02/02/2005 07:07 GMT+7

Dì Chín

THÁI XUÂN HÒA
THÁI XUÂN HÒA

TT - Chiến tranh ngày càng ác liệt. Tôi trở về Sài Gòn công tác sau khóa học tại căn cứ Thành đoàn. Một lần nữa nhà dì Chín bán bún ở khu Bình Minh, cuối làng dệt Bảy Hiền (Tân Bình, TP.HCM) lại là địa chỉ an toàn đối với tôi, nhất là những ngày tháng 4-1975.

Bài tham dự cuộc thi viết ngắn" Sài Gòn-TP.HCM: Kỷ niệm không quên"

PMPoYUZQ.jpgPhóng to

Tại đây chúng tôi chuẩn bị cờ, in truyền đơn phân phối cho các cơ sở...

Trong những đêm như vậy, dì Chín cứ thức canh chừng để báo hiệu cho chúng tôi khi có động. Thỉnh thoảng dì dùng quạt đuổi muỗi, đưa miếng nước hoặc cái bánh... cho đứa này, đứa kia ăn.Những ngày gần kề 30-4-1975 là những ngày cuồn cuộn như những con sóng. Ngày nào dì cũng thắp nhang khấn nguyện trên bàn thờ. Hôm nào chúng tôi về muộn dì lại thấp thỏm lo âu, chờ cửa.Dì và những người trong gia đình dì như chị Chín - người con dâu duy nhất của dì, mỗi người cứ đi mỗi chợ khác nhau và mua một màu vải với số lượng tối đa 2-3m. Nhiều lần như vậy, thậm chí có khi chỉ vài tấc vải màu xanh lục, vàng, đỏ lén mang về cho chúng tôi may cờ.Dì vẫn gánh bún ra chợ và khắp các con hẻm làng dệt Bảy Hiền. Hằng ngày chúng tôi vẫn được những bữa cơm, cá, nước lá chè tươi của dì. Dì hết sức bình thản, vẫn là một bà già quần áo vải ta lam lũ, đầu cột một tấm vải nâu, miệng ngậm điếu thuốc lá sâu kèn, nhai trầu, đi chân đất.Qua vận động “nhân dân tự vệ” chúng tôi thu được một khẩu cạc bin, đem về cất giấu để chờ sử dụng, dì dặn dò: “Kẻn thẹn nghe con, kẻn thẹn nghe!”. Dì chép miệng, lắc đầu. Tôi không thể nào diễn tả hết thái độ đồng tình, sự chấp nhận, ủng hộ một cách bình thản của một con người giữa một thành phố đang bị giặc chiếm đóng như thế! Ngày 29-4-1975, chúng tôi tập trung một số cơ sở cốt cán, sáng sớm 30-4-1975 chúng tôi xuất phát, số khác đã được lệnh đến điểm hành động theo hướng chỉ đạo của Thành đoàn. Dì đứng nhìn theo dặn dò từng đứa: “Kẻn thẹn nghe con, nhớ về với dì nghe con...”.Chiến tranh rồi cũng qua đi. Chúng tôi về thăm dì, vẫn giọng miền Trung: “Chu choa, bây đi mất biệt”. Dì rị cánh tay chúng tôi, rồi kéo cái khăn vải trên đầu xuống chậm nước mắt: “Choa mẹ ơi, dì lo quá, chẻng biết tụi bây ra sao, thôi vô đây dì dọn cơm en!”. Một bữa cơm ngon ơi là ngon, cá ngừ kho với thơm, ớt cay, cá ngừ nấu canh cà, hành ăn với bún. Lại giọng thân yêu miền Trung của dì: “En đi con, en đi”.Rồi chúng tôi lao vào các chiến dịch... Dì vẫn gánh bún ra chợ Bà Hoa và các con hẻm làng dệt Bảy Hiền. Thời gian qua đi, dì không còn gánh được gánh bún đi bán nữa. Dì ngồi đó nhai trầu, hút thuốc lá sâu kèn, đầu vẫn khăn vải nâu, da nhăn nheo đi nhiều. Thương con gái - chị Mười - dì thức thay phiên với chị để lắc nôi dỗ cháu. Đời dì hình như không bao giờ có giấc ngủ yên. Dì cứ thức canh cho con, cho cháu, cho cả những đứa học sinh hoạt động bí mật như chúng tôi.Tháng 7-2003 dì ngã bệnh, tất cả con cháu tập trung lại lo cho dì nhưng trong lòng ai cũng sợ dì không qua nổi. Tôi vào thăm và nói cho dì vui: “Dì ráng chữa bệnh, khỏe rồi dì muốn gì con cháu cũng lo!”. Giọng dì nhè nhẹ, từ từ: “Dì ưng về Quảng Ngãi một chuyến...!”. Ánh mắt dì xa xôi buồn buồn. Trước khi về tôi nói: “Con đang tìm lại mấy đứa hồi ở nhà dì để về Thành đoàn xin xác nhận cho dì”. Tôi nghe dì nói nhỏ: “Thôi con, làm chi cho cực anh em bây! Không cần đâu mà”. Ngày được tin dì đã ra đi, không gian chung quanh lặng đi, tôi ngồi một mình với hai dòng nước mắt.Tôi về Thành đoàn được chị Phi Vân giúp đỡ nhiệt tình để có được một giấy chứng nhận “Bà Nguyễn Thị Tình - sinh năm 1916 tại Quảng Ngãi - là người có công với cách mạng...” và một vòng hoa với dòng chữ Câu lạc bộ Truyền thống Thành đoàn.Trong không khí tĩnh lặng lúc vĩnh biệt dì, tôi như nghe trong hư vô: “Thôi con! Làm chi cho cực anh em bây!”.Tháng 11-2004

THÁI XUÂN HÒA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên