![]() |
Vào thời điểm năm 2007-2009, khi những khoản lỗ của Vinashin chưa lộ ra, không ít doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư vào đơn vị này, trong đó có Tập đoàn Bảo Việt. Theo đó, Tập đoàn Bảo Việt và các đơn vị thành viên mua đến 680 tỉ đồng mệnh giá trái phiếu doanh nghiệp của Vinashin, trong đó đáo hạn đến năm 2012 và 2013 là 200 tỉ đồng, đến năm 2017 là 480 tỉ đồng.
Thực tế, loại trái phiếu của Vinashin mà Tập đoàn Bảo Việt và các đơn vị thành viên đầu tư là trái phiếu doanh nghiệp không có bảo đảm. Việc đầu tư khoản tiền lớn như vậy vào Vinashin bắt nguồn từ các bộ phận chuyên môn của Bảo Việt và đơn vị thành viên thiếu căn cứ xác thực khi cho rằng Vinashin sẽ ngày càng phát triển và khẳng định thương hiệu trên thị trường quốc tế, chưa đầy đủ thông tin về thực trạng hoạt động kinh doanh của tập đoàn này.
Không chỉ mua trái phiếu, Bảo Việt còn ký kết 34 hợp đồng tiền gửi tại Công ty Tài chính công nghiệp tàu thủy (VFC, thành viên của Vinashin) vượt quá hạn mức tín dụng. Năm 2009, hạn mức tín dụng do ban đầu tư chiến lược đề xuất với VFC là 200 tỉ đồng nhưng đến tháng 6-2009, số dư tiền gửi của Bảo Việt tại VFC lên đến 406 tỉ đồng. Việc để vượt hạn mức tín dụng này thể hiện công tác quản trị nội bộ trong hoạt động tiền gửi của Tập đoàn Bảo Việt chưa tốt, tiềm ẩn rủi ro khi đơn vị nhận tiền gửi gặp khó khăn.
Bảo Việt còn đầu tư vào lĩnh vực chứng khoán và thua lỗ với số tiền hàng trăm tỉ đồng. Cụ thể, tập đoàn đầu tư vào Công ty cổ phần chứng khoán Bảo Việt (BVSC), Quỹ đầu tư chứng khoán Việt Long, Quỹ đầu tư chứng khoán Bảo Việt và đều bị thâm hụt khoản đầu tư. Tính đến hết năm 2009, BVSC lỗ lũy kế hơn 122 tỉ đồng, Quỹ đầu tư chứng khoán Việt Long lỗ gần 113 tỉ đồng, Quỹ đầu tư chứng khoán Bảo Việt chỉ còn 95,2% giá trị quỹ khi mới thành lập.
Nguyên nhân chính là do các đơn vị này kinh doanh nhiều loại cổ phiếu, trong đó có loại mua khi thị trường chứng khoán tăng mạnh và đến khi suy thoái phải lập dự phòng giảm giá dẫn đến lỗ.
Ngoài ra, tập đoàn cũng đầu tư vào hàng loạt dự án như Bảo Việt Resort Mũi Né (Bình Thuận) dự kiến đi vào hoạt động năm 2007 nhưng tháng 3-2010 vẫn chưa xây dựng, đầu tư vào Công ty đầu tư và xây dựng Quốc tế từ năm 2001 nhưng đến hết năm 2009 chưa có lãi, đầu tư vào Công ty cổ phần Giải trí Hà Nội nhưng lợi nhuận chỉ được 4,4%, thấp hơn 50% so với bình quân các dự án khác.
Ra tòa vì cho vay sai luật Trong hoạt động cho vay, ủy thác cho vay, năm 1999 khi mới là Tổng công ty Bảo hiểm VN, đơn vị này và Bảo Việt Sài Gòn cho Công ty TNHH Dịch vụ hàng hải và du lịch Sài Gòn (Proshiper) vay 4 tỉ đồng, đến năm 2003 chuyển cho Công ty TNHH Dòng Sông Xanh vay của Bảo Việt Sài Gòn với tổng nợ (lãi nhập gốc) là 4,6 tỉ. Việc cho vay này không đúng Luật tổ chức tín dụng dẫn đến không thu hồi được đầy đủ nợ gốc và phát sinh, hai đơn vị phải dẫn nhau ra tòa và hiện đang chờ TAND TP.HCM xét xử. Bảo Việt còn ủy thác Ngân hàng BIDV chi nhánh Bắc Hà Nội cho Công ty TNHH đèn hình Orion Hanel vay 3 triệu USD. Đến hết tháng 9-2009, Orion Hanel vẫn nợ cả gốc lẫn lãi hơn 2,1 triệu USD. Đến nay, Orion Hanel đã xin phá sản và khoản tài sản đảm bảo là đất vẫn không xử lý được. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận