![]() |
Hiệu ứng chiếu sáng từ bên trong “Thuyền bạc”, tác phẩm của Lê Thừa Tiến |
Đò xưa, đò nay
Ở phường Phú Bình của TP Huế có một người thợ đóng thuyền gần 60 năm tuổi nghề: ông Nguyễn Văn Lựu, 71 tuổi. Trong xưởng đóng thuyền của mình, ông Lựu kể: “Mới 12 tuổi tui đã theo ông nội và ông thân (bố) cầm cưa đục đóng thuyền rồi. Hồi nớ đò Huế là loại đò năm thân ba mui, kích cỡ tùy người đặt. Con đò đóng bằng gỗ kiền kiền, hai bên hai tấm mạn, hai tấm tè và con tiếp (đáy thuyền).
![]() |
Con đò Huế xưa trong post card (1936) |
Nhưng rồi vào khoảng những năm 1960-1970 “bí truyền” của ông Lựu cũng không còn được áp dụng; đó là khi những tấm đuyra (hợp kim nhôm) theo chân quân đội Mỹ vào VN để lát công sự, đường băng dã chiến. Nhiều người dân đã biết mua các tấm hợp kim này xẻ ra thay cho ván đóng thuyền bằng gỗ kiền vừa đắt vừa khó kiếm, con thuyền nhờ đó lại nhẹ hơn, bền hơn.
Mẹo mực của ông Lựu chỉ được dùng khi cần đóng các thuyền “trãi” cho các cuộc đua thuyền dịp hội hè. Mặt khác, cuộc sống với nhiều biến động khiến cư dân vạn đò đã không còn giữ được hình ảnh duyên dáng của con đò truyền thống: hợp kim nhôm, inox, kính, composite dần thay thế cho gỗ và tre (lợp mui) của những con đò xưa.
Ngưng câu chuyện, ông Lựu quay sang hỏi: “Mấy chú có thấy những thuyền rồng chở khách đi du lịch và nghe ca Huế không? Do tui đóng cả đó, có chiếc thuyền đôi với tất cả máy móc thiết bị giá lên tới 300 triệu đồng, còn thuyền đơn thì giá bằng phân nửa”. Chúng tôi đã nhiều lần ngồi trên thuyền giữa trăng nước Hương Giang về đêm, nghe giọng ca Huế ngọt ngào sâu lắng; nhưng phải thú thật trong cái khoang thuyền rồng bốn bề là nhôm kính ấy, cái “cảm giác Huế” của một không gian cũ xưa đằm thắm đã mất đi nhiều lắm!
Chiếc “thuyền bạc” của người nghệ sĩ
![]() |
Ông Nguyễn Văn Lựu giới thiệu công đoạn tạo “lỗ làu” trong kỹ thuật đóng những con đò truyền thống ở Huế |
Sự thưa vắng những con đò xưa trên sông Hương, thay vào đó là những chiếc thuyền đóng bằng vật liệu mới, màu sơn mới cùng với máy phát điện, tăng âm điện tử... đã khiến người nghệ sĩ này bật ra ý tưởng thực hiện một dự án nghệ thuật mang tên “Thuyền bạc” nhằm lưu giữ hình ảnh con đò Huế, và đây sẽ là một tác phẩm nghệ thuật sắp đặt kết hợp với phong cảnh và âm nhạc cổ truyền Huế.
Đó sẽ là một đôi thuyền Huế đóng theo kiểu truyền thống (xem ảnh) có kích thước, kết cấu và chất liệu dựa trên nguyên mẫu của một số ít đò Huế xưa còn hiện diện trên sông Hương, và toàn bộ nội thất lẫn ngoại thất con đò được dát bạc theo kỹ thuật sơn mài truyền thống VN.
Theo Lê Thừa Tiến, chất liệu bạc mang vẻ đẹp của sự trường cửu và tính thanh khiết, hơn nữa chất liệu bạc sẽ mang lại nhiều hiệu ứng đặc biệt với các nguồn sáng, tạo nên một điểm nhấn thị giác trên không gian thơ mộng của dòng Hương. Khách qua cầu Tràng Tiền, dạo trên phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu hay thuyền xuôi ngược trên sông đều có thể xem tác phẩm nghệ thuật này, đồng thời đôi thuyền bạc có thể di chuyển trên sông Hương, vào cả trong hào thành lẫn hệ thống sông Ngự Hà của Thành nội, giúp tăng khả năng tiếp cận của tác phẩm với cộng đồng.
Đó cũng là một sáng tạo của Lê Thừa Tiến bởi các tác phẩm sắp đặt thường gắn với một không gian nhất định và có tính tạm thời, trong khi đôi thuyền bạc có thể vận động và hiệu quả lâu bền. Bình thường thuyền sẽ đậu ở bến thuyền bên phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, nơi đó lan can bến thuyền cũng được thếp bạc, với chức năng tạo cảnh vào ban ngày (dưới ánh sáng mặt trời) lẫn ban đêm (dưới ánh trăng hoặc do chiếu sáng nhân tạo). Điều hấp dẫn nhất là trên đôi thuyền bạc này có thể tổ chức các buổi biểu diễn âm nhạc cổ truyền của Huế theo hình thức thính phòng.
Dự án của Lê Thừa Tiến nhằm phục vụ Festival Huế vào tháng sáu tới đây nhưng hiện vẫn chưa tìm được tài trợ. Rất có thể “Thuyền bạc” đành lỗi hẹn với hội hè, nhưng chỉ qua những gì anh đã thể nghiệm về “Thuyền bạc”, có thể tin chắc rằng một ngày nào đó khách qua cầu Tràng Tiền sẽ chứng kiến hình ảnh một đôi thuyền bạc long lanh mang hình hài con đò Huế mộng mơ giữa xanh ngát Hương Giang...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận