31/03/2013 19:14 GMT+7

Dẻo thơm đôi bánh sừng trâu

NGUYỄN CƯỜNG (Quảng Nam)
NGUYỄN CƯỜNG (Quảng Nam)

AT - Nếu người Kinh ở đồng bằng xem con trâu là “đầu cơ nghiệp” thì người Cơtu ở dọc dãy Trường Sơn (Quảng Nam) xem con trâu là “sứ giả”, mang bao ước vọng của con người và bản làng gửi đến thần linh và còn là chiếc cầu thiêng liêng để nối kết giữa đất với trời.

HGUSiu2T.jpgPhóng to
Bánh sừng trâu trên mâm cỗ

Chính vì thế mà ngay cả trong những chiếc bánh dùng để tế lễ, tiệc tùng hay trong ăn uống thường ngày cũng được người Cơtu gói ghém, mô phỏng theo hình cái sừng trâu. Bánh sừng trâu của người Cơtu còn được gọi bằng nhiều tên khác như a cuốt, bánh đốt... nhưng cái tên tục “bánh sừng trâu” vẫn nghe gần gũi hơn.

Công đoạn làm bánh sừng trâu của người Cơtu cũng không khác mấy so với người Kinh làm bánh chưng, bánh ú. Amế (mẹ) ở nhà xay, giã, giần, sàng những hạt nếp vàng proong (giống nếp có từ lâu đời được trồng phổ biến ở ruộng bậc thang xã Gari, Axan, Tây Giang, Quảng Nam) cho thật trắng. Các Ati (em gái) tranh thủ vào rừng chọn những chiếc lá đốt (Axơơh a tơơng) lành lặn, rộng bản, không quá non hay quá già để hái rồi gùi về làng. Lá đốt được lau sạch, sau đó bàn tay khéo léo của các cô gái Cơtu xoay lá đốt thành hình phễu, một tay kẹp giữ hai mép lá, tay kia vốc một nắm nếp proong bỏ vào trong phễu lá, nén chặt vừa phải, gấp mép theo hình cái sừng trâu rồi dùng dây cột lại. Hai cái bánh đơn cột thành từng cặp. Sau đó tất cả đem ngâm vào nước khoảng hai tiếng mới vớt ra bỏ vào nồi đổ ngập nước mà nấu. Amế Alăng Thi Blêu truyền kinh nghiệm: “Nấu bánh sừng trâu không được để lửa tắt nửa chừng, cũng không chụm già lửa quá mà chỉ để củi lửa ui ui cho đến khi bánh sừng trâu vừa chín”. Nấu khoảng hai tiếng rưỡi đồng hồ bánh sẽ chín.

Người Cơtu không ngâm nếp vào nước trước, sau đó vớt ra để ráo rồi mới bắt đầu gói bánh như bánh chưng, bánh tét của người Kinh. Họ gói bánh rồi mới đem ngâm vào nước, sau đó đem hong (nấu cách thủy) hoặc đổ ngập nước mà nấu. Bánh sừng trâu của người Cơtu thường không có nhân, vì thế mà có thể để bánh hàng tuần hay nửa tháng đem ăn vẫn dẻo thơm mà không bị thiu, ôi, hư hỏng.

Khi mùa thu hoạch lúa rẫy đã xong xuôi, lúa đã vào ché vào thùng cũng là lúc người Cơtu chuẩn bị đón tết. Khoảng đầu tháng chạp rải rác các bản làng Cơtu bắt đầu tổ chức lễ hội. Và trong bất kỳ lễ hội hay tiệc tùng nào của người Cơtu cũng có những cặp bánh sừng trâu nép mình làm duyên trong mâm cỗ. Bánh sừng trâu là chiếc bánh tâm linh và cũng là món quà đặc trưng, dân dã của người Cơtu dành để biếu tặng nhau.

jALJeFz6.jpg

Áo Trắng số 5 ra ngày 15/03/2013 hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

NGUYỄN CƯỜNG (Quảng Nam)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Bánh sừng trâu