21/06/2012 08:25 GMT+7

Di sản của "Con bò cười"

HIẾU TRUNG
HIẾU TRUNG

TT - “Con nhân sư” cuối cùng Hosni Mubarak để lại sau lưng một đất nước Ai Cập rạn vỡ, chia rẽ về chính trị và xã hội với nạn tham nhũng, bạo lực cùng khát vọng dân chủ.

x6pcTNRH.jpgPhóng to
Cựu tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak ngồi trong một chiếc lồng tại phiên xử ở Cairo hôm 2-6 - Ảnh: Reuters

Ngày 20-6, Hãng tin Ai Cập MENA đưa tin cựu tổng thống Hosni Mubarak, 84 tuổi, bị đột quỵ và đã chết. Tuy nhiên, Hãng tin Ả Rập Al-Jazeera và Đài truyền hình quốc gia Ai Cập lại dẫn nguồn tin từ bệnh viện quân đội ở Cairo khẳng định ông ta chưa qua đời mà vẫn đang trong tình trạng hôn mê và thở bằng máy. “Các bác sĩ vẫn đang cố cứu ông ấy” - nguồn tin này nhấn mạnh.

Sức khỏe của ông Mubarak đã sa sút nghiêm trọng từ sau khi ông bị xử tù chung thân vì cái chết của 850 người trong cuộc nổi dậy vào tháng 1 và 2-2011, và bị giam trong nhà ngục Tora ở ngoại ô Cairo.

Trong suốt thời gian diễn ra phiên tòa xét xử mình, ông Mubarak luôn xuất hiện trên một băng ca phía sau một ô khung sắt, thật khác xa với hình ảnh một nhà lãnh đạo từng rất thu hút trên sân khấu chính trị thế giới nhưng lại rất đáng sợ với trong nước.

Giờ đây khi ông đang đối diện với tử thần cũng là lúc đất nước mà ông từng lãnh đạo đang trong cơn hấp hối vì những rạn vỡ, chia rẽ về chính trị và xã hội cùng những hỗn loạn.

Bán rẻ đất nước

Trên tạp chí Foreign Policy, chuyên gia Trung Đông Steven A.Cook bình luận khi qua đời, ông Mubarak sẽ không được người dân Ai Cập tưởng nhớ như những người tiền nhiệm Gamal Abdel Nasser và Anwar Sadat, bởi ít ra họ đã đạt được những công lao to lớn như quốc hữu hóa kênh đào Suez hay đàm phán hòa bình với Israel. Ngược lại, trong những ký ức về ông Mubarak chỉ là những trò chính trị bẩn thỉu và sự tàn bạo suốt từ tháng 10-1981 cho đến tháng 2-2011.

“Triều đại” của ông Mubarak đã khởi đầu khá hứa hẹn khi người dân Ai Cập mô tả ông là “Con bò cười”, một thương hiệu rất phổ biến ở Trung Đông. Ông đối thoại với phe đối lập từng nổi dậy chống ông Sadat, cam kết sử dụng luật khẩn cấp của chính phủ một cách công bằng, trả tự do cho các tù nhân bị ông Sadat đày đọa và hứa sẽ thực hiện các cải tổ kinh tế và chính trị.

Thời kỳ Mubarak, nền kinh tế Ai Cập cũng phát triển mạnh mẽ. Ai Cập sống nhờ vào nguồn tài nguyên dầu khí của mình, đứng hàng thứ sáu về xuất khẩu. GDP tăng từ 40 tỉ USD năm 1981 lên 145 tỉ USD năm 2011. Cộng đồng kinh doanh quốc tế mô tả Ai Cập là “thị trường mới nổi”. Dù vậy, đại bộ phận người dân Ai Cập lại không được hưởng lợi từ sự tăng trưởng này. Trên thực tế khoảng cách giàu nghèo ở Ai Cập ngày càng phình to, một phần lớn dân số phải sống với mức dưới 2 USD/ngày.

Sự giận dữ của người dân đối với tầng lớp sống trên đỉnh kim tự tháp bắt đầu bùng nổ. Nguyên nhân khiến người dân Ai Cập đổ ra đường phản đối Mubarak không phải là kinh tế mà chủ yếu là những bất công xã hội. Ông Mubarak đã thao túng hệ thống chính trị để kiếm lợi cho bản thân, gia đình và những người xung quanh ông. Mọi cải tổ được truyền thông nhà nước ca ngợi là “tăng cường dân chủ” trên thực tế chỉ là củng cố thêm quyền lực cho đảng cầm quyền. Với những người chống đối, Mubarak dùng vũ lực buộc họ phải quy phục và ngậm miệng.

Khác với lời hứa khi lên nắm quyền, ông dùng luật khẩn cấp như một cây gậy lớn. Những nhà tù trống rỗng vào năm 1981 chỉ ít lâu sau đã chật cứng tù nhân. Chính vì thế Mubarak đã để lại một Ai Cập rạn vỡ với nền chính trị tan nát, một xã hội chia rẽ với nạn tham nhũng cùng những đặc quyền đặc lợi và bạo lực. “Mubarak đã bán rẻ đất nước Ai Cập và khiến nó phải quỵ gối” - chuyên gia Cook khẳng định.

Tương lai u ám

Trong lúc ông Mubarak đang ở giữa sự sống và cái chết thì đất nước Ai Cập cũng đang thoi thóp. Theo MENA, cả ứng cử viên Mohammed Muris của Đảng Huynh đệ Hồi giáo và đối thủ Ahmed Shafiq, thủ tướng Ai Cập dưới thời Mubarak, đều tuyên bố chiến thắng trong vòng bầu cử tổng thống ngày 18-6. Người Ai Cập bị chia rẽ sâu sắc vì phải lựa chọn giữa một bên là tàn dư của chế độ Mubarak, một bên là đại diện của chế độ thần quyền. Báo chí địa phương cho biết nhiều cử tri đã đi bỏ phiếu với tâm trạng hoang mang, lo lắng.

Ai ngồi lên chiếc ghế nóng mà ông Mubarak để lại cũng đều sẽ phải đối mặt với những thử thách cực lớn: phục hồi nền kinh tế mong manh, đối phó với nguy cơ bất ổn xã hội và hàn gắn quốc gia. Tồi tệ hơn thế là lực lượng quân đội đang cố níu giữ quyền lực, cản trở mọi thành quả của cuộc cách mạng đã lật đổ Mubarak cũng như nền dân chủ mà người dân Ai Cập mong muốn.

Theo Al-Jazeera, hôm 17-6, trước khi người dân Ai Cập đi bỏ phiếu bầu tổng thống, Hội đồng tối cao của lực lượng vũ trang (SCAF) đã ra sắc lệnh khẳng định quyền lực tối thượng của quân đội. Theo đó, quân đội có quyền phủ quyết tuyên bố chiến tranh của tổng thống, kiểm soát toàn bộ ngân sách quốc gia, không chịu sự giám sát của tổng thống... Phản ứng lại, nhiều người Ai Cập đã gọi hành động của SCAF chẳng khác nào một “cuộc đảo chính”.

Báo chí phương Tây bình luận SCAF đã phản bội lại cuộc cách mạng của người dân Ai Cập. Bởi với mô hình này, quân đội nắm giữ mọi quyền lực trong khi tổng thống chỉ là bù nhìn. Cũng sẽ chẳng có một nền dân chủ nào ở Ai Cập. Mọi thành quả của “Mùa xuân Ả Rập” đều đổ sông đổ biển. Trang tin Global Post đặt câu hỏi phải chăng quân đội đã thay thế ông Mubarak để trở thành pharaoh mới ở Ai Cập.

Giới quan sát Trung Đông và phương Tây nhận định sau sự thức tỉnh chính trị năm 2011, chắc chắn người dân Ai Cập sẽ không chấp nhận một thế lực toàn trị mới. Và nhiều khả năng máu sẽ lại tiếp tục đổ xuống trên quảng trường Tahrir ở Cairo.

HIẾU TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên