các thành viên ban đề thi và những người có trách nhiệm trong ban chỉ đạo tuyển sinh trước khi chính thức làm đề đã thảo luận thế nào là một đề thi vừa sức, đảm bảo yêu cầu tuyển chọn... nhưng cũng không ra đề ở mức độ bị đánh giá là dễ.

Về cơ bản, các đề thi đã được xây dựng trên nguyên tắc tỉ lệ 50-30-20. Trong đó, 50% nội dung đề thi yêu cầu kiến thức ở mức độ trung bình, 30% yêu cầu ở mức độ khá và 20% phải ở mức độ giỏi. Với mức độ yêu cầu đề thi như năm nay, chúng tôi cho rằng đề phù hợp với mặt bằng trình độ TS trong cả nước chứ không chỉ các địa phương có điều kiện thuận lợi, các TP lớn. Đề thi đảm bảo định hướng HS chỉ cần nắm vững kiến thức trong chương trình, sách giáo khoa phổ thông, có sự vận dụng, sáng tạo, không cần phải đi luyện thi.

* Theo kiến nghị của một số hội đồng tuyển sinh, ngoài “ba chung” như hiện nay, bộ nên tổ chức thêm “một chung” nữa là chấm thi chung để đảm bảo chính xác, công bằng. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

- Năm nay đã có sáu trường CĐ tổ chức chấm chéo với nhau. Có thể coi đây là một bước thí điểm để nghiên cứu triển khai đối với các trường ĐH trong những năm tới. Bộ cũng đã nghĩ đến phương án chấm thi chung.

Tuy nhiên chúng tôi cho rằng việc chấm chung chỉ có thể thực hiện được khi chúng ta chuyển sang thi tuyển sinh ĐH bằng phương pháp trắc nghiệm khách quan, chấm bài thi bằng máy vừa đảm bảo tính chính xác vừa đảm bảo yêu cầu thời gian, tiết kiệm chi phí tổ chức. Còn với hàng triệu bài thi vẫn phải dùng cán bộ chấm trực tiếp như hiện nay, việc gom về chấm chung quá phức tạp, chưa thể thực hiện được.

* Riêng khâu chấm thi, năm nay bộ có yêu cầu các trường thực hiện biện pháp gì mới nhằm tăng cường kỷ cương, đảm bảo tính chính xác, công bằng cho TS, thưa ông?

- Để siết chặt khâu chấm thi, bộ thực hiện qui định mới là các trường phải tổ chức chấm hai vòng độc lập bài thi ở hai phòng khác nhau. Cán bộ chấm thi phải là cán bộ chính thức của trường, tuyệt đối không sử dụng cán bộ, giáo viên tập sự tham gia. Nếu thiếu người chấm, có thể thuê của các trường ĐH khác hoặc giáo viên các trường THPT, nhưng phải theo hợp đồng trách nhiệm ký kết chính thức giữa hai cơ quan, tuyệt đối không sử dụng cán bộ chấm thi bên ngoài được mời với tư cách cá nhân.

Ngoài ra, bộ cũng sẽ tăng cường các đoàn thanh tra khâu chấm thi và năm nay thanh tra sẽ chấm thẩm định nhiều bài thi hơn.

THANH HÀ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên