![]() |
Các bạn trẻ tham dự phỏng vấn xin việc tại một sàn giao dịch việc làm của TP.HCM |
Không chỉ dựa vào bằng cấp
Hoàng hiện là nhân viên bộ phận chăm sóc khách hàng của một công ty quảng cáo Mỹ. Không ai có thể ngờ một chàng trai mới ngoài 20 tuổi lại đang sở hữu một vị trí “ngon ăn” như vậy, chỉ với tấm bằng cao đẳng trung bình khá. Cũng thật khó lý giải tại sao Hoàng lại “lọt” qua được vòng tuyển chọn hồ sơ, và cuối cùng là tầm ngắm của vị sếp Tây vốn khó tính. Những người như Hoàng thật ra đã không còn là “chuyện hiếm” trong các văn phòng công ty hiện nay.
Điển hình là Hoài, nhân viên truyền thông của một công ty Nhật Bản, cũng xuất thân từ một trường đại học dân lập và tấm bằng đại học cũng chưa đạt đến loại khá. Hay như Mai, sinh viên khoa ngoại ngữ của một đại học “tầm tầm”, giờ đang phụ trách giao tế và tiếp thị cho một khách sạn năm sao...
Trong khi đó, bạn bè của Hoàng, Hoài, hay Mai, có người từng nổi trội trên giảng đường đại học hiện vẫn èo uột trong các công ty tư nhân, chưa biết tương lai thăng tiến ra sao. Tại sao những bạn trẻ như Hoàng, Hoài, Mai lại qua được cánh cửa của những tập đoàn danh tiếng khi bằng cấp không thỏa mãn những điều kiện mà công ty đưa ra? Có chìa khóa nào giúp họ mở được cánh cửa đó chăng?
Không đi đường thẳng, mình đi đường vòng
Với Hoàng, ý thức được kết quả học tập không thật sự xuất sắc của mình, cậu ra sức bù lại bằng khả năng ngoại ngữ. Các cuộc thi hùng biện, thi viết bài chuyên đề bằng tiếng Anh, Hoàng đều tham gia một cách tích cực và đạt những giải thưởng nhất định.
Ngày cầm hồ sơ đi xin việc, Hoàng giới thiệu lợi thế của mình là hoạt động xã hội, giao tiếp. Bằng chứng là những giấy khen, hình ảnh từ những cuộc thi được bài trí trên một cuốn sổ đẹp mắt. Khả năng ăn nói lưu loát, tự tin và đơn xin việc “có phong cách” đã giúp anh đánh bại hàng loạt đối thủ có bằng tốt nghiệp đỏ để lọt vào phòng giao tế nhân sự của một công ty nhỏ.
Xác định lấy kinh nghiệm là chủ yếu, Hoàng không ngần ngại bất cứ việc gì sếp giao và luôn cố gắng hoàn thành một cách tốt nhất. Một thời gian sau, Hoàng có trong tay một thư giới thiệu rất chất lượng của sếp, cộng với nhiều mối quan hệ, kinh nghiệm trong nghề... Chìa khóa này đã giúp Hoàng “nhảy” sang một công ty tầm cỡ hơn. Hiện anh đang là đối tượng săn lùng của rất nhiều công ty với mức lương hấp dẫn. Đúc kết từ kinh nghiệm của mình,
Hoàng nói: “Mỗi người có một tố chất riêng, nếu không ý thức được ưu thế lẫn nhược điểm của mình sẽ rất khó thành công. Với tấm bằng như tôi, không dễ dàng để gây ấn tượng khi nộp đơn vào những công ty mình mong muốn. Vì vậy tốt nhất nên chọn đường vòng”. Còn với Hoài, khởi nghiệp bằng vị trí nhân viên tiếp thị của một công ty nhỏ phân phối mỹ phẩm. Lương thấp, thời gian gò bó, công việc không chuyên nghiệp, cô phải làm rất nhiều lĩnh vực, từ phụ trách truyền thông tới phân phối hàng, lên kế hoạch quảng cáo... Nhưng nhờ thế, sau một thời gian, cô đã có cái để thể hiện trong đơn xin việc. Ngay khi có cơ hội, cô chuyển sang làm lĩnh vực truyền thông cho công ty hiện tại với mức lương gần gấp ba lần công ty cũ.
Những câu chuyện này không để phủ nhận hoàn toàn bằng cấp, điểm số khi học đại học bởi đó sẽ là lợi thế ban đầu của bạn trước nhà tuyển dụng. Trong mọi trường hợp, hãy luôn bình tĩnh để biết cách vạch ra con đường đi phù hợp với khả năng của mình. Chọn “con đường vòng” và phấn đấu để đạt được mục đích của mình cũng là “lối đi ngay dưới chân mình”, để tiến dần tới thành công khi không sẵn có những yêu cầu của nhà tuyển dụng.
Áo Trắng số 15(số 101 bộ mới) ra ngày 15/08/2011 hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận