29/12/2009 05:33 GMT+7

Đi tìm điệu nhảy Việt Nam

HOÀNG ĐIỆP
HOÀNG ĐIỆP

TT - Ngày 26-12, Hội Nghệ sĩ múa Hà Nội tổ chức phát động cuộc thi sáng tác các điệu nhảy Việt Nam. Mục tiêu chính của cuộc vận động sáng tác các điệu nhảy này là làm sao sáng tạo một điệu múa vừa mang tính dân tộc vừa phổ cập cho tất cả các tầng lớp nhân dân...

BOXv8357.jpgPhóng to

lnuaEoqm.jpg

Trong buổi phát động cuộc thi sáng tác các điệu nhảy Việt Nam, ban tổ chức đã giới thiệu một số điệu nhảy Việt Nam nhưng cách thể hiện và trang phục chẳng khác gì khiêu vũ thể thao - Ảnh: Hoàng Điệp

Chưa có điệu nhảy đặc trưng

Các dân tộc trên thế giới đều có những điệu nhảy đặc trưng của dân tộc mình. Ngay một số dân tộc thiểu số Việt Nam tuy đời sống còn gặp nhiều khó khăn nhưng bản sắc riêng lại rất đậm đà. Tại những cuộc vui của các dân tộc thiểu số phía Bắc vẫn còn tồn tại nhiều điệu múa, nhảy sôi động mang tính quần chúng rất cao: múa sạp (người Thái), múa cồng chiêng của các dân tộc Tây nguyên, múa khèn của người Mông, xòe tung chân của người Thái (thường được sử dụng khi cuộc vui gần tàn).

Ở một số bộ phim tài liệu nói về ngày giải phóng thủ đô (1954) cũng có những trường đoạn bộ đội nhảy sạp cùng các thiếu nữ. Còn ngày nay, các thanh thiếu niên nhảy hiphop đầy đường, trong sàn nhảy thì thịnh hành các điệu nhảy của nước ngoài: salsa, valse... Một bộ phận không nhỏ người dân ở khu vực miền Trung (gần biên giới Lào) thì sử dụng điệu múa lăm vông của người Lào vào bất kể cuộc vui nào, thậm chí cả những cuộc vui cấp tỉnh tổ chức.

Như vậy, người Việt nói chung không có điệu nhảy đặc trưng nào mang tính đại chúng và phổ cập, nên việc đi tìm - phát động cuộc thi sáng tác các điệu nhảy cũng là dễ hiểu. Tuy nhiên, ngay trong buổi phát động có rất nhiều ý kiến khác nhau về việc sáng tác các điệu nhảy, trong đó nhiều ý kiến nhấn mạnh rằng nếu khâu tổ chức không tốt thì việc thực hiện chỉ “đầu voi đuôi chuột” mà thôi.

“Việc ra đời một điệu nhảy Việt Nam như sự ra đời một sản phẩm mới, một loại hàng hóa. Dù có là hàng hóa mang tính đặc thù đi chăng nữa thì vẫn phải tuân theo quy luật; đã là hàng hóa thì phải có người tiêu dùng, cần có thời gian thâm nhập vào đời sống xã hội. Nói như các nhà kinh tế thì cần phải có gói kích cầu thiết thực, đầu tư hợp lý về tuyên truyền, quảng bá, tập luyện... và các hoạt động này phải được duy trì thường xuyên, tránh kiểu làm “ăn đong”, đánh trống bỏ dùi với kinh phí èo uột được chăng hay chớ rất bất lợi cho hoạt động nghệ thuật” - ông Lý Văn Phúc, một người tham gia buổi lễ phát động, nói.

Để điệu nhảy mới không... chết non

Ngược thời gian cách đây 21 năm, vào năm 1988, Bộ Văn hóa - thông tin lần đầu tiên tổ chức Liên hoan những đôi nhảy đẹp lần thứ nhất tại thành phố Nha Trang. Sau khi cuộc thi kết thúc, nhiều ý kiến cho rằng nên tổ chức cuộc thi các điệu nhảy Việt Nam. Sau đó, bộ cũng đã phát động cuộc thi sáng tác các điệu nhảy Việt Nam trong hai đợt với cả thảy chín điệu nhảy được trao giải. Các điệu nhảy Việt Nam này đã được công diễn ở một số địa điểm nhưng rốt cục đã không phát huy được mà dần biến mất khỏi đời sống cộng đồng.

Nói một cách cụ thể như ý kiến của NSND Ứng Duy Thịnh: “Chúng ta đã có những điệu nhảy Việt Nam nhưng nó là những điệu nhảy không tên không tuổi và đã chết non. Bởi vậy việc sáng tác điệu nhảy như thế nào, nhảy trên nền âm nhạc nào... là điều không quá khó, mà duy trì nó ra sao, phát triển nó thế nào mới là vấn đề quan trọng”.

Bằng chứng ông Ứng Duy Thịnh đưa ra đó là trước đây ông từng tham gia tổ chức cuộc thi sáng tác 10 điệu nhảy trong quân đội. Lúc khởi xướng thì hào hứng nhưng một thời gian sau nó cứ tắt dần, tắt dần và hiện nay không còn hiện diện nữa. Và ông Ứng Duy Thịnh cho rằng nếu không thận trọng thì chúng ta mất công, mất tiền tổ chức cuộc thi tìm các điệu nhảy để rồi sau đó các điệu nhảy cũng biến mất khỏi đời sống.

Nhạc sĩ Hồ Quang Bình: Cần có dân vũ

“Cách đây hai năm, tôi có đến Bằng Tường (Trung Quốc) và chứng kiến việc mỗi tối thứ bảy người dân ra bờ sông để nhảy múa. Với những động tác rất đơn giản, người nhảy múa chỉ đi đi lại lại, nhìn vào mặt nhau giơ tay lên rồi hạ xuống... trên nền tiết tấu valse, tango, rumba, chachacha.. Tối thứ bảy nào họ cũng nhảy múa như thế tạo nên một nét sinh hoạt rất lành mạnh và đẹp mắt. Vậy chúng ta nên gọi những điệu nhảy ấy là dân vũ và buộc phải có được những yếu tố cấu thành như trên.

Mong rằng ít nhất vào dịp đại lễ, ở các quảng trường lớn mà có dân vũ có thể thu hút đông đảo mọi người. Giống như những năm 1950, 1960, hầu như nơi nào có đất rộng thì vào buổi chiều tối mọi người có thể tụ tập nhảy múa. Đến mức ở nông thôn người ta cũng nhảy trong tiếng đập thúng mủng”.

HOÀNG ĐIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên