Kể từ khi bị bắt, tạm giam (1-7-2000) và bị tòa án tuyên phạt với mức án tử hình về 2 tội "giết người" và "đánh bạc"; Denchai đã bị tạm giam gần 9 năm. Ngày 2-6-2009, luật sư Lê Hồng Nguyên đã có công văn gửi Viện KSND TP.Hồ Chí Minh, yêu cầu trả tự do cho bị cáo Denchai, vì việc giam giữ bị cáo đã không còn thời hạn, vi phạm nghiêm trọng Luật Tố tụng hình sự.
Từ vụ giết người man rợ
Vào lúc 11g30 ngày 30-6-2000, chị Nguyễn Thị Xuyến (nhân viên khách sạn Quyền Thanh, 212 Đề Thám, Q.1, TP.HCM) gọi điện thoại vào phòng nhưng không thấy trả lời, nên dùng chìa khóa riêng mở cửa phòng làm vệ sinh. Khi vào phòng, chị phát hiện có mùi thối nồng nặc nên gọi xuống báo cho tiếp tân. Chủ khách sạn cùng bảo vệ lên kiểm tra thì thấy có 4 túi xốp nylon màu đen giấu dưới gầm giường chảy nước ra màu nâu đen.
Cơ quan điều tra CA TPHCM lập tức có mặt tại hiện trường, xác định những bọc nylon này chảy ra dòng nước nâu đen rất hôi thối, trong 4 túi đó là những bộ phận của cơ thể một con người. Cơ quan điều tra xác định nạn nhân chính là anh Ngũ Lương (ngụ 28 An Dương Vương, P.9, Q.5, TP.HCM) - hành nghề kinh doanh vàng bạc ở 28 An Dương Vương, phường 9, Q.5.
Cơ quan điều tra cũng xác định, sau khi giết chết anh Ngũ Lương, hung thủ đã dùng dao tháo xác chết ra từng mảng, bỏ vào bọc để di chuyển xác nạn nhân nhằm phi tang. Đây là vụ giết người man rợ, gây xôn xao trong dư luận.
Sơ thẩm tử hình, phúc thẩm hủy án
Tại phiên toà sơ thẩm ngày 27-5-2003, Hội đồng xét xử (HĐXX) TAND TPHCM cho rằng, chính Denchai là người giết chết anh Ngũ Lương để "quỵt" số tiền thua cá độ 441 triệu đồng và tuyên phạt Denchai án tử hình về tội "giết người".
Theo nhận định của bản án sơ thẩm, Denchai là người chủ động, sắp xếp kế hoạch, dẫn Ngũ Lương đến khách sạn Quyền Thanh để rồi nạn nhân bị giết chết. Nguyên nhân là do không muốn chung độ ông Ngũ Lương, nên bị cáo đã dùng hung khí hoặc ngoại lực tác động vào đầu, cổ nạn nhân.
Do vậy, bị cáo phải chịu trách nhiệm về hành vi "giết người". Denchai và gia đình kêu oan. Ngày 14-5-2004, Toà phúc thẩm - TAND Tối cao tại TP.HCM xử phúc thẩm vụ án này. HĐXX phúc thẩm cho rằng trong quá trình điều tra, bị cáo Denchai khai có người thứ ba tên là Ót sang Việt Nam, nhưng cấp sơ thẩm chưa làm rõ được. Tại hiện trường thu được vân tay, mẫu tóc.
Kết quả giám định cho biết mẫu tóc thuộc nhóm máu O, cần phải xem xét, lấy mẫu tóc và vân tay của Ót để giám định và so sánh với mẫu vân tay và mẫu tóc thu giữ tại hiện trường. Về lời khai của Denchai tại cơ quan điều tra rằng có quen biết với Thắng Mã Tà; Cơ quan điều tra có cho nhận dạng nhưng Denchai không nhận được do lâu quá không nhớ.
Tuy nhiên, theo cấp phúc thẩm cần phải cho đối chất giữa Denchai và Thắng Mã Tà. Đặc biệt, trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra thu giữ balô của Denchai nghi có dấu máu nhưng lại không niêm phong theo quy định mà chỉ có ghi vào biên bản khám xét...
Ông Ngô Đình Trấn (nguyên thẩm phán TAND Tối cao - người được phân công làm chủ tọa phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án) cho biết: Trong hồ sơ vụ án có nhiều chứng cứ mâu thuẫn.
Chứng cứ quan trọng nhất là có một bao nylon đựng bộ phận cơ thể của nạn nhân thu được tại hiện trường có dấu vân tay, nhưng các cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm không trưng cầu giám định dấu vân tay này để xác định rõ chứng cứ phạm tội, nên HĐXX Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã quyết định hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại, không làm oan người vô tội, không bỏ lọt người phạm tội.
Denchai còn đồng phạm (?)
Như nhận định của bản án phúc thẩm, một trong những chứng cứ mấu chốt của vụ án là phải xác định cho được dấu vân tay và mẫu tóc tại hiện trường là của ai. Kết quả giám định xác định, hai mẫu vật trên không phải của ông Ngũ Lương và Denchai. Điều này cũng đồng nghĩa với việc có người thứ ba xuất hiện tại hiện trường và chắc chắn có liên quan đến cái chết của ông Ngũ Lương. Nhưng người này là ai, đến thời điểm này, Cơ quan điều tra vẫn chưa thể xác định được.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận