10/06/2016 09:20 GMT+7

Đến sân bóng - xa chiếu nhậu

TRẦN MAI (tranmai@tuoitre.com.vn)
TRẦN MAI (tranmai@tuoitre.com.vn)

TTO - Nhiều sân bóng chuyền ở các huyện miền núi Quảng Ngãi do chi đoàn các xóm thành lập bỗng chốc trở thành nơi góp phần xóa bỏ tình trạng ăn nhậu triền miên của thanh niên miền núi.

Sân bóng chuyền đã thu hút được thanh niên miền núi, đẩy lùi tình trạng uống rượu sau mỗi ngày làm việc - Ảnh: TRẦN MAI
Sân bóng chuyền đã thu hút được thanh niên miền núi, đẩy lùi tình trạng uống rượu sau mỗi ngày làm việc - Ảnh: TRẦN MAI

Hết giờ làm, thay vì đi nhậu, các thanh niên người Ca Dong, Hrê, Cor lại tìm đến những sân bóng chuyền rèn luyện sức khỏe, thay đổi cả nhịp sống “truyền thống” trước đó.

Từ sân bóng đầu tiên

Sân chơi bóng chuyền đầu tiên đặt tại thôn các huyện miền núi Quảng Ngãi là của chàng bí thư chi đoàn thôn Nước Tang (xã Sơn Bua, huyện Sơn Tây) Đinh Văn Nhân. Là một người đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài, sau khi kết thúc hợp đồng lao động, Nhân trở về vùng rẻo cao Sơn Bua. Từng tiếp xúc với cuộc sống nơi xứ người, Nhân thấy sự khác biệt rõ rệt đó là sau giờ làm, thanh niên tại các nước thường tập thể dục thể thao, trong khi thanh niên tại thôn tụ tập uống rượu.

Thế là Nhân bàn với vợ lấy mảnh đất trước nhà mình thành lập sân bóng chuyền cho thanh niên trong thôn vui chơi. Anh Đinh Văn Trúc, bí thư Xã đoàn Sơn Bua, bảo rằng khi nghe anh Nhân nói ý tưởng anh thấy rất lạ, bởi lâu nay việc thanh niên sau giờ làm lại tổ chức ăn nhậu là điều mà khiến xã đoàn phải đau đầu, không tìm được phương hướng giải quyết, nên khi nghe phương án của anh Nhân xã đoàn rất mừng.

“Đó là một ý kiến hay mà anh Nhân đã thay xã đoàn tìm hướng mới, thay đổi nếp sống của thanh niên địa phương” - anh Trúc nói.

Gần hai năm, sân bóng chuyền của chàng bí thư Nhân đã trở thành điểm vui chơi vào mỗi buổi chiều của những chàng trai Ca Dong ở thôn Nước Tang. Anh Đinh Văn Vêu (21 tuổi) chơi bóng chuyền cùng bạn bè cho biết ban đầu cũng không ham lắm nhưng giờ quen rồi, chiều nào cũng ra chơi nên thấy rất vui. Anh em tập trung lại vừa nói chuyện vừa chơi bóng, không còn nhậu nhẹt nhiều như trước nữa.

“Ai đi làm về trước thì chơi trước, những ai về sau thì tiếp tục chơi, mỗi nhóm chơi chừng nửa tiếng thôi nhưng thấy người khỏe hẳn. Lúc chưa có sân bóng này, giờ này anh em tụ lại uống rượu rồi” - anh Vêu nói. Cũng như Vêu, Đinh Văn Rã (24 tuổi) và nhóm bạn của mình thường xuyên uống rượu vào mỗi buổi chiều.

Từ ngày thanh niên trong thôn tập trung chơi bóng, Rã cũng bỏ luôn thói quen uống rượu vào buổi chiều. Rã cho biết: “Chiều chiều đi làm về anh em rủ nhau chơi bóng chuyền vui mà đỡ tốn tiền, chứ ngày trước toàn uống rượu thôi”.

Nhìn thấy bạn bè cùng trang lứa chơi bóng chuyền, anh Nhân cho biết bản thân cũng không ngờ sân bóng lại hoạt động hiệu quả đến như vậy. “Hồi làm mình chỉ hi vọng có người chơi, ai ngờ giờ phải chia làm nhiều tốp chơi vì số lượng quá đông” - anh Nhân nói.

Chính vì sân bóng chuyền thu hút đông đảo thanh niên nên Xã đoàn Sơn Bua đã quyết định kêu gọi thanh niên các thôn khác góp tiền mua bóng, lưới. Xã đoàn xin đất để làm sân bóng.

Tính đến nay, sáu thôn trên toàn xã Sơn Bua đều có sân bóng chuyền. “Từ sân bóng chuyền đầu tiên của anh Nhân, xã đoàn đã nhân rộng mô hình ra các thôn khác. Một việc làm nhỏ nhưng đã giảm thiểu tình trạng nhậu nhẹt say xỉn, thanh niên cũng gắn kết hơn trước. Khi tham gia các phong trào Đoàn cũng hăng hái hơn” - anh Trúc nói.

Thay đổi nếp sống thanh niên địa phương

Sau sân bóng chuyền đầu tiên của chàng bí thư đoàn Nhân, giờ có rất nhiều sân bóng chuyền mới được thành lập ở năm huyện miền núi của tỉnh Quảng Ngãi. Gần như tất cả các thôn đều có sân bóng chuyền, từ đó giảm bớt tệ nạn “hết giờ lên rẫy là đến giờ nhậu” bao đời của thanh niên đồng bào dân tộc thiểu số.

Tại các huyện miền núi khác như Minh Long, Ba Tơ, Sơn Hà, Trà Bồng, Tây Trà... các sân bóng chuyền cũng dần được hình thành. Xã Trà Xinh (huyện Tây Trà) là nơi có phong trào chơi bóng chuyền vào mỗi buổi chiều nhiều nhất trong các xã miền núi. Hiện toàn xã có 15 đội bóng chuyền nam và 8 đội bóng chuyền nữ trải đều khắp các thôn.

Tại thôn Trà Ôi, nơi xa nhất của xã Trà Xinh, phong trào chơi bóng chuyền cũng trở nên sôi động, có cả sân chơi cho nữ. Chị Hồ Thị May (22 tuổi, thôn Trà Ôi) cho biết đã tham gia chơi được hơn một năm dù ban đầu cũng ngại vì đi rẫy cả ngày nên mệt lắm, với lại chị không biết đánh, chủ yếu đến xem và nhặt bóng hộ.

“Hôm đó thấy thích quá, vào chơi thử rồi chơi riết đến giờ luôn. Chiều nào mắc công việc không chơi được thấy “ngứa tay” lắm” - chị May nói.

Ông Nguyễn Thanh Hải, trưởng Phòng văn hóa thông tin huyện Tây Trà, cho biết phong trào làm sân bóng chuyền cho thanh niên vui chơi do các cán bộ Đoàn đứng ra làm đã thay đổi được nếp sống của địa phương.

“Phong trào chơi bóng chuyền phát triển mạnh nên huyện cũng đã tổ chức nhiều giải thi đấu bóng chuyền giữa các thôn, xã. Chúng tôi phải đánh vòng loại ở nhiều thôn sau đó mới tổ chức vòng chung kết giữa các xã với nhau bởi quá đông đội đăng ký tham gia” - ông Hải nói.

Chị Hà Thị Anh Thư, bí thư Tỉnh đoàn Quảng Ngãi, cho biết những sân bóng chuyền do đoàn viên thanh niên ở các huyện miền núi của tỉnh Quảng Ngãi nghĩ ra đã góp phần thay đổi nhiều mặt trong đời sống thanh niên ở các huyện miền núi.

“Đó là một phong trào rất tốt, qua thời gian dài đi vào hoạt động, tất cả các chi đoàn đều có chuyển biến tích cực. Mô hình này trở thành một điển hình góp phần thay đổi suy nghĩ của thanh niên miền núi” - chị Thư nói.

TRẦN MAI (tranmai@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên