![]() |
Xỏ chân vào chiếc hài to tướng, ba lữ khách Vĩnh Thông, Phượng Vỹ và Thanh Nga (từ trái qua) bắt đầu bước vào hành trình đến với "Nét đẹp cố đô Huế" |
Đây cũng là một trong những chương trình được xếp vào hàng “sống dai” nhất của NVH Thanh niên.
Cố đô Huế - một địa danh chẳng mấy xa lạ với mọi người, vậy mà khi chương trình lần 14 bắt đầu (cuối tháng 6-2004) với chủ đề “Nét đẹp cố đô” thì “lữ khách” kéo đến đứng, ngồi chật ních cả khu vực hành lang.
Trên sân khấu đặt ba chiếc hài to tướng, màu đỏ chót, nổi bật thêm mấy chùm tua vàng viền chung quanh. Người tham dự cuộc chơi sẽ bỏ lọt đôi chân của mình vào hài. Và thay vì bấm chuông như các cuộc thi khác thì chỉ cần nhanh chân nhấn một cái, bóng đèn ở mũi giày sẽ bật sáng để giành quyền ưu tiên trả lời các câu hỏi.
Hành trình bắt đầu bằng phần thi Theo dòng thời gian, đưa các lữ khách trở về với triều đại nhà Nguyễn. Có ba lượt thi, mỗi lượt ba bạn cởi giày dép bước vào hài. Trên bảng điểm là những dấu chân lần lượt được gắn lên để tăng thêm phần thú vị. Kết thúc 28 câu hỏi, lữ khách nào ghi được bảy bước chân là giành được chiếc vé lọt vào vòng sau.
“Chuyến đi” mỗi lúc càng thêm thú vị bởi những câu hỏi cắc cớ khiến người chơi bí rị, rồi cười òa khi nghe đáp án. Vậy là biết thêm một điều mới mẻ; chẳng hạn như câu thơ Thịt dê xắt nhỏ cũng in rau. Chả rối, heo ria, luộc bún tàu. Bánh tráng mè rang xương nấu nước. Tương đường mỡ tỏi ruốc năm màu chính là món gỏi dê độc đáo xa xưa của triều đình nhà Nguyễn. Hay phấn trang điểm của các bà hoàng được gọi là gì? Loài hoa nào được khắc trên Cao đỉnh dành cho vua Gia Long? Thú vị nhất đối với người tham dự là một phút giải lao giữa đường được mời nhấm nháp thưởng thức món kẹo mè xửng đặc sản xứ Huế.
Hai tiếng đồng hồ trôi qua, hết trả lời câu hỏi kiểu đúng sai, nghe một đoạn nhạc, đến thử sức bằng cách nhận diện hình ảnh… Chuyến đi đã tìm được người về đích trước nhất, đó là lữ khách Hoàng Văn Hào - kiến trúc sư - với giải thưởng trị giá 150.000 đồng. Hào nói: “Dù là dân Huế chính gốc nhưng vào cuộc chơi mới thấy còn biết bao điều chưa biết”.
Trong hàng ghế khán giả, cô gái nhỏ nhắn Vũ Như Bình - 22 tuổi, đến từ huyện miền núi Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An - say sưa ghi chép lại những thể thức, nội dung thi. Là cán bộ Đoàn được tỉnh cử vào học nghiệp vụ tại Trường Đoàn Lý Tự Trọng, Bình tiết lộ: “Các buổi chủ nhật được nghỉ học mình đều đón xe buýt từ Thủ Đức đến NVH Thanh niên tham dự kiêm “học lóm” các chương trình để ít bữa đem về ứng dụng cho đoàn viên thanh niên xứ mình”.
Những chuyến đi trong cuộc chơi cũng là thủ thách dành cho những người thiết kế chương trình. Chỉ riêng bộ câu hỏi cho chuyến đi Huế thôi mà hai bạn Phương Nam và Kim Duyên - phụ trách nội dung - phải tìm đọc đến cả chục nguồn tài liệu, nào là các trang web về du lịch đến sách hỏi đáp về triều Nguyễn và Huế xưa, Từ điển nhân vật lịch sử VN, món ngon miền Trung,... Kim Duyên hiện là hướng dẫn viên của Công ty Du lịch thanh niên, Phương Nam là giáo viên dạy sử kiêm tổng phụ trách Đội và bốn bạn còn lại là dân du khảo.
Thử nghiệm từ tháng 7-2000, đến năm 2003 chương trình chính thức mỗi tháng “đi” một lần. Hai năm với 14 chuyến đi tại chỗ. Từ nguồn kinh phí có hạn của NVH dành cho chương trình, các bạn phải tự cân đong đo đếm sao cho mỗi chuyến đi đều thật hấp dẫn và giá thật “bèo” như tự gói quà thưởng khán giả, tìm nơi đặt đặc sản tận gốc, thậm chí có chương trình các bạn còn tự tay làm một số món ăn.
Riêng với các lữ khách thì thích nhất vẫn là những chuyến đi thật do chương trình tự thiết kế. Mới đây nhất là chuyến đi về miệt sông nước Cái Bè, Tiền Giang đã để lại ấn tượng đầu hè vui quá xá. Giờ thì chương trình đang chuẩn bị đưa các lữ khách đến với vùng đất Biên Hòa, Đồng Nai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận