Phóng to |
Doanh nghiệp và nông dân cần liên kết hiệu quả để con cá tra vươn xa hơn ra thị trường quốc tế. Trong ảnh: chế biến cá tra tại một nhà máy của Công ty Nam Việt, TP Cần Thơ - Ảnh: Đức Vịnh |
Ông Trần Hữu Hiệp - phó chánh văn phòng Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, thành viên nhóm xây dựng chương trình liên kết vùng ĐBSCL - trăn trở câu chuyện nông dân ĐBSCL là tác giả của công trình đưa VN giữ vững vị trí cường quốc xuất khẩu gạo thứ hai thế giới, song đời sống của họ lại luôn bị đe dọa bởi điệp khúc “được mùa mất giá”, “được giá, hết hàng”.
Tự phát nên không hiệu quả
Từ việc trồng lúa đến cây ăn trái hay nuôi tôm, cá xuất khẩu ở ĐBSCL gần như đều tự phát. Theo ông Hiệp, việc bảo quản sau thu hoạch, đóng gói và phát triển thương hiệu gạo hay khâu xay xát, lưu trữ gạo trước khi đưa ra thị trường cũng cần cải thiện. Bên cạnh đó, đầu tư cho phát triển vừa thấp vừa chậm, cơ sở hạ tầng yếu kém lại thiếu đồng bộ nên không hiệu quả. Nuôi cá tra là một ví dụ điển hình.
Năm 2000, thấy nơi nơi đổ xô đóng bè nuôi cá tra, ông Nguyễn Hữu Nguyên (Khánh Hòa, Châu Phú, An Giang) rủ người bạn cùng hùn vốn đầu tư sáu bè nuôi, mỗi năm họ thu hoạch cả ngàn tấn cá tra. Thời hoàng kim nuôi cá bè, chỉ riêng An Giang có hơn 4.000 bè lớn nhỏ chuyên nuôi cá tra xuất khẩu. Thế rồi sau đó phong trào nuôi cá tra trong ao quầng phát triển mạnh.
Các doanh nghiệp cũng tập trung chuyển qua thu mua loại cá nuôi theo hình thức này, bởi nó đáp ứng số lượng lớn và có tỉ lệ chế biến cao. “Con cá tra nuôi bè trở nên khó tiêu thụ, giá bán lại thấp dẫn tới thua lỗ, các làng bè dần đi đến phá sản. Mỗi bè có chi phí đóng mới cả trăm lượng vàng lần lượt trở thành... phế liệu” - ông Nguyên nhớ lại.
Sau đợt khủng hoảng đầu ra vào năm 2008, ông Nguyên và bạn thua lỗ gần chục tỉ đồng, phải bán đất để trả nợ. Thua keo này bày keo khác, nhưng rồi họ tiếp tục lỗ thêm 6 tỉ đồng, đành bán đất cùng nhà xưởng để trang trải nợ nần.
Theo hiệp hội thủy sản các tỉnh ĐBSCL, cá tra chủ yếu cung ứng cho xuất khẩu nhưng người nuôi không gắn kết được với các doanh nghiệp chế biến trong khâu tiêu thụ. “Thực tế lâu nay hầu như mạnh ai nấy nuôi, mạnh ai nấy thu mua chế biến để xuất khẩu. Đó là nguyên nhân chính khiến hàng loạt hộ liên tục bị thua lỗ phải lần lượt bỏ nghề” - ông Lê Chí Bình, phó chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và chế biến thủy sản An Giang, nhận định.
Theo GS.TS Võ Tòng Xuân, ĐBSCL là vựa lúa xuất khẩu của cả nước, tuy nhiên hình thức sản xuất vẫn còn manh mún, tự phát. Khâu tiêu thụ lúa gạo lắm lúc gặp khó khăn, giá cả xuống thấp khiến nông dân thường thua lỗ. Mặt khác doanh nghiệp chưa chủ động được nguồn nguyên liệu tập trung nên sản phẩm gạo không đồng nhất, chất lượng chưa ổn định. Cũng như con cá tra, tuy là nước xuất khẩu hàng đầu thế giới nhưng mãi tới giờ VN vẫn chưa xây dựng được thương hiệu cho hai sản phẩm xuất khẩu chủ lực đầy lợi thế của mình. Nguyên nhân chính vẫn là thiếu liên kết trong tổ chức sản xuất.
Phóng to |
Cần một giải pháp để trái cây vùng ĐBSCL không còn rơi vào cảnh “được mùa mất giá” - Ảnh: Thái Ngọc |
Manh nha… liên kết
TS NGUYỄN VĂN SÁNH (Viện Nghiên cứu và phát triển ĐBSCL): “Xe duyên” bốn nhà Để ĐBSCL phát triển bền vững thì bên cạnh sự gắn kết giữa doanh nghiệp với nông dân còn cần hoàn thiện thêm mối liên kết bốn nhà. Trong đó, doanh nghiệp cần tập trung phát triển thị trường, định ra khả năng tiêu thụ; nông dân hợp tác sản xuất có định hướng theo hợp đồng; nhà khoa học nghiên cứu đưa ra giải pháp tăng sản lượng, chất lượng và giảm giá thành sản phẩm; Nhà nước cần đầu tư cơ sở hạ tầng, cung cấp thông tin, tiêu chuẩn hóa sản phẩm xuất khẩu, có cơ chế chính sách thúc đẩy sản xuất, hỗ trợ tín dụng và tổ chức thực hiện liên kết. Việc triển khai chính sách tam nông là một định hướng tốt để xây dựng mối liên kết bốn nhà, liên kết vùng giúp ĐBSCL phát triển toàn diện. Đồng thời triển khai việc liên kết là giải pháp toàn cục để thực hiện thành công chính sách tam nông. |
Ông Nguyễn Ngọc Hải, chủ nhiệm HTX Thới An, cho biết HTX có 36 hộ nuôi cá, mỗi năm giao cho công ty 10.000 tấn cá đạt tiêu chuẩn chế biến. “Cứ mỗi ký cá nguyên liệu người nuôi được hưởng 2.500 đồng, trừ tiền mua con giống, chi phí bơm nước, thuốc men phòng trị bệnh, nếu nuôi tốt thì có lãi trung bình 1.000 đồng/kg” - ông Hải nói.
Liên kết là giải pháp
Căn bệnh làm trì trệ phát triển kinh tế vùng ĐBSCL đã được xác định là mạnh ai nấy làm, đầu tư theo phong trào. Nhiều địa phương chạy theo “cơ cấu đẹp”, chứ chưa dựa trên lợi thế chung để hợp tác và khai thác lợi thế so sánh của từng tỉnh.
Điều này được thể hiện qua tình trạng tỉnh nào cũng có khu - cụm công nghiệp, chợ đầu mối, nhà máy đường hoặc đang có xu hướng chạy đua xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trung tâm giống...
Chính vì vậy, liên kết vùng được đặt ra với kỳ vọng khắc phục những khiếm khuyết trong quá khứ.
Theo ông Trần Hữu Hiệp, liên kết vùng ngoài việc khắc phục các nhược điểm khiến chưa phát huy hết tiềm năng và lợi thế, còn tính đến liên kết bốn nhà và sự đồng thuận của chính quyền 13 tỉnh thành trong vùng.
Về sản xuất lúa gạo, tập trung vào bốn nhóm giải pháp chính: ứng dụng khoa học - công nghệ trong chọn tạo giống, hỗ trợ kỹ thuật sản xuất lúa gạo, tổ chức và liên kết sản xuất, cuối cùng là giải pháp về thị trường. Về cây ăn quả sẽ xây dựng mạng lưới sản xuất và tiêu thụ thông qua giải pháp tham gia bốn nhà, liên kết các viện trường nghiên cứu và ứng dụng khoa học vào sản xuất, xây dựng mô hình sản xuất và tiêu thụ theo chuẩn GAP (thực hành nông nghiệp tốt), mô hình công nghệ sau thu hoạch...
Ông Hiệp nhấn mạnh để liên kết hiệu quả, ngoài sự đồng thuận và nhất quán từ trung ương đến địa phương, quan trọng nhất là quy hoạch sản xuất và tập trung nguồn nguyên liệu của những ngành hàng mũi nhọn, ưu tiên đầu tư cho cơ sở hạ tầng...
TS Lê Văn Bảnh (viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL): Cần có “nhạc trưởng” và “phân vai” Việc liên kết vùng là hết sức cần thiết, nhờ liên kết vùng Nhà nước mới có quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội cho cả vùng. Đối với nông nghiệp, tùy lợi thế của từng vùng sinh thái mà đưa ra chủ trương sản xuất cây gì, con gì cho hiệu quả nhất. Việc quy hoạch tránh cho các địa phương cạnh tranh nhau không đáng có. Đặc biệt là trong biến đổi khí hậu, nước biển dâng gây ngập mặn, khô hạn, bão lũ ngập úng... thì chỉ liên kết vùng mới giải quyết nổi. Sự liên kết này phải cần có người chỉ huy, “nhạc trưởng” tầm cỡ quốc gia. Tuy liên kết mang tính tự nguyện nhưng cũng phải có ràng buộc qua chính sách, pháp lý và có “nhạc trưởng”, như vậy mới thành công. Yếu tố quyết định cho liên kết vùng là sự đồng thuận của 13 tỉnh, thành ĐBSCL với sự chủ trì của Ban chỉ đạo Tây Nam bộ. Trong liên kết “bốn nhà”, mấu chốt nhất ở doanh nghiệp và người sản xuất. Doanh nghiệp đặt hàng ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm, bảo hiểm sản xuất với điều kiện sản phẩm đúng chất, đủ lượng, đúng hạn, đúng giá. Nhà sản xuất không thể sản xuất nông hộ nhỏ mà trang trại, tổ hợp tác... để tạo vùng nguyên liệu chuyên canh. Thiếu liên kết vùng thì khó giải quyết mối tương tác giữa công nghiệp và nông nghiệp trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, mà trong đó giai đoạn đầu cần đầu tư mạnh vào khu vực nông nghiệp. Thời gian qua do phát triển công nghiệp và kêu gọi đầu tư từng tỉnh kém hiệu quả vì không thấy hết mối quan hệ hỗ tương phát triển công nghiệp trong cùng một vùng hoặc giữa vùng ĐBSCL với vùng Đông Nam bộ. Từ đó sẽ khó phát triển công nghiệp và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động hợp lý cho từng địa phương và cho toàn vùng. Áp lực cho nông dân và khu vực sản xuất nông nghiệp ngày càng cao vì công nghiệp và dịch vụ kém phát triển. Mặt khác, khó gặp nhau giữa chính sách vĩ mô và vi mô để tìm ra cơ chế, tổ chức và chính sách liên quan đến tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn toàn vùng. Trong khi từng địa phương không thể thực hiện được. Thật ra chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn của nước ta đã định ra từ lâu, nhưng thể chế liên kết vùng và tham gia “bốn nhà” thực hiện chưa tốt. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận