04/12/2005 19:10 GMT+7

Dịch vụ giáo dục, cụ thể là gì?

TS. NGUYỄN ĐỨC NGHĨA - Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM
TS. NGUYỄN ĐỨC NGHĨA - Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM

Trong 9 lĩnh vực chủ yếu của khu vực dịch vụ phù hợp với vị trí, vai trò và tiềm năng của thành phố mà Dự thảo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội TP.HCM 5 năm (2006-2010) của Đảng bộ TP.HCM đã đưa ra có giáo dục - đào tạo (GD-ĐT).

dgIA5HoN.jpgPhóng to
HS Trường THCS Vân Đồn Q4 thực hành thí nghiệm môn hóa
Trong 9 lĩnh vực chủ yếu của khu vực dịch vụ phù hợp với vị trí, vai trò và tiềm năng của thành phố mà Dự thảo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội TP.HCM 5 năm (2006-2010) của Đảng bộ TP.HCM đã đưa ra có giáo dục - đào tạo (GD-ĐT).

Tuy nhiên, phần giải pháp để thực hiện mục tiêu này còn chung chung, chưa nêu được cụ thể là thành phố cần phải làm gì và trong GD-ĐT thì hoạt động gì được xem là dịch vụ…

Trong năm 2005, chi cho giáo dục và đào tạo chiếm 18% tổng chi ngân sách nhà nước và tại TP.HCM, tỷ lệ này lên đến 24%. Những con số này nói lên sự quan tâm rất lớn mà Trung ương và chính quyền TP.HCM đã dành cho giáo dục.

Tuy nhiên, trên thực tế, do nguồn vốn ngân sách không lớn nên tỷ lệ nói trên cũng chưa thật sự đáp ứng được mong muốn của người dân về việc nâng cao chất lượng GD-ĐT. Trong bối cảnh đó đã xuất hiện khái niệm “xã hội hóa giáo dục” nhằm huy động được mọi nguồn lực trong xã hội chăm lo cho giáo dục.

Dự thảo báo cáo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội TP.HCM 5 năm (2006-2010) của Đảng bộ TP.HCM cũng đã đưa ra một mục tiêu đột phá là chuyển dịch cơ cấu các ngành kinh tế của thành phố theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp. Dự thảo đã liệt kê 9 lĩnh vực chủ yếu trong khu vực dịch vụ phù hợp với vị trí, vai trò và tiềm năng của thành phố, trong đó có GD-ĐT.

Tuy nhiên, trong phần giải pháp để thực hiện mục tiêu này, các biện pháp đưa ra còn chung chung, chưa nêu được cụ thể là thành phố cần phải làm gì và trong GD-ĐT thì hoạt động gì được xem là dịch vụ… (trích dẫn các giải pháp, biện pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch 5 năm 2006-2010: “GD-ĐT: Thành phố tiếp tục là trung tâm GD-ĐT hàng đầu của phía Nam. Thành phố quyết tâm cao về hai lãnh vực đào tạo là kỹ thuật và quản lý, tập trung đào tạo nghề, các ngành khoa học kỹ thuật theo nhu cầu đòi hỏi của thị trường để đáp ứng cho quá trình công nghiệp hóa.

Đào tạo về quản lý kinh tế để thúc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sang các ngành dịch vụ. Tiếp tục xã hội hóa GD-ĐT hơn nữa. Khuyến khích các trường, cơ sở GD quốc tế thành lập chi nhánh tại thành phố”). Chúng tôi rất đồng tình với quan điểm đột phá này vì từ đây ngành GD sẽ có thêm nguồn động lực mới để gia tăng số lượng và nâng cao chất lượng cho các hoạt động của mình.

Tuy nhiên, dẫu sao GD-ĐT vẫn là một lãnh vực đặc thù, khác với lãnh vực kinh tế, trong đó đối tượng là con người chứ không phải là hàng hóa hay lợi nhuận, do đó cần phải khẳng định một số quan điểm và phải có những giải pháp hết sức cụ thể.

Về quan điểm, GD vẫn phải là sự nghiệp của nhà nước chăm lo cho nhân dân chứ không được hiểu xã hội hóa GD là chuyển tất cả các hoạt động GD-ĐT cho các thành phần “phi nhà nước” tổ chức và quản lý. Vai trò của xã hội hóa là chấm dứt một số hoạt động bao cấp không cần thiết trong GD, cung cấp các tiện nghi tốt hơn cho một bộ phận nhân dân có điều kiện tài chính cao hơn, làm nhẹ gánh ngân sách nhà nước để tập trung nguồn lực cho đại bộ phận người dân còn khó khăn. Để bảo đảm nguyên tắc đó, theo chúng tôi, dịch vụ trong GD-ĐT có thể nhắm tới trong các nội dung sau đây:

1. Tăng cường số lượng “chỗ học” cho người dân thông qua việc mở thêm trường từ mầm non đến cao đẳng - đại học (CĐ-ĐH), trong đó nên tăng dần thành phần kinh tế tư nhân theo cấp học. Ví dụ ở bậc mầm non, tiểu học, nhà nước vẫn giữ vai trò chủ đạo, nhưng tỷ lệ các trường CĐ-ĐH tư thục cần phải tăng mạnh trong vài năm tới.

Tất nhiên việc tăng tỷ lệ các trường CĐ-ĐH tư thục (nói chung là ngoài công lập) sẽ đòi hỏi phải sửa đổi các quy chế đầu tư, quy chế hoạt động của trường tư thục, quy chế tuyển sinh và quy chế đào tạo cho phù hợp, nhưng đó cũng là xu thế tất yếu trong quá trình hội nhập khu vực và hội nhập quốc tế mà Việt Nam phải tuân thủ.

Theo chỉ tiêu của dự thảo Văn kiện Đại hội X của Đảng, chỉ tính riêng ở bậc CĐ-ĐH, đến năm 2010, chỉ số sinh viên trên 1 vạn dân sẽ là 200. Điều đó có nghĩa trong vòng 5 năm tới sẽ phải có thêm khoảng 500 ngàn chỗ học CĐ-ĐH. Như vậy, phải hình thành thêm khoảng 100 trường CĐ-ĐH tương ứng. Rõ ràng là khu vực công lập không thể nào đảm bảo được kinh phí và nhân lực để thực hiện được chỉ tiêu đó.

2. Nâng cao chất lượng nội dung chương trình đào tạo ngang tầm khu vực và quốc tế. Trong nội dung này, thành phố đã có chủ trương khá rõ nét: khuyến khích các trường, cơ sở GD quốc tế thành lập chi nhánh tại thành phố. Tuy nhiên, thành phố chưa đặt nặng vấn đề tập trung sức xây dựng một số trường, nhất là các trường ĐH trên địa bàn TP.HCM đạt đẳng cấp quốc tế, đào tạo nhân tài cho đất nước và cho thành phố.

3. Các dịch vụ hỗ trợ điều kiện học tập và tiện nghi học tập. Trong kế hoạch 2006-2010, thành phố đã đặt ra mục tiêu quy hoạch và xây dựng các trường ĐH ở phía tây bắc và đông thành phố nhằm di dời một số trường CĐ-ĐH hiện đang có khuôn viên rất chật hẹp ra ngoại thành. Tuy nhiên, nếu để các trường “tự thân vận động” mà không có sự hỗ trợ kinh phí từ thành phố thì còn lâu quy hoạch này mới khả thi.

Nên chăng cũng xem đây là một dịch vụ mời gọi sự đóng góp của thành phần kinh tế phi nhà nước liên kết với các trường CĐ-ĐH. Đặc biệt, với quy mô tăng 500 ngàn sinh viên trên cả nước trong 5 năm tới, số sinh viên của các địa phương khác theo học tại TP.HCM vào năm 2010 có thể lên đến gần 200 ngàn sinh viên. Việc hình thành các khu đô thị ĐH, các ký túc xá, các cửa hàng cung cấp dịch vụ cho sinh viên (giải trí, mua sắm, di chuyển…) chắc chắn phải dựa rất nhiều vào các nhà cung cấp dịch vụ tư nhân.

Như vậy, để thực hiện được ý tưởng mục tiêu xem một số hoạt động GD-ĐT thuộc lãnh vực dịch vụ, còn cần thêm nhiều giải pháp cụ thể để sớm thể chế hóa và huy động được nhiều nguồn lực hơn cho công cuộc đổi mới đất nước, đổi mới GD.

TS. NGUYỄN ĐỨC NGHĨA - Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên