![]() |
Đeo khẩu trang vải khó ngăn bụi độc - Ảnh: N.C.T. |
Nghe đọc nội dung toàn bài: |
Sau khi đi khám sức khỏe, chị N.T.N.H., ngụ tại quận Thủ Đức, TP.HCM, hoảng hốt vì phim xuất hiện một vết nám phổi to. Bác sĩ khám ghi “cảm nghĩ tổn thương do bệnh phổi”, đề nghị chụp lại phim và đến khám tại BV Phạm Ngọc Thạch. Quá lo lắng, ngày 8-10, chị đến BV Phạm Ngọc Thạch để khám. Tại đây, chị N.T.N.H. được chẩn đoán mắc bệnh phổi. BS xác định nguyên nhân là do chị hít quá nhiều bụi đường, bụi nghề nghiệp, khí bụi giao thông.
Cảm thấy… an tâm
Mặc dù phim hiện hình ảnh rất rõ ràng, chị N.T.N.H. vẫn không thể tin được mình bị phổi vì hít phải bụi. Chị thắc mắc: “Ra đường tôi luôn luôn đội nón, che một khẩu trang nhỏ, một khẩu trang lớn.Thậm chí cả sáng sớm và cả đêm khuya tôi cũng không từ bỏ thói quen của mình”. Cẩn thận hơn, những khi hơi ngửi thấy mùi hôi, chị cũng dùng khẩu trang để tránh.
Khí độc, bụi đều tăng PGS.TS Nguyễn Đinh Tuấn cho biết ô nhiễm khí, bụi trên toàn TP.HCM đang tiếp tục tăng, thường vượt tiêu chuẩn cho phép. Theo đó, nồng độ bụi PM10 từ năm 2003 đến nay dao động trong khoảng 67,2 - 81,7 microgam/m3, vượt tiêu chuẩn VN hơn hai lần. Khí NO2 trung bình trong sáu tháng đầu năm nay vượt tiêu chuẩn cho phép 1,12 lần; và từ năm ngoái đến nay chì đang tăng mạnh, có thời điểm lên đến 1,2 microgam/m3. Một số khí độc như benzen, toluen, xylen cũng không ngừng tăng theo với bụi nhỏ. Benzen, một độc chất có thể gây ung thư, ở các trạm đo đạc đều cao hơn từ 1,1-2 lần so với năm 2005, vượt tiêu chuẩn của USEPA từ 4-8 lần. |
Chị N.T.N.H. thắc mắc về việc trước đó sáu tháng cũng chụp phim tim phổi thẳng, phổi chị hoàn toàn bình thường mà nay có vết nám, PGS-TS Nguyễn Đinh Tuấn nghi ngờ nguyên nhân có thể do chị “quá tin cậy ở khẩu trang và độ che chắn của nó nên lơ là cảnh giác với các khu vực ô nhiễm cao”.
Có thể là… nguồn bệnh
TS Vũ Văn Tiễu, nguyên giám đốc Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga chi nhánh phía Nam, cho biết khẩu trang vải vẫn chiếm đa số trong các loại khẩu trang được dùng hiện nay. Trên lý thuyết, chúng có thể che bụi đường, che nắng nhưng chúng cũng có thể là tác nhân gây thêm bệnh cho người dùng. Với khí hậu nóng ẩm của VN, khẩu trang sau khi dùng rất dễ bị ẩm, mốc, là nơi dễ tích tụ nhiều loại bụi, khí, chất độc hại. Vì thế, để tránh lây nhiễm các nguồn bệnh nên thường xuyên giặt khẩu trang, tránh trường hợp đeo xong cho vào túi xách, túi quần ủ một thời gian rồi lại dùng tiếp…
Theo TS Phạm Tiến Dũng, giám đốc Phân viện Bảo hộ lao động TP.HCM, bụi và các loại khí được cảnh báo là sẽ tấn công phổi, xâm nhập vào máu gây ra các vấn đề về mắt và hệ hô hấp. Chì, benzen và nhiều loại khí có khả năng gây ung thư, vô sinh... Vì thế, TS Phạm Tiến Dũng cho rằng với mức độ ô nhiễm như hiện nay, người đi đường nên sử dụng khẩu trang than hoạt tính hoặc các loại khẩu trang đặc hiệu diệt khuẩn. Các loại khẩu trang này sử dụng vật liệu than hoạt tính, các hạt TiO2 cỡ nanomet (phần tỉ mét) sẽ phát ra các chất ôxy hóa cực mạnh để phân hủy các hợp chất hữu cơ, khí thải độc hại, rêu mốc, vi khuẩn… thành những chất vô hại (như hơi nước).
TS Phạm Tiến Dũng cũng lưu ý khi dùng các loại khẩu trang diệt khuẩn này phải để ý đến cách sử dụng, không ỷ vào khẩu trang mà xem thường bụi bặm và các loại khí độc. Để đạt hiệu quả tốt nhất, người dùng nên tìm mua những sản phẩm có kiểm định của cơ quan y tế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận