![]() |
Nhạc trưởng Valery Gergiev tại buổi biểu diễn ở sân khấu ngoài trời trước tòa nhà nghị viện ở Tskhinvali - Ảnh: AFP |
Khi ấy, dàn nhạc của Đài phát thanh Leningrad chỉ còn lại 15 người. Người ta lùng khắp thành phố mới thêm được một số nhạc công, đúng hơn là những người biết chơi đàn. Vậy mà dàn nhạc sức đã tàn vì đói, vì đạn bom như thế, đã chơi để đời bản nhạc bất hủ về chiến tranh, để lại dấu ấn đậm nét trong tiểu sử của nhà soạn nhạc Nga Shostakovich.
Không ai có thể tưởng tượng được rằng 66 năm sau, ngày 21-8-2008, bản giao hưởng ấy lại một lần nữa vang lên trong cảnh chiến sự vừa qua đi, tại một sân khấu ngoài trời trước tòa nhà nghị viện ở Tskhinvali cũng đang ngổn ngang đổ nát vì bom đạn.
Buổi hòa nhạc lần này do dàn nhạc của Nhà hát Mariinsky trình bày, dưới sự chỉ huy của nghệ sĩ - nhạc trưởng nổi tiếng Valery Gergiev, người sinh ra và lớn lên ở Bắc Ossetia. "Người Ossetia nổi tiếng nhất", theo cách gọi của báo chí Nga, từng là chỉ huy trưởng dàn nhạc giao hưởng London, hiện là chỉ đạo nghệ thuật dàn nhạc Nhà hát Mariinsky. Ông đã thay đổi lịch biểu diễn kín hết cả tháng của mình để có thể "ở bên đồng bào mình trong những thời khắc khổ đau này".
![]() |
Hàng trăm ngọn nến được khán thính giả thắp sáng tại buổi biểu diễn ở một sân khấu ngoài trời trước tòa nhà nghị viện ở Tskhinvali - Ảnh: Reuters |
Nghệ sĩ Valery Gergiev cùng tất cả nhạc công của mình vận đồ đen. Trên bậc cầu thang, hàng trăm ngọn nến được thắp lên. Ai cũng hiểu đây là buổi hòa nhạc tưởng nhớ những người đã nằm xuống trong trận chiến vừa qua và là một lời chia sẻ với những người còn sống. "Buổi biểu diễn này dành cho Người, Nam Ossetia" - đó là lời mào đầu của các nghệ sĩ.
Valery Gergiev đã nói rất ngắn gọn bằng tiếng Anh và tiếng Nga trước khi buổi biểu diễn bắt đầu: "Chúng tôi ở đây đêm nay để nói với thế giới sự thật về cuộc chiến này, để kêu lên với cả thế giới rằng Tskhinvali là một thành phố anh hùng. Thành phố gần như đã bị hủy hoại, nhưng những người trung thực của Trái đất sẽ ở bên các bạn, vì chúng tôi hi vọng được nhìn thấy mảnh đất này hồi sinh…".
Nghệ sĩ cho biết ông chọn bản giao hưởng số 7 Leningrad của Shostakovich là một trong những tác phẩm trình diễn đêm nay để nhắc nhớ với thế giới rằng những kinh hoàng, đau khổ từng xảy ra ở Leningrad không thể diễn ra nữa trên Trái đất này. Ngoài ra, các nhạc công còn trình diễn những tác phẩm cảm động nhất của nhà soạn nhạc Nga Tchaikovsky - bản giao hưởng số 5 và số 6.
Nhiều khán giả không cầm được nước mắt. Trong số họ người ta thấy có cả những em bé gương mặt vẫn còn mang dấu vết kinh hoàng của chiến tranh, dù chỉ là một cuộc chiến năm ngày.
Không chỉ có người dân Tskhinvali chăm chú theo dõi buổi hòa nhạc, còn hàng triệu khán giả qua kênh truyền hình trực tiếp nữa. Rất nhiều người trong số họ lần đầu tiên trong đời chứng kiến một buổi trình diễn được vỗ tay vang dậy và lâu như thế, trong nước mắt và trong một sự xúc động khó dùng lời tả lại. Màn ảnh truyền hình vô tình truyền đi sự tương phản: "Cái đẹp cứu rỗi thế giới" vang lên giữa những khu nhà cháy sém tan hoang, giữa thiên nhiên Kavkaz tươi đẹp, trên hồ Tskhinvali xanh ngắt, xanh như chưa từng qua chiến tranh...
Còn đối với người Tskhinvali? Một phụ nữ Ossetia nói với báo giới sau buổi hòa nhạc: "Các bạn sẽ không thể hiểu buổi hòa nhạc này có ý nghĩa thế nào đối với người dân thành phố bất hạnh của chúng tôi đâu. Trong đầu chúng tôi đến giờ vẫn còn tiếng gầm rú của đạn bom. Hãy để âm nhạc đẩy chúng lùi xa".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận