Hội thảo đặt cơ sở từ nhìn nhận của TP.HCM về công tác lý luận phê bình trong thời gian qua, theo đề dẫn của hội thảo do PGS.TS Phan Xuân Biên trình bày, bên cạnh những thành tựu trong thời kỳ đổi mới, lý luận phê bình văn học nghệ thuật trên các phương tiện truyền thông đại chúng tại TP.HCM còn những yếu kém, là “trở ngại không nhỏ” đối với việc xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật.
Các đại biểu tham dự hội thảo đến từ các bộ phận, lĩnh vực, chuyên trang văn học nghệ thuật của các báo trên địa bàn TP đã cùng nhau góp ý thẳng thắn về thực trạng phê bình văn học nghệ thuật trên báo, đài bấy lâu nay.
Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân cho rằng rất nên đào tạo đội ngũ phê bình chuyên nghiệp. Thực trạng trong các hội chuyên ngành văn học nghệ thuật bấy lâu nay thiếu trầm trọng lực lượng phê bình, cho nên trên báo chí, những cây bút viết văn học nghệ thuật được xem như nhà phê bình là do chính bản thân họ rèn luyện, hoặc cơ quan báo chí ấy đầu tư cho họ, và những ai “vượt qua được lằn ranh giữa một bài giới thiệu như điểm sách, đưa tin có bình luận, để thành một tác phẩm lý luận phê bình là cả một sự khó khăn”.
Cũng theo ông Nhân, làm được như thế, nhà lý luận phê bình sẽ được giới lãnh đạo và công chúng xem như một “hàn thử biểu để đánh giá một tác phẩm nào đó”.
Mặc dù nhìn nhận riêng với tờ Tuổi Trẻ, ông Phạm Đức Hải - tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - được nhiều người chia sẻ ở ý kiến cho rằng trên báo hiện nay có bốn cái thiếu: thiếu sự xuất hiện của các nhà phê bình chuyên nghiệp; thiếu những nhà báo chuyên nghiệp làm công tác phê bình; thiếu những bài phân tích súc tích, không quá hàn lâm và định hướng dễ hiểu cho công chúng; thiếu sự phối hợp để nhận được sự đánh giá của các hội chuyên ngành văn học nghệ thuật khác nhau.
Đồng thời, ông Hải chia sẻ rằng chúng ta cần có một môi trường để các tác phẩm văn học nghệ thuật sinh sôi và phát triển, có như thế thì lý luận phê bình mới có chất liệu để hoạt động.
Tổng kết hội thảo, ban tổ chức cho rằng báo chí và văn học nghệ thuật có mối quan hệ hữu cơ, tác động qua lại giúp văn học nghệ thuật phát triển và làm giàu thêm cho đề tài báo chí, định hướng thị hiếu thẩm mỹ xã hội.
Các giải pháp cho mối quan hệ này tốt hơn là đào tạo, bố trí cán bộ; có chính sách thu hút các cây bút phê bình có nghề; tạo diễn đàn để trao đổi, cọ xát, đúc kết kinh nghiệm phê bình; phát huy vai trò của các hội chuyên ngành...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận