![]() |
Chiếu xẩm trong lễ giỗ tổ nghề hát xẩm lần 2 do Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc VN tổ chức - Ảnh: Hoàng Điệp |
Sáng 18-3, tại khuôn viên đình và đền Hào Nam (quận Đống Đa, Hà Nội) đã diễn ra lễ giỗ tổ nghề hát xẩm lần 2 do Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc VN tổ chức. Phát biểu trong lễ giỗ, GS Phạm Minh Khang cho biết không chỉ phục dựng nghề hát xẩm, trung tâm đã và đang tìm cách phục dựng nhiều hoạt động nghệ thuật âm nhạc dân tộc khác: trống quân, chầu văn, ca trù, các điệu múa dân gian và một số loại hình tín ngưỡng dân gian. Đó là một con đường nhiều chông gai và gian nan, nhưng các nghệ sĩ vẫn quyết tâm gìn giữ như lời cha ông đã dạy: “Cảo thơm còn một chút này/Phải cầm cho vững chớ vầy cho tan...”.
Trụ sở... ở nhờ
Nhạc sĩ Đoàn Bổng: “Điều tôi thấy rất đáng ghi nhận ở Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc VN đó là các anh đã phục dựng được loại hình hát xẩm trước nguy cơ thất truyền, trung tâm không chỉ tìm nghệ nhân hát xẩm ở khắp nơi, mà còn sưu tầm các bài hát cổ rồi luyện tập và đưa ra cho công chúng. Cũng có vài lần tôi đến chợ Đồng Xuân xem các anh chị trong trung tâm biểu diễn ca trù, hát xẩm, hát văn...; tôi thấy một sự trật tự ghê gớm trong cả ngàn khán giả vây vòng trong vòng ngoài để xem. Điều đó chứng tỏ rằng dân chúng đã bắt gặp được tâm hồn của mình. Đó chính là tâm hồn của người Việt”. |
GS Khang nhớ lại: “Chật vật lắm mới xin được giấy phép thành lập, nhưng thành lập xong thì chẳng có địa điểm nên cứ đi ở nhờ mãi trong gara ôtô một cơ quan. Đến năm 2007 chả ai cho ở nhờ nữa nên đi thuê địa điểm. Một thầy một trò lóc cóc xe đạp đi tìm nơi ở với giá thuê 2 triệu đồng/tháng, nhưng cũng chỉ trụ nổi tám tháng bởi tiền thuê nhà quá đắt so với túi tiền của hai thầy trò...”.
Tháng 8-2008, sau những giờ lên lớp ở nhạc viện, GS Khang lại lọc cọc chiếc xe đạp đi tìm nơi mới. Nản lòng, thầy trò đã nghĩ đến việc phải đóng cửa trung tâm tạm thời để tìm nguồn kinh phí và địa điểm. Đúng lúc ấy, đi qua đình Hào Nam, thấy đất rộng lại mát mẻ, yên tĩnh, GS định vào hỏi ông từ trông đền cho gửi nhờ một số loại nhạc cụ. Câu chuyện trước sau, chưa hết một tuần trà thì ông từ nhân hậu bảo: ”Các anh cứ đưa nhạc cụ về đây, chúng tôi sẽ cho mượn một gian phòng làm nơi sinh hoạt”. “Như chết đuối vớ được cọc”, vậy là nỗi lo canh cánh trong lòng về khoản tiền thuê nhà, địa điểm làm nơi học tập cho những người yêu thích âm nhạc dân tộc đã được giải quyết.
Cuộc kiếm tìm gần 100 nghệ nhân
Không chỉ nghĩ đến việc tìm tòi học hỏi những thể loại nhạc dân tộc đang ẩn đâu đó trong mỗi làng quê vào dịp lễ hội, đối với những người sáng lập ra trung tâm để việc học tập, duy trì và truyền dạy ra sao mới là vấn đề quan trọng.
Chính vì mong muốn này, trung tâm đã mời một số nghệ sĩ như NSND Xuân Hoạch (nhạc công đàn bầu của Nhà hát Ca múa nhạc trung ương) - người có giọng hát rất tốt và vốn rất yêu mến hát xẩm - về làm giáo viên giảng dạy đàn bầu cho những người muốn học đàn, NSƯT Thanh Ngoan - người có catsê các đêm diễn không hề thấp nhưng vẫn đến với trung tâm chỉ để được ca trù và hát xẩm, hát chầu văn vì “chỉ ở đây chị mới được hát những bài hát chị thích”, NSƯT Văn Ty - người hát văn số 1 hiện nay, dù rất bận bịu với công việc nay đây mai đó, nhưng chưa khi nào lịch sinh hoạt của trung tâm thiếu anh, cũng như chưa khi nào các học trò (học hát văn miễn phí) lại phải chờ đợi anh nơi bóng cây đa sân đình Hào Nam...
Hiện nay trung tâm đã tìm được gần 100 nghệ nhân trên các miền đất nước: ca trù, xẩm, chầu văn, trống quân... với những tên tuổi: nghệ nhân Minh Sen, Tô Quốc Phương (Thanh Hóa), Nguyễn Văn Phấn, Triệu Thị Dung, Trần Thị Đảm (Phú Thọ), Nguyễn Văn Bổn (Hưng Yên), Lê Bá Cao (Hà Nội)...
Những lớp học miễn phí
Trong khuôn viên của đình Hào Nam, dù buổi sáng, trưa, chiều hay tối đều nghe hoặc là tiếng thánh thót của đàn tranh, tiếng nỉ non của đàn bầu, tiếng réo rắt từ đàn nhị hoặc những tiếng tom, chát của trống chầu... Và bên trong, phía sau đền, nơi cây đa cổ thụ tỏa bóng mát là nơi Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc VN dạy miễn phí về nhạc cụ cổ, dạy hát cho những người yêu ca trù, xẩm, chầu văn...
Lớp hát xẩm của NSND Xuân Hoạch được coi là đông nhất, có thời điểm lên tới cả trăm người, họ là những phụ nữ đã gần 80 tuổi đi học hát với lý do: “Tôi không cần sự nổi tiếng hay đi biểu diễn để kiếm tiền, mà học để dạy cho các cháu tôi”. Một học viên hơn 70 tuổi bảo: “Ngày nhỏ tôi mê nghe hát, thường trốn bố mẹ nhảy tàu đi xem. Bao nhiêu năm không được nghe tiếng hát xẩm, giờ tôi muốn được học, và hơn hết đến để được nghe các thầy hát, nhớ về quá khứ xa xôi của mình...”.
Bên bờ hồ, bên cạnh những chiếc ghế đá là lớp học sáo của thầy Trương Xuân Tự (sinh viên năm cuối khoa âm nhạc dân tộc Nhạc viện Hà Nội, giải 3 cuộc thi Độc tấu - hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc lần 3). Thầy Tự người dân tộc Tày (Lạng Sơn) cùng với bốn học viên khác đều là những sinh viên của các trường đại học Bách Khoa, Xây dựng hay Kiến trúc... Hỏi thầy Tự có nhận được tiền thù lao từ những buổi dạy học này không, thầy Tự bảo không, những buổi biểu diễn ở quán cà phê hay khách sạn mới chính là nguồn thu nhập để thầy Tự có thể lấy ngắn nuôi dài và theo đuổi niềm đam mê của mình.
Hỏi GS Khang về nguồn thu nhập của trung tâm, ông bảo mọi người làm công việc này đều vì cái tâm với âm nhạc dân tộc. Tuy nhiên, trung tâm đã ký được hợp đồng với Công ty cổ phần Đồng Xuân để các nghệ sĩ biểu diễn mỗi tối thứ bảy tại góc chợ. Và nhờ vào những đóng góp của bà con tiểu thương khu chợ này mà các nghệ sĩ biểu diễn được trả một phần thù lao, dù chẳng đáng là bao.
GS Khang chia sẻ: “Tôi làm nghề nhiều năm, gặp nhiều người, nghệ nhân ở các vùng miền đều đáng quý. Nhưng ta mới chỉ tìm cách để thừa hưởng chất xám của các nghệ nhân thôi. Ai nghe âm nhạc dân tộc, nghe ca trù, hát xẩm cũng bảo hay nhưng chỉ nói vậy. Chẳng ai muốn đầu tư, nuôi dưỡng cây văn hóa ấy”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận