03/11/2005 17:20 GMT+7

Đeo vòng giám sát để được tại ngoại

Theo Pháp Luật TPHCM
Theo Pháp Luật TPHCM

Ngày 26-10-2005, Thượng viện Pháp đã thông qua Dự luật về những trường hợp tái phạm hình sự. Theo dự luật, sau khi thụ án một thời gian, thay vì ngồi tù, phạm nhân được mang vòng đeo điện tử để tại ngoại. Điều kiện để được áp dụng: Bị kết án tù từ 10 năm trở lên; tự nguyện chấp nhận đeo vòng và chỉ được hưởng chế độ đeo vòng trong thời gian tối đa bốn năm.

Tiết lộ thông tin cản trở điều tra: hai năm tù giam và 30.000 euro (576 triệu đồng VN)

Thí dụ: Một phạm nhân bị kết án 20 năm tù về tội hiếp dâm. Sau khi thụ hình 17 năm, thay vì được giảm án, người này sẽ được trả tự do nhưng phải mang vòng đeo điện tử trong ba năm ở bên ngoài. Quy định mới này không áp dụng đối với trẻ vị thành niên phạm tội.

Hai loại vòng: Tại chỗ và cơ động

Cuối năm 2000, Pháp bắt đầu áp dụng biện pháp đeo vòng điện tử với người bị kết án tối đa một năm tù. Với mức án nhẹ như vậy, Pháp quan niệm nên để cho phạm nhân ở nhà nhưng buộc phải mang vòng đeo điện tử để tránh tình trạng nhà tù quá tải và giúp phạm nhân dễ tái hòa nhập với cộng đồng.

Người mang vòng phải đeo ở cổ tay hay cổ chân. Vòng đeo phát tín hiệu đến máy thu sóng gắn vào đường dây điện thoại tại nhà. Máy thu sóng sẽ truyền tín hiệu đến trung tâm kiểm soát của nhà tù. Nếu trong thời gian thẩm phán phụ trách thi hành án ấn định phải ở nhà, người mang vòng ra khỏi nhà hoặc có ý đồ muốn phá vòng, trung tâm sẽ nhận được tín hiệu báo động. Tuy nhiên, trung tâm không thể xác định người mang vòng đi đâu.

Loại vòng đeo kể trên được gọi là vòng điện tử tại chỗ. Còn vòng đeo được áp dụng theo Dự luật về xử lý những trường hợp tái phạm hình sự vừa đươc Thượng viên Pháp thông qua là vòng đeo điện tử cơ động có sử dụng kỹ thuật định vị toàn cầu qua vệ tinh. Ngoài thời gian do thẩm phán ấn định phải ở nhà, người mang vòng có thể tự do đi ra ngoài và trung tâm vẫn biết chính xác người đó đang ở đâu.

Tù chung thân phải thụ án 22 năm

Khi thảo luận Dự luật về xử lý những trường hợp tái phạm hình sự, Thượng viên Pháp đã quyết định vẫn giữ quy định không đưa trẻ vị thành niên vào trung tâm giáo dưỡng nội trú sau hai năm tạm giữ và phạm nhân bị bệnh nặng vẫn được miễn thi hành án. Thượng viện cũng thông qua nhiều điều luật sửa đổi như sau:

- Thời gian thụ hình tối thiểu trong trường hợp bị kết án tù chung thân là 22 năm;

- Người đã từng bị một nước trong Liên minh châu Âu kết án nếu tiếp tục phạm tội cũ sẽ được xem là trường hợp tái phạm;

- Tăng mức án tù từ 15 lên 20 năm đối với thủ phạm hãm hiếp hàng loạt;

- Người phạm tội về tình dục nếu không chịu chữa trị sẽ không được xét giảm án;

- Quản lý chặt chẽ người gây cháy rừng bằng biện pháp phải chăm sóc rừng hoặc cấm vào rừng.

Trước đây, luật quy định phạt 5 năm tù giam và tối đa 75.000 euro (1,44 tỷ đồng VN) đối với người tiết lộ thông tin dự thẩm làm cản trở quá trình điều tra. Nay Thượng viện sửa đổi hình phạt là 2 năm tù giam và 30.000 euro (576 triệu đồng VN) và nói rõ thêm: chỉ phạm tội nếu người tiết lộ thông tin có nhận thức và nhằm mục đích cản trở điều tra. Trong trường hợp lục soát văn phòng luật sư hay nhà riêng, dự luật mới thông qua cũng yêu cầu phải được thẩm phán đồng ý bằng văn bản và khi lục soát phải có mặt chủ tịch đoàn luật sư hay người đại diện chủ tịch đoàn.

Biện pháp kiểm soát phạm nhân bằng vòng đeo điện tử ra đời ở Mỹ, sau đó đã được nhiều nước áp dụng. Tại châu Âu, Anh là nước đầu tiên áp dụng vào năm 1989, kế đến là Thụy Điển, Hà Lan, Bỉ và Pháp.

Đối với vòng đeo điện tử cơ động, Anh đã áp dụng thử nghiệm vào tháng 9-2005 nhưng phải đến trước cuối năm nay mới công bố kết quả thử nghiệm. Khác với Pháp, Anh chỉ bắt buộc mang vòng tối đa hai năm đối với người lớn và ba tháng đối với trẻ vị thành niên. Bang Florida (Mỹ) đã sử dụng vòng đeo điện tử cơ động từ năm 1909 nhưng không áp dụng đối với những nạn nhân nguy hiểm như ở Pháp. Tây Ban Nha dù chỉ mới áp dụng thử nghiệm cho 10 phạm nhân nhưng Bộ Tư pháp đang xem xét lại hiệu quả của biện pháp này.

Hiện nay tại Pháp, nhân viên nhà tù phụ trách kiểm tra vòng đeo điện tử. Đến cuối năm 2005, tư nhân sẽ được giao quản lý kho vòng đeo, sửa chữa và xử lý tín hiệu báo động do trục trặc kỹ thuật. Nếu bình quân chi phí giam giữ một phạm nhân mỗi ngày tốn 60 euro (gần 1,2 triệu đồng VN) thì kiểm soát bằng vòng đeo điện tử chỉ tốn 11 euro (trên 200.000 đồng VN)

Theo Pháp Luật TPHCM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên