Phóng to |
Cảng Cái Lân |
Theo Neptune Orient Lines (NOL), Việt Nam sẽ phải nỗ lực hơn nữa trong việc cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng nội địa nhằm đáp ứng nhu cầu của ngành khi phát triển đến các vùng nông thôn. Những yếu kém về cơ sở hạ tầng có thể gây cản trở cho tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam tăng 8,2% trong năm 2006 và dự kiến sẽ tăng mạnh hơn nữa trong năm nay. Tuy nhiên, đa số các cảng hiện nay đều là cảng nước nông nên các tàu container lớn không thể cập cảng để lấy hàng vận chuyến đi Hong Kong, Đài Loan và Singapore để tiếp tục chuyển sang tàu lớn hơn, đi xa hơn.
Hầu hết các hãng vận tải biển lớn đều bắt đầu quan tâm đến Việt Nam sau sự kiện gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào ngày 1-1-2007. Đây là tín hiệu cho thấy hoạt động thương mại của Việt Nam sẽ có bước tăng trưởng mạnh giống như những gì Trung Quốc đã chứng kiến sau khi trở thành thành viên chính thức của WTO vào năm 2001.
Chủ tịch NOL khu vực châu Á-Trung Đông, ông Jim McAdam, trả lời phóng viên Financial Times rằng thách thức lớn nhất hiện nay đối với Việt Nam là các bên có liên quan đạt được sự nhất trí về các hướng đầu tư hiệu quả nhất. “Vấn đề không phải là không có nhu cầu hay những người lập kế hoạch mà là chiến lược đầu tư”, ông nói.
Việc đầu tư phát triển hệ thống cảng nước sâu sẽ giúp Việt Nam chủ động hơn trong hoạt động kinh doanh vận tải, giảm chi phí. Hiện nay, theo báo cáo của NOL, chi phí vận chuyển một container 40ft từ TP.HCM đến Yokohama (Nhật Bản) là 1.070 USD, còn vận chuyển từ Hà Nội mất 1.480 USD. Trong khi đó hành trình từ Singapore sang Yokohama chỉ mất 940 USD.
Ông McAdam cho rằng Việt Nam hoàn toàn có khả năng xây dựng thêm một số cảng nước sâu để hỗ trợ cho phát triển kinh tế. Ngoài ra, với vị trí địa lý thuận lợi năm giữa khu vực Đông Nam Á và Trung Quốc, việc tăng cường đầu tư cho lĩnh vực này có thể sẽ giúp Việt Nam trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa của khu vực.
Hồi đầu tháng 2, tập đoàn khai thác cảng lớn nhất thế giới Hutchison Port Holdings của Hong Kong đã ký thỏa thuận xây dựng một khu cảng container tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Các tập đoàn lớn thứ 2,3 và 4 thế giới là APM Terminals (thuộc tập đoàn Maersk của Đan Mạch), PSA của Singapore và DP World của Dubai đều đang thi công các dự án xây dựng cảng biển mới ở Việt Nam.
Tuy nhiên, từ nay đến năm 2010, hệ thống cảng biển ở TP.HCM sẽ khó đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hàng hóa khi Việt Nam bước vào giai đoạn phát triển mới đầu tiên sau khi gia nhập WTO.
Trong một vài năm tới, cơ sở hạ tầng vận chuyển nội địa, vốn yếu kém, sẽ trở thành một vấn đề nan giải. Hiện nay, hầu hết các cơ sở sản xuất đều phải đặt ở gần Hà Nội và TP.HCM, nơi dễ tiếp cận với các dịch vụ cảng biển và hàng không.
“Trong khi cơ sở hạ tầng vận tải ở các khu vực đô thị khá phát triển thì ở vùng nông thôn, nhiều đường còn chưa được đổ nhựa”, ông McAdam nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận