13/12/2006 14:11 GMT+7

Dấu vết "kinh đô thứ hai" của nhà Trần

Theo Lao động
Theo Lao động

Di tích cung Trùng Hoa - một trong hai cung điện lớn nhất của Hành cung Thiên Trường đời Trần vừa được phát lộ trong cuộc khai quật khảo cổ học tại cánh đồng giữa đền Trần và chùa Tháp (thôn Tức Mặc - phường Lộc Vượng - thành phố Nam Định).

6b2RvWa9.jpgPhóng to
Các di vật và dấu vết kiến trúc xuất lộ trong cuộc khai quật. Ảnh: Lao động
Di tích cung Trùng Hoa - một trong hai cung điện lớn nhất của Hành cung Thiên Trường đời Trần vừa được phát lộ trong cuộc khai quật khảo cổ học tại cánh đồng giữa đền Trần và chùa Tháp (thôn Tức Mặc - phường Lộc Vượng - thành phố Nam Định).

Di vật dày đặc

Cuộc khai quật do Viện Khảo cổ học VN chủ trì và Bảo tàng Nam Định phối hợp thực hiện, được tiến hành từ tháng 11-2006 và vẫn đang được tiếp tục trên diện tích lên tới hơn 2.000 m2, với khoảng 30 hố khai quật. “Di vật xuất hiện dày đặc, số lượng đã tới hàng chục vạn”, một chuyên gia khảo cổ học cho biết.

Đặc biệt, tại 3 hố khai quật thăm dò phía tây đền Trần đều phát hiện dấu vết của các di tích kiến trúc thời Trần, điển hình như hệ thống cống thoát nước bằng đất nung, móng trụ cột, gạch lát nền, gạch chữ nhật có khắc chữ Hán “Vĩnh Ninh Trường”, các vật liệu trang trí như đá tảng, sỏi đá nhẵn, ngói mũi sen, lá đề chạm rồng phượng... Đã phát hiện khoảng gần 10 ô vuông nhỏ xếp gạch ngói, theo phỏng đoán bước đầu thì có thể là dấu vết của vườn hoa cây cảnh. Ngoài vật liệu xây dựng, còn lại hầu hết là đồ gia dụng bằng sành và gốm men... Đặc biệt có một số bát men ngọc và men trắng vẽ hoa văn hoa sen và hoa mẫu đơn rất tinh tế. Tất cả đều điển hình cho phong cách thời Trần.

“Kinh đô thứ hai”

Theo sử sách, từ thời Trần bắt đầu có chế độ thái thượng hoàng. Các vua cha thường ở độ tuổi tứ tuần nhường ngôi cho một người con có tài có đức nhất, bất kể là trưởng thứ, nhưng thái thượng hoàng trên thực tế vẫn quyết định những việc quan trọng, tiếp tục rèn cặp vị vua đương quyền. Những vị vua đầu tiên của vương triều Trần sau khi nhường ngôi cho con đều trở về nghỉ ngơi ở quê nhà Tức Mặc, nên nơi đây từng được coi là “kinh đô thứ hai” của nhà Trần.

Tức Mặc là mảnh đất dấy nghiệp của vương triều Trần nên từ năm 1239, nhà vua đã cho dựng một cung điện ở đây để ở mỗi khi về thăm. Trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ nhất, Linh từ Quốc mẫu Trần Thị Dung đã đưa toàn bộ hoàng tộc về sơ tán. Đến năm Nhâm Tuất (1262), nhà Trần cho mở rộng quy mô xây dựng thành Hành cung Thiên Trường, với thủ phủ là Tức Mặc. Trong đó, 2 cung điện lớn nhất là cung Trùng Quang (nơi thượng hoàng về ngự) và cung Trùng Hoa (nơi các vua Trần về chầu). Căn cứ theo sử sách và tư liệu khai quật khảo cổ học thì khu đền Trần được xây dựng trên nền cũ của 2 cung điện quan trọng nhất này.

Theo một giáo sư khảo cổ học, mặc dù cuộc khai quật vẫn chưa kết thúc, nhưng với những di vật, di tích đã xuất lộ, có thể phỏng đoán hầu như chắc chắn đây là Cung điện Trùng Hoa. Cuộc khai quật này sẽ đưa ra những thông tin quan trọng về diện mạo của Hành cung Thiên Trường.

Ông Nguyễn Anh Thư - Giám đốc Bảo tàng Nam Định - cho biết cuộc khai quật này nằm trong dự án quy hoạch tổng thể bảo tồn tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích lịch sử, văn hoá thời Trần tại Nam Định đến năm 2015 đã được Chính phủ phê duyệt. Vị trí đang khai quật dự định sẽ là nơi xây Quảng trường Đông A và một số kiến trúc hạ tầng khác. Vậy, việc phát hiện ra khu di tích này có ảnh hưởng gì đến dự án xây dựng này không?

Trả lời câu hỏi này, tiến sĩ Nguyễn Xuân Năm - Giám đốc Sở VHTT Nam Định - khẳng định: “Ngoại trừ những chỗ phát hiện di tích kiến trúc thật đậm đặc thì Sở VHTT Nam Định sẽ kiến nghị giữ lại, còn nếu không dự án xây dựng vẫn sẽ tiến hành bình thường”.

Theo Lao động
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên