Phóng to |
Giáo viên lách luật
Trước thềm năm học mới, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã cam kết việc "chống dạy thêm, học thêm là một trong 4 nhiệm vụ lớn" của năm học này. Bộ GD-ĐT cũng đã có dự thảo: "Quy định về quản lý dạy thêm, học thêm", những ai vi phạm nghiêm trọng hoặc tái phạm dạy thêm trái phép nhiều lần có thể bị buộc thôi việc. Giáo viên dạy thêm có thể bị phạt 10 đến 20 triệu đồng!
Ông Trần Bá Giao - Phó Chánh thanh tra giáo dục (Bộ GD-ĐT) - cho biết, bộ đã yêu cầu các sở GD-ĐT thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra quản lý tình hình dạy thêm, học thêm trên địa bàn. Thậm chí, có những sở GD-ĐT đã thực hiện hẳn đề tài khoa học về các biện pháp quản lý dạy thêm, học thêm (Sở GD-ĐT Nam Định). Tuy nhiên, vào năm học, các lớp học thêm vẫn tiếp tục bung ra, đặc biệt ở các thành phố lớn. Ông Giao công nhận đây là một vấn đề mà cả bộ lẫn sở rất khó quản lý.
Nhưng cũng đã có những ý kiến cho rằng, quy định của bộ và các sở GD-ĐT đã hợp pháp hóa việc dạy thêm trong nhà trường. Chỉ thị 15/CT-BGD&ĐT về nghiêm cấm các hình thức dạy thêm đại trà có thu phí của Bộ GD-ĐT lại có quy định về "các trường hợp đặc biệt", đã tạo điều kiện cho người trong cuộc lách luật.
Ví dụ: Quy định các trường hợp luyện thi học sinh giỏi, phụ đạo học sinh kém không được nhiều hơn 6 em và không được thu học phí... phải được hiệu trưởng cho phép bằng văn bản, chịu sự quản lý của cơ quan chủ quản.
Lại có cả quy định về điều kiện cơ sở vật chất của dạy thêm phải đảm bảo điều kiện vệ sinh, an toàn cháy nổ, thông thoáng, diện tích đầy đủ (ít nhất 1m2/người + 5m2 bục giảng), trang thiết bị đúng quy định và không được nhiều hơn 20 em, các giờ dạy thêm không được muộn hơn 18g30 hằng ngày và không được xếp vào ngày nghỉ cuối tuần, ngày lễ(?).
Một cuộc thăm dò cách đây chưa lâu, do Bộ GD-ĐT tiến hành tại 10 trường tiểu học Hà Nội cho thấy, các cô giáo luôn sẵn sàng mọi lúc với mọi thủ tục hợp pháp để giải trình nếu bị thanh tra. Ít nhất 50% số trường tiểu học ở Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng tham gia vào "cuộc chơi" dạy thêm, đặc biệt rộn ràng vào các đợt thi cuối kỳ, cuối cấp.
Bệnh mạn tính
Kết quả điều tra trên 7.584 thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 14 - 25 thuộc 42 tỉnh, thành trên cả nước vừa qua cho thấy, 72,8% trong số này có học thêm, nhưng chỉ có 15% "dám" đồng ý là khối lượng học tập quá tải. Giải thích sự ngược đời này, các nhà chuyên môn cho rằng thanh thiếu niên hiện nay phải chịu sức ép quá lớn trong chuyện học hành thi cử, nên chấp nhận tình trạng học tập quá tải. Điều tra này do Bộ Y tế, Tổng cục Thống kê, UNICEF và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thực hiện, được coi là cuộc điều tra quốc gia về vị thành niên và thanh niên VN lớn nhất từ trước đến nay. |
Ngành giáo dục đã ra rất nhiều "sắc lệnh" chỉ đạo ngăn chặn, xử lý nghiêm minh đối với cán bộ, giáo viên và quản lý nhà trường có hành vi tiêu cực trong dạy thêm để vụ lợi.
Thế nhưng, thế nào là hành vi tiêu cực trong dạy và học thêm? Làm sao phát hiện được những sai phạm này? Ai, cấp nào sẽ là người có chức năng đánh giá và quyết định việc này? Đó là băn khoăn của không ít phụ huynh cũng như giáo viên.
Thực tế trong thời gian qua, Sở GD-ĐT TP.HCM đã thành lập hẳn bộ phận thanh tra, đường dây nóng... để thu thập những thông tin, phản ánh về tình trạng này, thế nhưng kết quả hầu như chẳng đáng là bao, dạy thêm vẫn cứ "bình yên vô sự"...
Theo kiến nghị của nhiều nhà quản lý, muốn giải quyết rốt ráo tình trạng dạy và học thêm, thì điều cần nghĩ đến đầu tiên đó là việc hoàn chỉnh hệ thống trường bán trú để giải quyết nhu cầu dạy và giữ trẻ cho phụ huynh được yên tâm.
Ngoài ra, việc thay đổi chương trình, phương pháp giảng dạy và học tập cũng sẽ có tác dụng không ít để hạn chế dạy và học thêm. Nếu theo cách dạy không bắt trẻ phải học vẹt mà cần tư duy, sáng tạo thì việc học thêm, học trước sẽ không còn tác dụng, không có đất sống.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận