06/06/2006 12:21 GMT+7

Đau xót quá! ...

VĂN ẢNH
VĂN ẢNH

TTO - Đừng coi thường pháp luật quốc tế, đừng làm theo cách mà chúng ta vẫn thường làm trên sự khoan dung, tha thứ. Pháp luật quốc tế chỉ có một yêu cầu tối thượng: mọi người phải chấp hành dù kẻ đó là ai.

7sjyVSWi.jpgPhóng to
Máy bay Boeing 777 của VN Airlines tại sân bay Tân Sơn Nhất - Ảnh: N.C.Thành
TTO - Đừng coi thường pháp luật quốc tế, đừng làm theo cách mà chúng ta vẫn thường làm trên sự khoan dung, tha thứ. Pháp luật quốc tế chỉ có một yêu cầu tối thượng: mọi người phải chấp hành dù kẻ đó là ai.

VN Airlines bị phạt 5,2 triệu euro xuất phát từ quyết định sai lầm của ông tổng giám đốc công ty này. Nếu VN Airlines chịu thi hành mức phạt sơ thẩm thì số tiền sẽ không lớn đến như thế và vụ việc sẽ không còn kéo dài, gây dư luận ầm ĩ, phức tạp khó giải quyết như ngày hôm nay.

Chúng ta đã quen sống trong môi trường pháp luật thiếu hiệu lực, nghiêm minh, lấy sự thương lượng trả giá thay cho thượng tôn pháp luật. Số tiền vụ phạt này tuy lớn nhưng chúng ta nhận được bài học còn lớn hơn, đó là đừng coi thường pháp luật quốc tế.

Trở lại vấn đề này, tôi nghĩ phải xác định trách nhiệm của người đứng đầu: ban lãnh đạo VN Airlines. Với cách làm việc thiếu kinh nghiệm, lúng túng khi giải quyết vấn đề kiểu như thế này thì trong tương lai khi VN đã trở thành thành viên WTO, không biết VN Airlines sẽ cạnh tranh như thế nào?

Lại thêm một vụ ném tiền qua cửa sổ của các vị quan chức VN sau vụ thua kiện của các vị quan ở Liên đoàn bóng đá, trong lúc từng cụ già, em bé đem những đồng tiền dành dụm ít ỏi giúp đỡ các ngư dân ngập chìm trong đau thương do cơn bão Chanchu. Chúng ta cứ kỷ niệm ngày sinh, ngày mất và mới đây là ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, nhưng tại sao chúng ta không nhớ và thực hành những lời dạy bảo hết sức đúng đắn của Người trong việc bổ nhiệm những vị đứng đầu cơ quan ban ngành?

"Có tài mà không có đức là người vô dụng. Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó". Vậy các quan chức của ta có được gì? Hình như không có cả một trong hai Tài và Đức. Cho nên mới liên tiếp "chở" hàng tỉ tiền dân đi trả cho người ngoài với bộ mặt ê chề của người thua cuộc. Vậy mà sau đó không hề nghe ai bị nghiêm trị để răn đe những ai đang hay sắp vì lợi ích riêng mà bán rẻ lợi ích quốc gia. Có chăng chỉ là nghiêm khắc phê bình hay thuyên chuyển sang vị trí khác.

Chỉ thấy rằng với tiền tỉ ấy có thể làm được rất nhiều điều cho một đất nước với hơn 80% dân sống bằng nông nghiệp có dãy đất dài miền Trung năm nào cũng thiên tai bão lũ nên mãi đói nghèo. Một cây cầu cho trẻ em vùng sâu không phải chèo ghe đến trường; một công trình thủy lợi cứu những cánh đồng khô hạn để nhiều gia đình khỏi thiếu ăn quanh năm... những việc ấy xem ra chẳng đáng là bao so với số tiền đã rơi rớt.

Tài và Đức trong quan chức lãnh đạo, chờ đến bao giờ?

Qua các phương tiện truyền thông, thực sự tôi rất đau xót khi phải chứng kiến từ vụ tiêu cực này đến vụ tiêu cực khác, từ cán bộ này đến cán bộ khác vô trách nhiệm hoặc cố ý làm thất thoát tài sản của nhà nước, mà thực sự là tiền nộp thuế của người dân, trong đó có bản thân tôi.

Khi mà hàng triệu người lao động nghèo đang phải vật lộn với cuộc sống, họ cũng phải nộp những khoản tiền thuế, trong đó có thuế giá trị gia tăng khi họ tiêu dùng sản phẩm như xăng dầu, thực phẩm... thì những người vô trách nhiệm lại thờ ơ với những số tiền hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng thất thoát vì những nguyên nhân không đâu vào đâu. Thiết nghĩ, với những vụ tiêu cực như vụ điện kế điện tử, PMU18, Kho cảng Thị Vải, bây giờ là Hàng không Việt Nam đang được thanh tra, và hàng trăm, hàng nghìn vụ tiêu cực khác còn chưa được phát hiện hoặc "không ai chịu" phát hiện thì thiệt hại không chỉ tính bằng những con số có hàng chục số không phía sau.

Lòng tin của dân đang đi theo chiều tỷ lệ nghịch...

Khi đọc bài báo về những sai phạm tại PMU18, tôi thật sự rất buồn. Nhưng buồn hơn khi ngành hàng không đang làm thất thoát hàng trăm nghìn tỉ đồng của nhà nước. Ngân sách nhà nước sẽ đi về đâu? Hàng trăm nghìn người bị nạn trong bão Chanchu vừa qua sẽ được nhà nước hỗ trợ bao nhiêu? Khoản hỗ trợ cho dân này sẽ bằng khoảng bao nhiêu phần nghìn những thất thoát ngân sách đó?

Tôi không hiểu chức năng giám sát của quốc hội ra sao? Thanh tra nhà nước có còn làm việc hay không? Có ai nghĩ rằng những lãnh đạo để xảy ra sai phạm như vậy lại vẫn cứ là những đảng viên ưu tú hay không? Thiết nghĩ chúng ta đang thiếu trầm trọng và nhân dân ta đang khao khát một thứ là "công khai". Nếu không công khai thì sẽ không bao giờ có "dân chủ". Dân sẽ không thể làm chủ nếu họ không biết tài sản của họ được sử dụng vào mục đích gì, lợi ích mang lại như thế nào?

Trách nhiệm này trước hết là của... "tập thể". Đổ cho một mình ông Hiển cũng "tội" cho ông ấy. Ông ấy chỉ quen "lãnh chỉ đạo" việc kinh doanh trong môi trường nhỏ mà việc kiện tụng một "đại gia" như VN Airlines ra toà (với bất cứ lý do nào) là "điệp vụ bất khả thi" và phán quyết của toà án (nếu có) cũng dễ dàng bị bỏ lơ bởi chuyện đó coi như của ai chứ đâu phải chuyện của nước mình.

Đã quen với phong cách làm việc như thế làm sao ông Hiển có thể chấp nhận được luật quốc tế? Sẽ còn những "đại gia" khác tiếp tục bị "hạ đo ván" kiểu như VN Airlines khi Việt Nam gia nhập WTO. Khi mà các đại gia phải chơi ở sân chơi chung, theo luật mà cả thế giới chấp hành. Những khoản "ngu phí" kiểu như thế này sẽ còn phát sinh dài dài, đến khi nào các vị lãnh đạo "khôn ra". Tiên trách kỷ, hậu trách... ai?

Đứng ở một góc độ nào đó để nhìn nhận, việc VN Airlines thua kiện 5,2 triệu euro so với việc tham nhũng của PMU18 cũng không khác nhau là mấy, cũng đã gây thất thoát số tiền không nhỏ của đất nước. Tại sao đến thời điểm này, vẫn chưa thấy người có trách nhiệm lên tiếng? Thật đau lòng khi nghĩ đến việc người dân đã phải góp biết bao nhiêu ngày, bỏ biết bao công sức mới có được số tiền 10 tỷ ủng hộ cho đồng bào nghèo, đồng bào gặp thiên tai, lũ lụt. Từ 90.000 USD lên đến 5,2 triệu euro, thực sự tôi không thể tưởng tượng được sự thiếu trách nhiệm của lãnh đạo VN Airllines.

Tôi và rất nhiều độc giả trên lãnh thổ VN đều rất bất bình khi nghe tin VN Airlines phải mất tới 107 tỷ đồng VN vì thua kiện do không hiểu biết. Thế nhưng không ai trong ban lãnh đạo VN Airlines có động thái gì. Việc này chứng tỏ họ không nhận thức hết trách nhiệm của minh khi để xảy ra sự việc trên. Chúng ta cũng cần biết rằng hàng năm ngân sách nhà nước đầu tư toàn bộ cho một số tỉnh cũng chưa đến số tiền như vậy. Tôi đề nghị trong trường hợp này ta phải xử thật nặng những người lãnh đạo.

Qua vụ việc của Vietnam Airlines, càng đọc tin tức càng cảm thấy buồn và đau xót. Tôi nghĩ không còn có gì có thể tồi tệ đáng buồn hơn nữa. Đau xót vì những hành vi hối lộ đó đã phá vỡ sự công bằng xã hội, đã làm thiệt hại rất nhiều tiền của của nhà nước, làm lỡ đi cơ hội học hỏi để tiến bộ của những người có thực tài làm cho họ không có cơ hội cống hiến trí tuệ cho đất nước…

Đau xót hơn nữa là chính những kẻ hối lộ và nhận hối lộ lại là các quan chức “đáng kính” của nhà nước, đã được nhân dân tin cậy giao phó trọng trách vì tương lai, sứ mệnh của đất nước và của nhân dân. Thảo dân này xin đề nghị những người lãnh đạo cao nhất của đất nước cần có thái độ rõ ràng trước công chúng và có hành động mạnh mẽ, quyết liệt để đưa vụ này ra ánh sáng.

VĂN ẢNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên