![]() |
Chế biến cá tra xuất khẩu |
Song, sau những biến động giá cả đang đặt ra nhiều vấn đề để người nuôi và doanh nghiệp gặp nhau ở: giá và cung cầu.
Cá tra ban đầu chỉ hiện diện ở An Giang, Đồng Tháp và Cần Thơ. Qua nhiều thăng trầm, biến động của giá cả, nay cá tra, cá ba sa đã được người dân ở 10 tỉnh ĐBSCL nuôi. Sản lượng năm 2004 ước tính gần 300.000 tấn, xu hướng nuôi ao, hầm công nghiệp ngày càng được phát huy.
Tuy An Giang được xem là khởi nguồn của nghề nuôi cá tra, cá ba sa, nhưng theo ông Nguyễn Hoàng Việt, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cá tra giờ đây là sản phẩm độc quyền của cả ĐBSCL. Các tỉnh có diện tích nuôi cần liên kết để phát triển. Theo ông, công tác thống kê rất quan trọng.
An Giang đã chi trên 100 triệu đồng/năm cho công tác thống kê về thủy sản. Nhờ đó, nắm bắt rất nhanh diễn biến thị trường nguồn nguyên liệu và có biện pháp can thiệp kịp thời. Để đảm bảo sự phát triển toàn vùng cần công tác thống kê vùng. Tức là chúng ta phải có đầu mối liên kết dựa trên sự hợp tác tự nguyện giữa UBND và ngành nông nghiệp - thủy sản các tỉnh, thành để cung cấp và tiếp nhận thông tin về số liệu vùng và cùng giải quyết khó khăn.
Cả An Giang và Cần Thơ đều đã hình thành các CLB nuôi cá tra, cá ba sa gắn với các doanh nghiệp chế biến. Tuy nhiên, sự hợp tác của “hai nhà” này vẫn chưa chặt chẽ. Vấn đề cần thiết hiện nay là ràng buộc trách nhiệm giữa “hai nhà” doanh nghiệp và ngư dân. Hình thức chia sẻ lợi ích kinh tế đang được nhiều người quan tâm. Giá nguyên liệu lý tưởng 12.000 đồng/kg đảm bảo giá xuất 3 USD/kg là có lời. Nếu giá xuất, giá nguyên liệu vượt chênh lệch cao hơn thì cả “hai nhà” đều được hưởng từ lợi nhuận vượt trội đó. Từ nguồn này, từng địa phương hoặc cả vùng hình thành Quỹ rủi ro để trợ giá khi thị trường biến động theo chiều hướng giảm. Hội nghề nuôi có vai trò đắc lực trong việc quản lý đối với liên kết này với tư cách là trung gian...
Đồng quan điểm với đề xuất này, ông Bùi Hữu Trí - Chủ tịch Hội Nghề cá thành phố Cần Thơ (CAFA) - cho rằng: Khâu hợp đồng tiêu thụ nguyên liệu phải được ký kết ràng buộc trách nhiệm lẫn nhau và có giá bao tiêu cụ thể. Trong hợp đồng giữa công ty chế biến và ngư dân ghi rõ khi có vướng mắc, hai bên sẽ thương lượng biện pháp khắc phục. An Giang đề xuất giá cá nguyên liệu 12.000 đồng/kg đảm bảo giá xuất 3 USD/kg là rất hợp lý. Giá này cần được thống nhất toàn vùng, làm cơ sở để thực hiện các hợp đồng tiêu thụ giữa ngư dân và doanh nghiệp. Trong điều kiện quản lý nhà nước về nghề cá chưa đủ mạnh, Hội còn yếu và tình trạng dân nuôi tự phát như hiện nay, chúng ta cần có kế hoạch phát triển cụ thể, mang tầm vùng; phát triển gắn với năng lực chế biến và thị trường tiêu thụ.
Song, nhìn xa hơn trong chiến lược phát triển nghề nuôi cá tra, ba sa cần có đánh giá đúng về tác động của dòng thủy lưu ven sông Hậu và sông Tiền. Những diễn biến của mùa nước nổi và mùa nước kiệt đều ảnh hưởng đến sự phát triển của cá… Công tác đánh giá, khoanh vùng những nơi an toàn, bền vững để khuyến cáo người dân là rất cần thiết, nhất là trong bối cảnh phát triển ồ ạt, thiếu định hướng như hiện nay.
Và để hình ảnh cá tra, ba sa có chỗ đứng vững chắc hơn sau vụ kiện bán phá giá của Mỹ, trên thương trường quốc tế, ĐBSCL cần khuyếch trương thương hiệu cá tra, ba sa. Nói như ông Lương Lê Phương, Thứ trưởng Bộ Thủy sản: Trong điều kiện kinh tế hội nhập, chúng ta cần ứng dụng nhanh những tiêu chuẩn quốc tế trong sản xuất và chế biến. Đây là “giấy thông hành” để hội nhập, đưa sản phẩm của Việt Nam chen chân và đứng vững trên thị trường thế giới.
Bộ Thủy sản đánh giá rất cao những sáng kiến liên kết của các tỉnh ĐBSCL, đặc biệt là vai trò của An Giang trong việc đề xuất các biện pháp liên kết, thống kê vùng. Mô hình ứng dụng này cần được nhân rộng đối với các tỉnh có diện tích nuôi trồng thủy sản; không chỉ con cá tra và tất cả các loại thủy sản xuất khẩu khác cũng cần phải áp dụng các tiêu chuẩn này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận