13/07/2005 06:03 GMT+7

Dạy và học văn hiện nay: Đúng là nguy thật!

QUỐC THANH thực hiện
QUỐC THANH thực hiện

TT - Hầu như đến hẹn lại lên, sau những kỳ thi tốt nghiệp THCS, THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ, bạn đọc cả nước lại âm thầm chờ những bài báo về những “đặc sản” văn chương “đến thượng đế cũng phải cười” do các sĩ tử “mang nặng đẻ đau” trong phòng thi.

5ivpxSCy.jpgPhóng to
Giám thị kiểm tra phiếu dự thi của thí sinh trước khi làm bài môn văn tại hội đồng thi Trường ĐH Sư phạm TP.HCM - Ảnh: Như Hùng
TT - Hầu như đến hẹn lại lên, sau những kỳ thi tốt nghiệp THCS, THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ, bạn đọc cả nước lại âm thầm chờ những bài báo về những “đặc sản” văn chương “đến thượng đế cũng phải cười” do các sĩ tử “mang nặng đẻ đau” trong phòng thi.

Vâng, qua kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2005, chắc chắn cũng sẽ không thiếu những áng văn “dựng tóc gáy” ra đời. Chung quanh câu chuyện này, PGS.TS TRẦN HỮU TÁ - phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hội Nghiên cứu và giảng dạy văn học TP.HCM - chia sẻ:

- Trước tình trạng chắc không đến nỗi quá phổ biến nhưng có thật như thế thì không thể không buồn và xót xa.

* Thưa ông, văn chương thể hiện đời sống tinh thần, “một phần tất yếu của cuộc sống”, nhưng HS lại sợ học môn này. Cứ kéo dài mãi như thế thì nguy quá!

- Đúng là nguy thật! Điều đó đôi lúc khiến chúng ta phải giật mình lo sợ. Chúng ta không thể chấp nhận tình hình ấy kéo dài nhưng trước hết phải bình tĩnh đã. Chúng ta phải có trách nhiệm tìm mọi cách để cải thiện; buộc phải thay đổi tình hình chứ không thể để nó tồn tại như thế được. Trách nhiệm của từng giáo viên cũng như của ngành giáo dục làm sao để HS, thế hệ trẻ hôm nay thật sự yêu môn văn và được môn văn cảm hóa. Từ đó sẽ tác động tích cực đến việc bồi dưỡng tri thức về cuộc sống, về xã hội... và cũng từ đó hình thành nhân cách tốt đẹp ở mỗi con người.

* Cứ cho là những “bài văn… văng mạng” chưa phải là hiện tượng chiếm đa số trong HS, nhưng điều đó đã nói lên một sự thật đầy bất ổn trong dạy và học văn hiện nay ở bậc phổ thông?

- ... Ngay như xét ở số đông HS trung học, những yêu cầu cơ bản cần đạt đối với môn văn cũng còn lâu mới đạt được. Ví dụ, đã đến lớp 12, ở tuổi 18 thì phải đạt yêu cầu viết “sạch” đối với ngôn ngữ mẹ đẻ. Nhưng xin thưa rằng dù chỉ đánh giá ở bộ phận HS khá văn nhất của lứa tuổi thi tú tài này thì trình độ viết văn tiếng Việt của các em vẫn không đạt yêu cầu. Thậm chí ngay như sinh viên năm 4 khoa văn, nhiều khi chấm bài tôi vẫn thấy giật mình về trình độ viết văn của các em. Ý tôi muốn nói rằng trình độ cảm, hiểu văn chương và sử dụng tiếng mẹ đẻ ở các bạn trẻ ngày nay rất đáng lo ngại ở một diện rộng hơn, chứ không riêng gì HS ở các bậc học phổ thông.

OZjkdQjF.jpgPhóng to
PGS.TS Trần Hữu Tá
* Nhưng để tồn tại những điều xót xa như thế trong dạy và học văn, theo ông, nên trách người thầy hay trách người học?

- Nói một cách công bằng, với chương trình học như hiện nay, cho dù HS có muốn yêu văn chương cũng không có đủ thì giờ để mà yêu… Chương trình dạy của từng khối lớp rất căng nên HS học rất vất vả và số đông HS phải đối phó để giải quyết cho xong những yêu cầu của nhà trường, của thầy cô giáo. Chính vì thế mà hầu hết HS không có thời gian đi sâu vào những điều các em yêu thích, trừ một số đã giỏi. Cũng vì vậy càng khiến học trò không thấy hấp dẫn với môn văn.

Nhưng có lẽ nhiều thầy cô giảng dạy môn văn cũng chưa đáp ứng được lòng mong mỏi của học trò, chưa làm cho học trò say được với môn mình dạy. Ở đây tôi muốn nói đến bản lĩnh của người thầy. Những thầy giáo cô giáo dạy hay, chuẩn bị kỹ bài giảng, truyền đạt hấp dẫn… thì HS sẽ yêu thích. Còn nếu trình độ người thầy hạn chế, chuẩn bị bài giảng sơ sài, cốt là làm sao truyền đạt được kiến thức mà Bộ GD-ĐT qui định thì coi như hoàn thành trách nhiệm, coi như xong… như thế làm sao học trò yêu văn chương cho được.

* Và có nhiều ý kiến cho rằng khả năng truyền đạt của người thầy mới là quan trọng?

- Riêng tôi thấy vẫn cần có sự thông cảm với thầy cô giáo dạy văn. Một truyện ngắn rất dài như Chí Phèo mà phải dạy trong hai tiết thì có thánh cũng không giảng được cho ra đầu ra đũa; một đoạn thơ dài năm bảy chục câu trích trong bài Việt Bắc mà giảng một tiết thì liệu ai có thể giảng nổi.

Vì vậy giáo viên cứ loay hoay đối phó làm thế nào “thanh toán” cho xong giáo án để tránh bị “cháy” và cốt đảm bảo truyền đạt được những kiến thức cơ bản nhất đến HS nhằm đối phó với các kỳ thi… Thực tế là người thầy chỉ “thanh toán” được bài giảng một cách hình thức chứ không đem đến cho HS nhiều kiến thức bổ ích, làm giàu thêm đời sống văn hóa, tinh thần cho HS.

“Cũng cần nói thêm, thanh niên ngày nay ít đọc sách quá. Muốn hiểu và yêu văn thì không chỉ thu hẹp trong phạm vi sách giáo khoa… Di sản văn học dân tộc cũng như tinh hoa văn học nhân loại đọc cả đời người cũng không hết.

Nhưng thử hỏi có bao nhiêu người trẻ hào hứng tìm sách để đọc? Tôi tin là ít lắm! Tôi cho rằng đây là hiện tượng đáng lo ngại trong giới trẻ ngày nay”.

Còn giảng dạy văn học cổ thì lôi thôi hơn nữa... Các cụ thường dạy: phải phấn đấu biết mười dạy một. Song hiện nay ở tất cả các cấp (tất nhiên không phải 100%) nhiều chục phần trăm thầy cô giáo vẫn chưa đủ “vốn” để có thể biết mười dạy một. Khi người thầy chưa có tiềm lực ấy thì không thể dạy hay và hấp dẫn được. Chỉ có thể đổi mới phương pháp giảng dạy trên cơ sở người thầy có tiềm lực mạnh. Khi người thầy đã dư “vốn” mới có thể nói đến chuyện đổi mới cách giảng dạy.

* Thưa ông, dường như thực tế cuộc sống đã mách cho chúng ta một điều: có một bộ phận không nhỏ các bạn trẻ đang vô cảm trước đời sống văn học, không thèm tìm đến các tác phẩm văn học?

- Cũng không nên trách họ. Và tôi nghĩ cũng không hoàn toàn như thế đâu. Tuy nhiên, mối lo như tôi đã nói, sự quan tâm đến sách của giới trẻ dường như ngày càng nhạt hơn. Thực tế phải nhìn nhận hiện nay không có động cơ nào thúc ép bạn trẻ tìm đọc các tác phẩm văn học, trong khi những động cơ khác thì thúc ép họ rất kinh...

Vì vậy sách phải hay, phải chân thực, hấp dẫn. Ví dụ báo Tuổi Trẻ đăng nhật ký Mãi mãi tuổi hai mươi đã tạo tiếng vang, rất xúc động, rất có ích về mặt tình cảm, tư tưởng. Tôi nghĩ rất nhiều bạn trẻ đọc Mãi mãi tuổi hai mươi và rút ra được những điều bổ ích cho riêng mình. Nhưng rất tiếc những món ăn bổ dưỡng như vậy hiện còn ít lắm.

* Xin được hỏi thật, là người dạy văn và nghiên cứu văn học… nhưng các thành viên trong gia đình ông có yêu thích văn chương?

- Tôi có ba con, lớn hết cả rồi. Tủ sách của tôi đến vài ba nghìn cuốn. Tôi cũng đã gần 50 năm giảng dạy và nghiên cứu văn học nên sách quí không hiếm. Các con tôi tuy không đi theo con đường giảng dạy và nghiên cứu văn học như cha của chúng nhưng chúng đọc rất nhiều.

Để không còn văn chương “dựng tóc gáy”

Kỳ tuyển sinh ĐH-CĐ 2005 vừa kết thúc, tôi mạo muội đề xuất vài ý kiến với hi vọng góp phần nhỏ kềm bớt độ sáng tác văn chương “dựng tóc gáy” của các “sĩ tử tiềm năng”.

Hãy biết mình đang viết gì!

Đây chính là vấn đề mấu chốt dẫn đến sự ra đời những “kiệt sức” văn chương khi sĩ tử không làm chủ được ngòi bút của mình. Đi buôn thì phải có vốn, song không ít sĩ tử bước vào phòng thi mà kiến thức về tác giả, tác phẩm, các giai đoạn văn học… thủng một cách khủng khiếp chứ chưa nói đến những chuyện “cao siêu” hơn như kiến thức về lý luận văn học, các chủ đề lớn trong tác phẩm từng giai đoạn...

Trong chấm thi văn, yếu tố “đúng” bao giờ cũng được đặt trên yếu tố “hay”. Chuẩn bị cho “một trận đánh lớn” như tốt nghiệp hay “trận đánh rất lớn” như tuyển sinh ĐH-CĐ, ngoại trừ những sĩ tử xem cuộc thi chỉ là cuộc dạo chơi, thi một lần cho biết mùi thi ĐH-CĐ, chưa đánh mà đã âm thầm giương cờ hàng thì những sĩ tử “quyết tử” trong trận đánh này nhất thiết phải có một vốn kiến thức văn học vững vàng. Đây chính là yếu tố quyết định bài thi của bạn có “đúng” và “đúng” đến mức nào, còn yếu tố “hay” thì phụ thuộc khả năng cảm thụ văn học, khả năng diễn đạt…

Siết chặt khâu kiểm tra kiến thức

Điều tôi muốn nhấn mạnh nhất trong ý này là việc kiểm tra kiến thức văn học của HS qua kiểm tra miệng, 15 phút, một tiết, học kỳ… Hiện tượng photocopy văn mẫu, xào nấu văn mẫu, cho ra lò những bài văn thập cẩm… rất phổ biến trong các kỳ thi từ bé đến lớn. Cần phải thấy rằng chuyện hỏng kiến thức bắt nguồn từ những bài kiểm tra trả kiến thức bằng cách chép với qui mô nhỏ ở lớp.

Tại sao trong phạm vi một bài kiểm tra một tiết ở lớp hay kiểm tra học kỳ ở một trường, hiện tượng văn chương “dựng tóc gáy” chỉ là lẻ tẻ về số lượng và nhẹ về mức độ? Phao thi, các cuốn sách văn mẫu và thái độ nhiều khi rộng rãi, du di của giáo viên trong quá trình coi thi và chấm thi chính là một phần quan trọng của câu trả lời. Cứ đến thi là chép, biết đường chép thì sẽ có điểm. Thậm chí có những giáo viên biết chắc HS chép từ những cuốn văn mẫu nào nhưng vẫn cho qua để bình diện chung của điểm số được đẹp!

Hậu quả để lại là thay vì kiến thức được củng cố qua các kỳ thi thì ngược lại lại thủng dần, rơi rụng dần và khi đến với các “trận đánh lớn”, bị tước mất “vũ khí mật” là phao thi thì các sĩ tử chới với và thi nhau sáng tác nên những “kiệt sức” văn chương. Phải nghiêm khắc với HS trong những “trận đánh nhỏ” thì HS mới biết luật chơi, biết nghiêm túc chuẩn bị “quân trang”, “quân dụng” cho những trận đánh lớn.

QUỐC THANH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên