Tại buổi giao lưu, công chúng sẽ được trực tiếp xem các tiết mục hầu đồng do các nhóm chầu văn trên địa bàn Hà Nội trình diễn. Cũng nhân dịp này, các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian sẽ chia sẻ, mang tới cho công chúng những kiến thức cơ bản về loại hình nghệ thuật truyền thống này.
Chương trình giao lưu “Chầu văn-âm nhạc tín ngưỡng trong cuộc sống đương đại” được tổ chức nhằm tôn vinh và giới thiệu tới công chúng những giá trị của loại hình nghệ thuật này. Hiện nay, ở nhiều địa phương, trình diễn hầu đồng và hát văn đã bị biến tướng theo hướng mê tín dị đoan, làm mất đi giá trị văn hóa, nghệ thuật của loại hình này và gây rối loạn ý nghĩa của nó trong đời sống xã hội. Chầu văn (còn gọi là hát văn hay hát bóng) là một loại hình nghệ thuật ca hát cổ truyền, có xuất xứ ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, tập trung chủ yếu tại tỉnh Nam Định và một số vùng quanh Hà Nội.
Xuất phát từ hình thức diễn xướng dân gian trong các lễ hội, chầu văn ra đời gắn liền với nghi thức hầu đồng của tín ngưỡng Tứ phủ (Đạo Mẫu) và tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần (Đức Thánh Vương Trần Hưng Đạo) - một tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Bằng cách sử dụng âm nhạc mang tính tâm linh với các lời văn trau chuốt, nghiêm trang, chầu văn được coi là hình thức ca hát mang ý nghĩa chầu thánh. Hát chầu văn bao gồm bốn hình thức biểu diễn: Hát thờ, hát thi, hát hầu và hát văn nơi cửa đền.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận