Khi vừa đến VN, tôi rất ấn tượng với đủ loại mặt hàng, quà bánh bắt mắt được bày bán rong hay gánh gồng trên đường, làm tô thêm màu cho TP. Tôi thường hay mua chè và bánh cuốn trong một con hẻm gần trường học tiếng Việt, tiện thể trò chuyện với người bán rong để học thêm tiếng lóng và những từ ngữ bình dân.
Tuy rất thích mua hàng rong nhưng tôi không tránh khỏi nhiều lần bị đau bụng. Một lần, tôi mua xôi trên đường và người bán đã lấy tiền rồi lại dùng bàn tay đó trực tiếp... bốc miếng xôi cho tôi. Lần khác, tôi để ý thấy người bán ngoáy lỗ tai hay gãi đầu trước khi vớ lấy ổ bánh mì bán cho tôi. Thật buồn khi nhiều người bán hàng rong chưa ý thức về vệ sinh thực phẩm.
Trong hai năm đầu ở VN, tôi đã vào bệnh viện bốn lần vì ngộ độc thực phẩm mua trên đường. Sau đó, tôi phải cưỡng lại nhiều món nhìn rất ngon và đẹp mắt trên những gánh hàng rong.
Nhiều người bán hàng rong còn đeo bám, chèo kéo và làm người nước ngoài mới đến VN rất khó chịu. Một số còn hay nói thách du khách để được lời cao. Một cô bạn người Mỹ đến thăm tôi và lang thang khám phá TP.HCM một mình. Khi về nhà, cô ấy khoe với tôi rằng cô đã bị hấp dẫn bởi gánh trái cây bán rong bên đường nhưng cố gắng mặc cả theo lời tôi dặn và mua được hai trái măng cụt với giá... 50.000 đồng!
Khi nghe tôi giải thích và biết mình bị lừa, cô ấy rất buồn và chẳng còn can đảm để mua hàng từ người bán dạo nữa. Đây là lý do khiến nhiều du khách không muốn mua sắm, tiêu tiền ở VN vì phải mặc cả và dễ gặp những người buôn bán lừa lọc.
Một ngày nọ khi đang nhâm nhi cà phê sáng bên lề đường, tôi thấy một nhóm đàn ông mặc đồng phục nhảy từ xe máy xuống. Chủ tiệm cà phê lúc ấy vơ lấy những gì có thể rồi chạy biến đi mất. Những người bán hàng rong trên con đường đó cũng nhốn nháo chạy trốn. Đó là lần đầu tiên tôi chứng kiến một cảnh tượng hỗn loạn như thế trên lề đường.
Rồi cảnh tượng đó cứ lặp đi lặp lại ở những con đường khác nhau trong suốt những năm tôi sống ở VN. Tôi tự hỏi liệu người của Nhà nước tịch thu phương tiện hành nghề và phạt tiền như vậy có đảm bảo những người mua bán trên lề đường không tái phạm? Và những người nghèo chỉ biết trông cậy vào gánh hàng rong biết làm gì để sống đây?
Một TP cũng ở Đông Nam Á là Kuala Lumpur (Malaysia) đã có cách quản lý lâu dài hơn đối với những người bán hàng rong trên đường. Đó là quy định những người bán hàng rong phải tham gia khóa huấn luyện kỹ năng về vệ sinh, dinh dưỡng thực phẩm, thậm chí kỹ năng kinh doanh và kế toán.
Khi hoàn thành khóa học, họ sẽ được cấp giấy chứng nhận cũng như được nâng cấp các phương tiện bán hàng, nhận hỗ trợ về điện nước, thu gom rác thải từ chính quyền và các tổ chức phi chính phủ. Mục đích của việc này là làm cho TP lành mạnh và sạch đẹp.
Ở Singapore có một bộ phận riêng quản lý những người bán hàng rong. Ngoài ra, họ còn có một số khu vực dành riêng như chợ hay trung tâm buôn bán thực phẩm để những người bán rong có thể hoạt động với điều kiện phải trả tiền thuế và cam kết thực hiện những nội quy đề ra.
Tiếp xúc với nhiều người bán hàng rong và nghe những câu chuyện của họ, tôi phần nào thông cảm cho những người lao động nghèo lang thang đường phố kiếm ít lời và ít được hỗ trợ. Họ chưa nghĩ đến lợi ích của khách hàng và cung cách phục vụ, bởi họ còn bận lo toan từng bữa cơm hằng ngày trong cuộc sống còn nhiều bấp bênh.
Tôi mong ở VN sẽ nhanh chóng có những hướng giải quyết mới để những người bán hàng rong hoạt động quy củ hơn và không còn phải chật vật mưu sinh từng ngày nữa. Hình ảnh những người bán hàng rong với những mặt hàng đa dạng sẽ trở nên tích cực hơn và để lại ấn tượng đẹp trong lòng du khách đến thăm TP.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận