![]() |
Đội “Xung kích quan họ” làng Diềm |
Mặc dù không còn trao danh hiệu Kiệt tác phi vật thể và Di sản nhân loại, UNESCO vẫn tiếp tục công nhận di sản văn hóa của các nước thành viên. Một trong hai đại diện văn hóa của VN đang xếp hàng chờ xét duyệt là quan họ - hiện vẫn trong quá trình lập hồ sơ.
Nhưng giờ đây, một việc còn quan trọng hơn danh hiệu (có thể) được quốc tế công nhận là khẩn trương bảo tồn, phục hồi những gì sót lại của quan họ.
Với một lực lượng diễn viên hùng hậu của đoàn Quan họ Bắc Ninh, với hội Lim tầm cỡ quốc gia được tổ chức hàng năm, băng đĩa Thúy Cải, Thúy Hường… lúc nào cũng sẵn, những tưởng Quan họ rơi vào trường hợp hi hữu vẫn giữ được sức sống mãnh liệt trong xã hội đương đại. Nhưng thật ra quan họ đã và đang phải đánh đổi rất nhiều. Hay nói rõ hơn, những người chịu trách nhiệm thừa hưởng gia tài nghệ thuật này từ một nhận thức sai lệch kéo dài đã đi quá xa cái gốc của quan họ.
Quan họ là hình thức hát đối giữa liền anh - liền chị của hai cộng đồng làng xã. Hát đối đáp nam nữ như hát Ví, hát Trống quân, hát Đúm… nhiều vùng đều có.
Riêng ở Bắc Ninh, những người tham gia quan họ vươn tới một mục đích cao hơn. Hát trong quan họ được nâng lên mức nghệ thuật, không còn là phương tiện để giao duyên.
Để có thể hát cả đời với nhau, những liền anh liền chị, khi đã kết nghĩa, nguyền không lấy nhau. Trong trường hợp không cưỡng lại được, đi đến hôn nhân, coi như họ đã tự loại mình ra khỏi cuộc chơi.
Luật chơi nghiêm ngặt này góp phần đưa quan họ vươn tới những vẻ đẹp độc đáo trong kỹ thuật hát. Vậy nên, dù thuộc về thú chơi nhưng hát quan họ đòi hỏi người hát phải có sự đào luyện tương đương với các thể loại chuyên nghiệp như ca trù, hát văn, chèo…
Trong khi các thể loại hát trai gái khác thường có chỉ một làn điệu (và cũng chính là tên gọi của thể loại), thì quan họ từng đạt tới một lượng bài bản lên tới trên dưới 300 làn điệu (thống kê của Hội nghị quan họ lần thứ V- 1973).
Các nghệ nhân quan họ xưa kia thường đi khắp đó đây, tìm tòi dân ca, đem về “quan họ hóa”, trước là để quan họ bạn bất ngờ, khó đối đáp, sau để cho kho tàng làn điệu quan họ sinh sôi mãi… Người cuối cùng sáng tác được quan họ là nghệ nhân Nguyễn Đức Sôi, đã mất năm 2001.
Đệm nhạc châu Âu quên cách hát cổ
Nhưng trong quá trình “chuyên nghiệp hóa” nghệ thuật quan họ, người ta đã không để ý đến những điều kể trên. Quan họ ngày nay thường được hình dung như những tiết mục đơn ca, tốp ca có nhạc đệm - “xịn” thì dàn nhạc dân tộc cải tiến, không thì chỉ một cái đàn oóc.
Trong khi quan họ nguyên bản luôn là hai người nữ hát đối với hai người nam - không hề có nhạc cụ kèm theo. Khi đưa quan họ lên sân khấu, những tiếng đệm, tiếng láy... bị cắt bỏ không thương tiếc, cho vừa với thời lượng của một ca khúc.
Khi bị đệm đàn, tiết tấu của dàn nhạc tiếp tục phá hỏng nhịp điệu tự nhiên của hát quan họ. Các diễn viên quan họ hát nhanh hơn, và với sự hỗ trợ của tăng âm, họ hát nhỏ hơn, hơi ngắn hơn, nhưng lại mở khẩu hình lớn hơn (áp dụng kỹ thuật cộng minh của thanh nhạc cổ điển châu Âu), dẫn tới triệt tiêu dần nhiều kỹ thuật thanh nhạc cổ truyền như rung giọng, nảy hạt... Hậu quả là, các diễn viên chuyên nghiệp khó lòng quay lại hát được quan họ đúng như cổ truyền.
Khi quan họ được trình bày như một ca khúc, tất nhiên người ta sẽ không để ý tới bài đối với nó là bài gì. Góp phần dẫn tới tình trạng khi quay về dựng canh hát quan họ cổ, các nhà nghiên cứu mới ngã ngửa ra, nhiều bài quan họ bây giờ không còn tìm được bài đối, hoặc còn lời ca nhưng không ai biết hát.
Những bài bản khác của quan họ tiếp tục bị mất do cách khai thác của Đoàn chuyên nghiệp. Quan họ Đoàn hay quan họ đài thường cũng chỉ đưa lên sân khấu những bài thuộc giọng vặt, giọng giã - dễ nghe dễ hát.
Còn thường bỏ qua các bài thuộc giọng lề lối (La Rằng, Tình Tang, Cái Hời Cái ả, Cây Gạo, Đương Bạn…), vốn là những bài bản thuộc đẳng cấp cao trong kỹ thuật thanh nhạc của quan họ cổ, và là những bài không thể dùng hòa âm phương Tây để đệm theo.
Cụ Nhi, xấp xỉ 90 tuổi, ở làng Diềm - một trong 6 cụ được Bắc Ninh đề cử Báu vật nhân văn sống UNESCO (từ 2003) - cho hay, canh quan họ xưa mở đầu bằng bài Hừ La, rồi đến La Rằng: “Nhưng Hừ La khó quá, đến đời chúng tôi toàn trốn, không muốn học!” Hừ La - với độ dài nghe đâu 15’ nay đã thất truyền, còn La Rằng cũng chỉ những nghệ nhân lớn tuổi mới biết hát. Nhưng các cụ không có cơ hội để hát, nói gì đến truyền dạy.
Bà Triện, tuổi ngoài 70, ở làng Ngang Nội, hát cho chúng tôi nghe xong nói: “Bốn chục năm nay, chúng tôi mới hát. Vì hát chả ai nghe. Đến đám, chúng tôi hát là người ta về hết!
Người ta bảo: “Lời cổ mà các bà ấy hát lại ề à!” Trong cảnh tình này, trớ trêu thay, số ít những bạn trẻ hát theo lối cổ lại bị bài xích. Cô tạp vụ ở Phòng Văn hóa huyện Tiên Du, hay cô bán cá ở làng Diềm… rất có thể là những nghệ nhân tương lai, nếu họ có nhiều cơ hội để hát.
Nhưng tất nhiên, giờ đây họ không thể chen chân vào CLB cấp làng trở lên, nơi dành cho những người “chuyên nghiệp” - tốt nhất là đã qua (3 năm) đào tạo tại Trường VHNT tỉnh.
Việc đại đa số, thậm chí ngay chính con đẻ của nghệ nhân cũng đi theo lối trình diễn của đoàn quan họ là điều có thể hiểu được. Vì đây là mô hình đang được Nhà nước và đa số cộng đồng chấp nhận. Và một nguyên do nữa: Hát như thế đỡ phải khổ công tập luyện.
còn tiếp
Hội Lim, hi vọng mãi còn quan họ...Quan họ là kết tinh sinh hoạt dân ca VNLập hồ sơ đề nghị công nhận quan họ là di sản thế giới
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận