10/02/2004 06:59 GMT+7

Đi tìm việc… ù ù cạc cạc

QUỐC LINH
QUỐC LINH

TT - Tốt nghiệp, sau nhiều đắn đo, M. quyết định nộp hồ sơ vào một công ty. Hồ sơ được M. cẩn thận đóng thành tập không chê vào đâu được. Nhưng ngay câu phỏng vấn đầu tiên, M. đã “rớt đài” vì trả lời rằng công ty ấy chuyên sản xuất… dầu nhờn xe máy, trong khi sản phẩm công ty lại là nước giải khát.

VNkOF6kX.jpgPhóng to
Làm sao để những thông tin về cơ hội việc làm đến với thanh niên nông thôn nhanh hơn, đầy đủ hơn? - Ảnh: Q.Linh

Chuyện thật như đùa này được một nhân viên chuyên về tư vấn giới thiệu việc làm kể lại với các bạn trẻ trong một ngày hội việc làm.

Thông thường, các ngày hội việc làm, diễn đàn lao động đều có phần tuyển dụng. Nhưng không ít bạn tìm đến với hồ sơ trên tay rồi lặng lẽ ra về ngay sau khi kết thúc phần tọa đàm, dù đó là thời điểm bắt đầu nhận hồ sơ xin việc… vì thấy “mình chẳng hợp với chỗ nào”.

Nhiều người đã không tự chuẩn bị cho mình một chút thông tin gì, nói như anh Tô Đức Thắng - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên TP.HCM - là “quá thiếu thông tin và thiếu cả kỹ năng”.

Anh Nguyễn Văn Út (Phòng Giao dịch giới thiệu việc làm Củ Chi) thừa nhận: “Nhiều bạn tìm đến những ngày hội việc làm với suy nghĩ đi cho biết. Nhiều thanh niên khi được hỏi đã không ngần ngại thừa nhận mình đến với ngày hội việc làm hoặc do bị ba má giục phải đi, hoặc muốn tìm kiếm một cơ may nào đó.

Trong khi tại Củ Chi, dự báo không lâu nữa nhu cầu tuyển dụng tại các khu công nghiệp ở đây sẽ lên đến con số vài chục nghìn lao động/ năm. Nhưng trong tình trạng hiện nay, không thể không chia sẻ với lo lắng của nhiều nhà tuyển dụng rằng “đa số lao động trẻ nông thôn xuất thân là nông dân, nên để thích nghi được với tác phong làm việc công nghiệp quả không dễ”.

Do đâu? Câu trả lời là người lao động có quá ít thông tin từ nhà tuyển dụng. Thông tin tuyển dụng sẽ đi theo lộ trình từ TP xuống quận, huyện và cuối cùng đến xã. Và có đến xã thì cũng chỉ là một tờ giấy được photo khổ lớn dán trên bảng thông tin chung tại ủy ban xã mà không phải bất cứ lao động nào cũng có thể đọc được.

Trong khi đó, cách tiếp cận thông tin nhanh nhất là qua Internet và báo chí lại gần như là chuyện không tưởng đối với phần lớn thanh niên nông thôn! Mặt khác, cán bộ của các phòng và trung tâm giới thiệu việc làm quận, huyện chủ yếu là những cán bộ Đoàn kiêm nhiệm thêm (và thường chỉ một, hai người) nên không dễ dàng gì trong việc chuyển thông tin đến với người lao động một cách đầy đủ và nhanh nhất.

Người ta cũng đã nghĩ đến việc in tờ rơi phát đến tận ấp cho thanh niên, nhưng câu hỏi được nêu ra là “tiền đâu, người đâu” - để làm công việc này. Vòng luẩn quẩn thiếu tiền, thiếu nhân lực, địa bàn rộng, người lao động chưa thật nhanh nhạy với các kênh thông tin… đã trở thành những chướng ngại vô hình giữa nhà tuyển dụng với người lao động.

Đã đến lúc cần những cán bộ chuyên trách với cơ chế làm việc rõ ràng tại các phòng, trung tâm giới thiệu việc làm quận, huyện để họ chỉ chuyên tâm trong việc giúp đỡ thanh niên tìm việc làm. Nhưng ở chiều ngược lại, “mỗi bạn hãy nên biết mình đang có gì và doanh nghiệp đang cần gì để xem có phù hợp hay không, đừng đi tìm việc với một thái độ bâng quơ, chờ đợi mà phải thật chủ động”, như ý kiến của chị Kim Dung - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên TP.HCM.

QUỐC LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên