16/02/2005 15:50 GMT+7

Đề cử di sản thế giới: Thành, bại, và những tiếc nuối

Theo TTXVN
Theo TTXVN

Việt Nam đã thành công trong việc đề cử được những di sản văn hóa thế giới nhưng cũng gặp phải không ít thất bại và tiếc nuối.

mrBm6s7l.jpgPhóng to
Các cơ quan hữu quan vẫn chưa quyết được giải pháp giữ gìn một "góc" của di tích Thăng Long
Việt Nam đã thành công trong việc đề cử được những di sản văn hóa thế giới nhưng cũng gặp phải không ít thất bại và tiếc nuối.

Năm 1991, VN đề cử liền 1 lúc 4 di sản Cố đô Hoa Lư, Vườn quốc gia Cúc Phương, Vịnh Hạ Long, và chùa Hương nhưng do ít kinh nghiệm nên hồ sơ làm rất sơ sài. Khi đề cử lên, các chuyên gia UNESCO đã vào tận nơi để "thẩm định" và trả lại hồ sơ của chùa Hương cùng Vịnh Hạ Long, kèm theo lời phê rằng chưa đạt yêu cầu, cần phải bổ sung, hoàn chỉnh.

3 năm sau, năm 1994, Vịnh Hạ Long đã hoàn chỉnh hồ sơ và được công nhận là di sản thế giới. Còn hồ sơ chùa Hương, suốt 3 năm đó, vẫn án binh bất động.

Từ năm 1994 trở đi, khi chùa Hương được xét đến, thì bắt đầu có những biểu hiện lộn xộn trong lễ hội ở đây. Sự lộn xộn tiếp tục tăng lên, đến năm 1997 thì tính chất thương mại hóa đã phá hỏng những ấn tượng tốt đẹp của du khách quốc tế về nó. Rồi nạn dùng mìn phá đá để mở thêm hang động, nạn buôn thần bán thánh với 42 chùa giả, động giả...

Những "tai tiếng" đó đều không lọt qua được "tai mắt" của các chuyên gia UNESCO, và đó cũng chính là lý do khiến cho các cơ quan chức năng quyết định tạm gác lại việc đề cử di sản này.

Theo Sở Văn hóa Thông tin Hà Tây, quần thể di tích chùa Hương hiện đang được lập, bổ sung hồ sơ để trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Vườn quốc gia Cúc Phương bị trượt trong đợt xét năm 1991 vì lúc đó ở đây chưa giải quyết được thỏa đáng vấn đề bảo tồn. Ngay giữa trung tâm vườn, người ta chăng lưới nuôi động vật hoang dã như sở thú, không đảm bảo yêu cầu đối với một vườn quốc gia là "cây gì, con gì phải ở nguyên đấy".

Cố đô Hoa Lư cũng trượt vì một lỗi tương tự. Những dấu tích vật chất của cố đô Hoa Lư không đủ sức thuyết phục về tính toàn vẹn và tính nguyên gốc của di tích, hơn nữa, theo ý kiến của một số chuyên gia, cũng không nên tiếp tục đề cử cố đô Hoa Lư.

Theo PGS-TS Trương Quốc Bình, Uỷ viên Hội đồng Di sản Quốc gia, để giành được danh hiệu di sản văn hóa thế giới thì các di tích phải đảm bảo được 2 yếu tố là có giá trị nổi bật toàn cầu và có các biện pháp quản lý hữu hiệu.

Ông Bình cho biết, qua trao đổi với các chuyên gia về di sản của UNESCO, ông thấy vẫn còn rất nhiều di sản có thể "chiến thắng" một cách không mấy khó khăn. Ví dụ như phức hệ hang động có dấu tích nền văn hóa Hòa Bình-Bắc Sơn nổi tiếng, các di chỉ của nền Văn hóa Đông Sơn rực rỡ, một số di tích khảo cổ học, các vườn quốc gia; đặc biệt, không nên bỏ qua các di tích công nghiệp như Nhà máy Xi măng Hải Phòng-cụm công nghiệp đầu tiên của Pháp ở Đông Dương...

Hiện VN có 19 di sản đã và đang được đề cử di sản văn hóa thế giới, trong đó có 11 ứng cử di sản vật thể là Phố cổ Hà Nội, Hoàng thành Thăng Long, Vịnh Hạ Long (lần 3), Hoa Lư, Vườn quốc gia Cúc Phương, chùa Hương, Bãi đá cổ Sapa, Hồ Ba Bể, Cố đô Huế (lần 2), Vườn quốc gia và khu di tích Cát Tiên, Nhà tù Côn Đảo với nghĩa trang Hàng Dương. 8 ứng cử di sản phi vật thể là Cồng chiêng Tây Nguyên, Sử thi Tây Nguyên, Múa rối nước, Quan họ Bắc Ninh, Ca trù, Múa Thái, Hát chèo Tàu và áo dài.

Tuy nhiên, theo ông Bình, cần phải xác định được thế mạnh và điểm yếu của từng di sản để có thể giành chiến thắng.

Để được công nhận di sản thế giới lần 2, hồ sơ đề cử của Huế trong thời gian tới cần phải khẳng định được vị trí "trục quy hoạch không gian" của con sông Hương đối với cố đô và thuyết minh được những giải pháp để hạn chế những tác động tiêu cực lên sông Hương, đồi Vọng Cảnh và núi Ngự.

Đối với bãi đá cổ Sapa, mặc dù đã được phát hiện từ năm 1927, nhưng cho đến nay, người ta vẫn chưa làm rõ được giá trị nổi bật của nó so với các bãi đá khác ở VN cũng như trong khu vực, và nhất là việc bảo tồn và phát huy bãi đá còn hết sức sơ sài, bãi đá hiện ra tẻ nhạt trước du khách.

Phố cổ Hà Nội trở thành di sản quốc gia từ đầu năm nay, nhưng vẫn còn một khoảng cách rất xa đến di sản thế giới, vì việc khoanh vùng di tích 100ha dường như không có giá trị trong công tác bảo tồn khi có quá nhiều kiến trúc hiện đại xen lẫn và phá vỡ, đồng thời giải pháp bảo tồn hầu như chưa có.

Hoàng thành Thăng Long- Thành cổ Hà Nội, được ca ngợi là "đẹp hơn cố đô Nara, Nhật Bản; có kiến trúc rộng 17m, dài 67m, dài hơn cả điện Thái Hòa trong Tử Cấm Thành, Trung Quốc (dài 63,96m)", cũng đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo lập hồ sơ đề cử di sản thế giới.

Nhưng cho tới thời điểm này các cơ quan hữu quan vẫn chưa quyết được giải pháp giữ gìn một "góc" của di tích, đó là 20.000m2 khai quật ở Ba Đình; chưa quy hoạch được Thành cổ, chưa đảm bảo được tiêu chí về tính toàn vẹn và tính nguyên gốc của di tích.

5 di sản văn hóa phi vật thể trong danh sách đề cử chính thức Cồng chiêng Tây Nguyên, Sử thi Tây Nguyên, Múa rối nước, Quan họ Bắc Ninh, ca trù đều có thuận lợi là tính độc đáo, song cả 5 di sản này đều rất khó xác định "không gian điển hình", tức là một khu vực nào đó mà từng di sản có sự tồn tại rõ nét nhất, đậm đặc nhất.

Tin bài liên quan: * "Đúng là có hội chứng "di sản thế giới"!

Theo TTXVN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên