Phóng to |
Các em học sinh Trường Lê Ngọc Hân, TP.HCM đọc truyện sử trong giờ giải lao - Ảnh: Nguyễn Thành Long |
Nghe đọc nội dung toàn bài: |
Đặc biệt là học sinh tiểu học, nếu như không có được những nguồn tài liệu thật sự gây cho các em hứng thú học hỏi và tìm hiểu.
Chơi với sửĐọc sử không chỉ để biết sử
Những nẻo đường dẫn về "sử ta"
Đầu tiên và quan trọng nhất chính là sách giáo khoa của môn này trong trường học - làm sao cho môn lịch sử không khô khan và khó nuốt. Đây là nguồn tài liệu chính thống nhất, đòi hỏi sự chừng mực và nghiêm túc trong lượng thông tin đưa ra, nhưng đồng thời sách giáo khoa còn phải là loại tài liệu có khả năng gây hứng thú tìm tòi học hỏi nơi học sinh.
Vì thế, việc biên soạn, chỉnh lý và thiết kế sách giáo khoa đòi hỏi một quãng thời gian dài và rất tốn kém; để thay đổi nội dung hay hình thức dù nhỏ là cả một quá trình họp hành, hội thảo. Trong khi đó, sự phát triển tâm lý và sự thay đổi thị hiếu của trẻ nhỏ trong thời đại hôm nay có tốc độ nhanh hơn qui trình đó.
Bên cạnh một lượng phim ảnh không đáng kể, nẻo đường quan trọng tiếp theo chính là những bộ sách lịch sử VN có chức năng tham khảo đồng thời kiêm luôn nhiệm vụ giải trí, thật khó mà phân biệt được hai chức năng này khi độc giả của sách là học sinh tiểu học. Để 4.000 năm văn hiến uyên nghiêm kia trở nên gần gũi với các bạn nhỏ tuổi chưa vượt quá 12 là một thách thức đối với những người làm sách.
Để có được một bộ sách lịch sử VN phù hợp với năng lực tiếp nhận và thẩm mỹ cho các em tham khảo buộc họ phải táo bạo, tiên phong đi những bước thể nghiệm đầu tiên để đạt được mục đích: trẻ ta nhớ được sử ta khi còn nhỏ và bộ sách không rơi vào quên lãng như những ấn phẩm trước. Nói thì đơn giản vô cùng, nhưng nhìn qua nhìn lại trên thị trường sách, những ấn phẩm lịch sử VN có giá trị tham khảo vốn đã rất hạn chế, những ấn phẩm đáp ứng được yêu cầu đó càng hiếm.
Cách đây hơn năm năm, bộ sách Lịch sử Việt Nam bằng tranh (NXB Trẻ) rất đáng ghi nhận vì đã đáp ứng được một phần những nhu cầu rất thực của độc giả. Bộ sách là công sức của cả một nhóm người tâm huyết với việc tạo ra nguồn tài liệu khơi dậy niềm đam mê học sử cho trẻ em, không giới hạn độ tuổi.
Nhưng rồi bộ sách này cũng chìm vào quên lãng và không thể tiếp tục đi đến hết như dự định ban đầu của những người làm sách, dù đã chuyển đổi cho thích hợp nhưng văn phong còn "nghiêm" quá và ngành công nghiệp truyện tranh còn non trẻ của VN chưa thỏa mãn được "thị hiếu nhìn" của độc giả.
Thêm một nhóm người thử sức. Xuất hiện trên thị trường vào quí 1-2006, bộ truyện tranh lịch sử tham khảo dài hơi Truyện hay sử Việt do NXB Kim Đồng và Công ty Phan Thị hợp tác ấn hành đến nay đã được 30 tập (trong dự kiến trên 100 tập). Sách hướng đến học sinh tiểu học, nội dung trải dài từ thời Hai Bà Trưng đến các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần, Hồ, Hậu Lê, Tây Sơn...; và hiện sắp ra mắt các mẩu chuyện thời kháng chiến chống Pháp.
Bộ sách có những dư luận bàn tán, khen chê đủ các góc độ trên các phương tiện thông tin đại chúng của nhiều đối tượng, trừ hai đối tượng liên quan nhất đến ấn phẩm này: giáo viên và học sinh tiểu học. Mà trước nay không riêng về lĩnh vực lịch sử, sách dành cho thiếu nhi VN luôn rơi vào tình trạng: chỉ có người lớn bàn luận, chỉ có người lớn khen chê, và tất nhiên số lượng rất hạn chế và đây là những người "được nói".
Trong khi đó, khái niệm "survey" nghĩa là khảo sát, điều tra thái độ và hành vi của một nhóm người là một phương pháp phổ biến và hiệu quả để ghi nhận ý kiến như ở nước ngoài thì ở VN... hầu như không thấy trong lĩnh vực sách.
Bàn luận đến vấn đề sách tham khảo lịch sử nên hay không giữ nguyên những tượng đài, văn phong phải trang nghiêm, cô Hồng Hạnh (Trường Lê Ngọc Hân) cho rằng: "Muốn sử ăn sâu vào tâm trí các bé thì phải chuyển tải thành những câu chuyện nhẹ nhàng, vì học sử ngay từ nhỏ sẽ rất tốt. Nếu cố giữ văn phong oai nghiêm trong những câu chuyện khô khan thì đảm bảo các bé sẽ không thể nào tiếp thu nổi đâu". Thầy Trần Xuân Kiển - bí thư đoàn trường, cũng có ý kiến tương tự: "Để thu hút trẻ em học sử, cách duy nhất là phải kể chuyện lịch sử thật hay theo giọng văn của chúng. Việc viết lại sử VN cho sự tiếp nhận của thiếu nhi theo từng cấp độ tuổi là việc làm hợp lý và cần thiết vô cùng nếu người lớn muốn thiếu nhi VN làm quen với lịch sử khi vốn từ và nhận thức còn hạn chế". |
Chúng tôi chọn Trường tiểu học Lê Ngọc Hân, Q.1, TP.HCM làm điểm đến vì được biết ban giám hiệu ở đây cho phép phát hành bộ Truyện hay sử Việt như một nguồn sách tham khảo.
Chọn ngẫu nhiên mười bạn nhỏ lớp 3 và lớp 4 trong giờ ra chơi, chúng tôi thu nhặt được những cảm nhận thật của các bạn trong việc học và đọc sách tham khảo lịch sử, cụ thể là bộ truyện này: 8/10 bạn có khái niệm "môn lịch sử" và tỏ ra mình ham thích học môn này, dù lên lớp 4 lịch sử mới tách ra thành một phân môn riêng; 3/10 bạn nhỏ đã được ba mẹ mua cho đọc bộ Lịch sử Việt Nam bằng tranh và cho biết các em thích nhưng nếu đó là truyện tranh màu thì sẽ thích hơn; 6/10 bạn nhỏ đã và đang đọc bộ Truyện hay sử Việt đều cho rằng bộ truyện rất vui và dí dỏm, đặc biệt là lời thoại, các em cũng rất thích hình ảnh trong truyện.
Tìm gặp giáo viên Trường tiểu học Lê Ngọc Hân, cô Phương Trinh - hiệu phó, cho biết ban giám hiệu nhà trường phải cân nhắc kỹ trước khi quyết định giới thiệu nguồn sách tham khảo cho học sinh của mình: "Tôi thấy hình vẽ đẹp, màu sắc tươi trên giấy láng mịn thế này sẽ thu hút được sự chú ý của các em.
Những quyển sách này trở thành nguồn giải trí cho học sinh là rất tốt, tạo cho học sinh có thói quen đọc sách, làm quen với lịch sử từ nhỏ. Hình ảnh trong sách ngộ nghĩnh dễ thương nhưng vẫn còn mang phong cách Nhật Bản nặng quá, dù đã thay đổi quần áo cho giống như người Việt cổ nhưng vẫn chưa thật sự là VN. Truyện lịch sử VN cần cải tiến hơn về nét vẽ, cần VN hơn mà vẫn giữ được vẻ dễ thương và thu hút".
Những tranh luận xung quanh việc thực hiện những bộ sách tham khảo lịch sử VN dành cho bậc tiểu học chắc sẽ còn là mối quan tâm của nhiều người. Bài viết chỉ ghi nhận ý kiến của những "độc giả trực tiếp" mà sách hướng đến với hi vọng họ được lắng nghe, và trong tương lai không xa họ có được những ấn phẩm gần sát với nhu cầu dạy, học và đọc thực tế. "Sử ta" phải được "dân ta" ghi nhớ và thấu hiểu, có lẽ cũng bắt đầu từ những con đường nho nhỏ như thế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận