10/08/2016 10:59 GMT+7

Để vốn FDI đóng góp nhiều hơn

NHƯ BÌNH
NHƯ BÌNH

TTO - Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của VN đang khởi sắc. Những cụm từ có cánh “công xưởng của thế giới”, “trung tâm sản xuất mới”... cho thấy VN không chỉ là điểm đến mà còn trở thành nơi đầu tư hấp dẫn.

*** Error ***
Công nhân đang sản xuất tại khu tổ hợp công nghệ cao Samsung Electronics VN (SEV) - Khu công nghiệp Yên Phong (Bắc Ninh) - Ảnh: T.V.N.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), trong bảy tháng đầu năm 2016 thu hút FDI đã đạt 12,94 tỉ USD, tăng 46,9% so với cùng kỳ năm trước, vốn giải ngân khoảng 8,55 tỉ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước.

Đằng sau những con số này còn là kỳ vọng về những giá trị và cơ hội mà dòng vốn FDI mang lại cho VN trong việc nâng cao tay nghề lao động, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật cao... nhưng đến nay đây vẫn là điều băn khoăn lớn nhất.

Trên blog của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) mới đây, bà Hyun H.Son, chuyên gia của ADB, đã chia sẻ những thách thức mà VN phải đối mặt trên con đường công nghiệp, hiện đại hóa của mình.

Bài viết cho rằng VN đang ở giao lộ quan trọng trên tiến trình hướng tới một quốc gia có nền công nghiệp phát triển và chỉ có nâng cao kỹ năng lao động, tận dụng công nghệ cao, gia tăng giá trị sản phẩm công nghiệp thì VN mới nắm bắt được thời khắc quan trọng này.

Sau hai thập kỷ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, VN đang tận dụng đà này để tiến lên nước công nghiệp vào năm 2020 bằng cách cải thiện khả năng cạnh tranh, năng suất lao động và hiệu quả của nền kinh tế.

Tuy nhiên, nhiều dấu hiệu cho thấy tốc độ tăng trưởng đang chậm lại, bắt đầu bộc lộ những hạn chế về kỹ năng lao động và đổi mới công nghệ sản xuất.

Nói cách khác, VN - một quốc gia tiêu biểu cho câu chuyện tăng trưởng thần kỳ trong thập niên 1990 và 2000 - đang bị trượt vào bẫy năng suất thấp, giá trị gia tăng thấp.

Các ngành công nghiệp mũi nhọn của VN, đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế đến nay chủ yếu vẫn dựa vào thâm dụng lao động, sử dụng công nghệ thấp, giá trị gia tăng hầu như rất thấp.

Rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn xem VN như một điểm sản xuất hàng xuất khẩu giá rẻ, chứ không phải nơi tập trung cho hàng có hàm lượng tri thức công nghệ cao và giá trị gia tăng lớn.

Tuy là quốc gia xuất khẩu hàng công nghệ cao ước tính chiếm 0,7% thị phần thế giới, nhưng hàm lượng giá trị gia tăng trong sản phẩm công nghệ cao và trung bình của VN chỉ 20% so với 80% của Singapore.

Khi VN đẩy mạnh thu hút vốn FDI, các ngành công nghiệp sản xuất sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong quá trình tăng trưởng.

Nhưng nếu VN muốn đạt được thu nhập trung bình qua công nghiệp hóa, sản xuất hàng hóa xuất khẩu của VN phải tiến thêm một bước nữa, trình độ phức tạp hơn, giá trị gia tăng các sản phẩm xuất khẩu phải cao hơn.

Và để thoát khỏi năng suất thấp và bẫy giá trị gia tăng thấp, VN phải khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ và đa dạng hóa sản phẩm để trở thành trung tâm sản xuất hàng hóa có giá trị gia tăng cao, kỹ năng lao động phát triển của thế giới.

Nhân lực là nhân tố quyết định nhất đối với sự phát triển của mỗi quốc gia. Trình độ phát triển của nguồn nhân lực là một thước đo chủ yếu sự phát triển của các quốc gia.

Chất lượng lao động của VN chưa tương xứng với tốc độ tăng trưởng của luồng vốn FDI sẽ khiến nỗ lực kêu gọi vốn FDI thành vô nghĩa.

Chuyên gia ADB cho rằng để giải quyết bài toán tay nghề lao động, Chính phủ phải “xắn tay” cùng các tổ chức cung cấp các khoản tài trợ vốn kịp thời cho doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ và hỗ trợ các doanh nghiệp giải quyết những trở ngại về năng lực cạnh tranh xuất khẩu như chất lượng sản phẩm, xây dựng tiêu chuẩn chất lượng, vấn đề công nghệ lạc hậu, môi trường lao động...

NHƯ BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên