20/08/2006 18:02 GMT+7

Di sản vịnh Hạ Long: Nhiều đảo có nguy cơ biến mất

Theo Lao Động
Theo Lao Động

Sự biến mất một mảng thuộc hòn Phụ Tử - danh thắng nổi tiếng của biển Hà Tiên - khiến người ta không khỏi giật mình khi nghĩ tới Di sản Vịnh Hạ Long.

5vEd0Txh.jpgPhóng to
Ảnh: Tố Uyên
Địa hình đá vôi trải dài từ bắc đến nam đã đem đến cho nước ta rất nhiều danh lam thắng cảnh kỳ thú bằng đá, đặc biệt là đá trên mặt nước. Hiện nay có 59 di tích khảo cổ và 105 thắng cảnh được xếp hạng quốc gia, nhưng trên mặt biển thì chỉ có 3 là vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), hòn Chồng - hòn Đỏ (vịnh Nha Trang, Khánh Hoà) và hòn Chông (Kiên Giang). Sự kiện hòn Phụ Tử (Kiên Giang) gãy đổ chính là một tiếng chuông cảnh báo.

Sự biến mất một mảng thuộc hòn Phụ Tử - danh thắng nổi tiếng của biển Hà Tiên - khiến người ta không khỏi giật mình khi nghĩ tới Di sản Vịnh Hạ Long.

Ít nhất, vùng non nước lộng lẫy ấy đã trải qua thời gian địa chất 500 triệu năm và nó chính là sản phẩm hiếm hoi còn sót lại của quá trình kiến tạo vỏ trái đất cũng như sự biến đổi của vùng đồng bằng Karst (đá vôi). Nói một cách giản dị như những người dân chài Hạ Long: "Những hòn đá ở đây cũng đã mỏi rồi".

Núi vừa trượt vừa bị tiện

1969 hòn đảo lớn nhỏ - đó là con số các đảo thuộc vùng vịnh Hạ Long được xác định từ ảnh vệ tinh. Riêng vùng bảo vệ tuyệt đối của di sản là 775 hòn. Trong đó mới chỉ biết 480 hòn có tên gọi. Và như vậy, rất có thể đã có hòn lặng lẽ biến mất cũng như sự trống vắng của một viên gạch nhỏ giữa một bức trường thành rộng lớn thường chẳng mấy ai để ý cũng là lẽ thường tình nếu người ta không nhìn thấy.

Vào thập niên 90 của thế kỷ trước, núi Bài Thơ, "Chiếc ngai vĩnh cửu" nằm ngay giữa trung tâm thành phố Hạ Long đã 3 lần sạt lở. Còn ngoài mặt vịnh, dọc trên các tuyến hành trình của du thuyền, có thể nhìn thấy rất rõ những đảo đá bị trượt mất đi cả một vách lớn dài rộng hàng trăm mét vuông và vết tích để lại là những mảng đỏ màu gỉ sắt, màu trắng đục tựa như những vết rồng cào khổng lồ.

Tại đây, người ta đã đếm được 5 đảo đá từng bị như thế. Nhưng đó cũng chỉ là con số của một nẻo mê cung. Ngoài dân chài cư trú và làm nghề truyền đời ngay trong vùng vịnh, hầu như không mấy ai đi hết và thuộc hết các hòn đảo ở đây ngoại trừ những ngọn núi có tên tuổi bởi truyền thuyết và sự lãng mạn độc đáo.

"Đồng bằng Karst" - đó là thuật ngữ các nhà địa chất học gọi Hạ Long bởi quá trình kiến tạo và biến đổi của vỏ trái đất, nơi đây là một bình địa với lớp đá vôi dày tới 1000m. Mưa gió và các thời kỳ biển tiến, biển thoái bào mòn dần bắt đầu từ những rãnh nứt nhỏ cho đến khi nó trở thành những ngọn núi hình tháp dầm mình trong nước với vô số "kỳ hoa dị thảo" là điều không một sự tưởng tượng nào đạt tới. Biết rằng, tất cả những đảo đá đang nhìn thấy ở đây - phần tiếp giáp mặt nước quen gọi là chân núi - đều đã bị tiện mòn xung quanh tựa hồ như chân đế của những chiếc ly.

Ông Ngô Văn Hùng - Trưởng ban Quản lý vịnh Hạ Long - cho biết: "Không phải bây giờ chúng tôi mới nhìn thấy sự chênh vênh của những đảo đá ở đây. Nhất là những hòn đã gần như trở thành biểu tượng của Hạ Long như hòn Gà Chọi, hòn Đỉnh Hương, hòn Bút, hòn Con Cóc...". Câu hỏi được đặt ra, Quảng Ninh đã làm gì trước trước thực trạng "chênh vênh" có thể đổ gẫy và biến mất bất cứ lúc nào đối với "Những hòn đá đã mỏi"?

Không thể chần chừ

Việc vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận lần thứ 2 về giá trị địa chất và địa mạo là điều không cần bàn cãi. Tuy nhiên, những tài liệu khoa học nghiên cứu về khả năng cũng như cấp độ biến động của các tháp Karst tại vùng vịnh hiện nay vẫn hết sức mỏng manh.

Bên cạnh việc xúc tiến tổ chức các chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học phục vụ cho việc xây dựng Bảo tàng Sinh thái Hạ Long, người ta mới chỉ tính đến việc phối hợp với Trường Đại học Mỏ - Địa chất xác định độ ổn định của một số hang động nổi tiếng nhằm mục đích bảo tồn, chống xuống cấp và bảo đảm sự an toàn tuyệt đối cho hàng nghìn khách du lịch tới tham quan mỗi ngày.

Cô Trương Lan Tâm - Trưởng phòng Nghiệp vụ BQL vịnh Hạ Long - nói: "Ngay cả hơi người cũng có thể tác động xấu tới tình trạng biến dạng của đá. Nhiều hang, măng đá và nhũ đá đã biến đổi cả màu sắc. Có nơi, thấy nước bỗng nhỏ giọt dày hơn, nhiều hơn cũng có nghĩa là phần nứt bên trên đã lớn hơn và nó buộc người quản lý không thể bàng quan".

Hằng năm, chúng tôi đều tổ chức tập huấn và kiểm tra định kỳ với các ban quản lý di tích và có lẽ từ năm nay trở đi, chúng tôi sẽ phải có cảnh báo bằng văn bản để các ban quản lý phải chủ động có biện pháp phòng ngừa. Có thể là thuê những Cty tư vấn chuyên ngành đo đạc, ghi nhật ký để theo dõi thông số kỹ thuật hằng năm, từ đó sẽ có những can thiệp kịp thời để tránh được những tai nạn không đáng có.

Ông Đặng Văn Bài - Cục trưởng Cục Di sản (Bộ VHTT)

Đầu năm 2006, BQL vịnh Hạ Long bắt đầu đưa ra dự án nghiên cứu toàn diện về giá trị địa chất - địa mạo vịnh Hạ Long đối với một số viện khoa học chuyên ngành VN - một công việc hết sức nghiêm túc và cần thiết song mọi chuyện mới chỉ là sơ khởi.

Giờ đây, sự kiện hòn Phụ Tử đang buộc những người trực tiếp quản lý vùng di sản phải gấp rút nhìn lại tổng thể những hòn đảo vô giá ở đây. Các đảo Gà Chọi, Đỉnh Hương, hòn Bút... từ lâu đã ở trong tình trạng hết sức mong manh.

Ông Ngô Hùng xác nhận: "Kể cả nguồn kinh phí phục vụ cho khảo sát, thiết kế và tôn tạo, bảo tồn đối với những hòn đảo có nguy cơ băng hoại là hoàn toàn không có gì đáng ngại. Nhưng chọn ai để thực hiện và thực hiện như thế nào là điều hiện tại chúng tôi chưa nhìn thấy".

Mối quan ngại của ông Hùng là hoàn toàn có lý. Nhưng không thể vì thế mà chấp nhận ngồi chờ. Vì điều gì cũng có thể xảy ra. Đối với Hạ Long, hơn 10 năm qua và ngay cả bây giờ, những hòn đá đã và vẫn không ngừng lên tiếng về những điều bất trắc. Chỉ có điều, những người trực tiếp đảm nhiệm sự nghiệp quản lý vùng di sản tìm kiếm thông tin và lựa chọn đối tác như thế nào để có thể loại bỏ ngay từ đầu những đầu óc trục lợi cũng như những bàn tay thô lậu, tránh cho Hạ Long không có bóng dáng của những "Tháp Rùa mập" thứ hai.

GS. TSKH Nguyễn Quang Mỹ: Chúng ta chỉ hưởng thụ...

Nội dung là gì Hiện tại, tôi có thể cảnh báo ngay rằng hòn Trống Mái, hòn Cột, hòn Đũa, hòn Gà Chọi, hòn Con Cóc... ở Vịnh Hạ Long sẽ gãy đổ bất cứ lúc nào vì chân những khối đá vôi ấy đã bị nước mưa, sóng biển ăn mòn rất lớn. Một số nơi khác cũng thế, với những khối đá vôi đơn độc nằm trên nước hoặc trên núi, do quá trình ăn mòn cũng đang ở tình trạng nguy hiểm.

Tôi muốn nói rằng, điều đáng lo ngại nhất không phải do thiên nhiên, do quá trình ăn mòn làm nên sự gãy đổ của các khối đá vôi, cái quan trọng và đáng lo ngại chính là thái độ thờ ơ của chính chúng ta. Đá vôi do những đặc điểm khu biệt của nó, qua thời gian, dễ tạo ra nhiều hình khối rất đẹp và ấn tượng. Cần phải có một cuộc rà soát, thống kê, đo đếm, kiểm tra tất cả những khu vực đá vôi thuộc thắng cảnh, nắm chắc khả năng bền vững của nó.

Đối với những nơi có nguy cơ gãy đổ cần tiến hành những biện pháp chống đỡ cần thiết như dùng bêtông và lồng sắt bảo vệ chân cột đá hoặc những biện pháp kỹ thuật khác hạn chế tác động mưa, sóng biển. Chúng ta thừa hưởng một tài sản khổng lồ, quý giá do thiên nhiên ban tặng, nhưng chỉ hưởng thụ mà ít khi quan tâm đến số phận của chúng nên bây giờ cần chủ động phòng ngừa, bảo vệ, giữ gìn nó, không chỉ cho hôm nay mà cho nhiều thế hệ khác.

Lập dự án bảo vệ hòn Trống Mái trên vịnh Hạ Long

Theo Lao Động
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên