02/11/2004 00:23 GMT+7

Đâu rồi nhân viên kinh doanh?

TẦN VY
TẦN VY

TT - Sự thờ ơ của người tìm việc trước vị trí nhân viên kinh doanh (NVKD) hiện đang làm các nhà tuyển dụng “đau đầu”. Điều kiện “dễ ẹt” dán khắp nơi: chỉ cần tốt nghiệp THPT trở lên, có khả năng giao tiếp, mức lương cơ bản trên 800.000 đồng/tháng. Vậy mà...

aEcJSOxa.jpgPhóng to
Phùng Lê Anh Tú, nhân viên kinh doanh của Công ty TNHH Minh Minh An, giới thiệu tour du lịch mới với khách hàng - Ảnh: Tần Vy
TT - Sự thờ ơ của người tìm việc trước vị trí nhân viên kinh doanh (NVKD) hiện đang làm các nhà tuyển dụng “đau đầu”. Điều kiện “dễ ẹt” dán khắp nơi: chỉ cần tốt nghiệp THPT trở lên, có khả năng giao tiếp, mức lương cơ bản trên 800.000 đồng/tháng. Vậy mà...

Nhìn nghề ngờ vực…

Trong tháng 9-2004, nhu cầu tuyển dụng vị trí NVKD như sau: Trung tâm Hỗ trợ sinh viên (TTHTSV) TP.HCM nhận 115 yêu cầu của 29 công ty; TTHTSV Trường Cao đẳng Hoa Sen nhận 65 yêu cầu của 17 đơn vị; TTDVVL Vinhem Pich nhận 193 yêu cầu của 32 công ty; TT dạy nghề và tư vấn việc làm Thanh Niên nhận 170 yêu cầu của 21 đơn vị; TTDVVL Votec nhận 150 yêu cầu của 25 công ty; TTHTSV Trường ĐH dân lập Kỹ thuật công nghệ TP.HCM nhận yêu cầu của 20 đơn vị...

Chưa tới 30% yêu cầu trong số này được đáp ứng. Để “chữa cháy”, các công ty cùng lúc gửi thông báo tuyển dụng đến nhiều TT với hi vọng sẽ “thu hoạch” chút gì, nhưng vẫn gặp eo sèo...

Lao động thường hỏi người tuyển dụng: Nghề chạy vòng vòng mà rất kém hiệu quả? Phải đi tỉnh rất xa?... Điều đáng nói là không ít tân SV các ngành khối kinh tế thương mại cũng lắc đầu do kinh nghiệm từ các bậc đàn anh: “Chạy tùm lum mà không tìm được khách hàng đã nản; tìm được rồi lo thuyết phục còn nản hơn” - một ứng viên tìm việc tại TTHTSV TP.HCM nói.

Theo phản hồi từ các công ty cho các TT tuyển dụng, hơn một nửa NVKD được tuyển đã bỏ cuộc ngay thời gian thử việc. Hậu quả là phải tuyển lại từ đầu và các TT giới thiệu việc làm trở lại cuộc săn lùng vất vả từ đầu.

“Phải chăng từ nhà trường, SV cần sớm hướng ra môi trường sôi động của kinh tế thị trường để làm quen với những va chạm?!” - thạc sĩ Võ Thanh Năm, trưởng ngành quản trị kinh doanh - khoa quản trị kinh doanh Trường cao đẳng Hoa Sen, đặt vấn đề.

Nghề quan trọng hơn… phó giám đốc

Một số trang web cần tham khảo về nghề cho các tân NVKD: www.amazon.comwww.scn.org/civic/score-onlinewww.smalloffice.comwww.bijinfosearch.comwww.hoover.com

Đó là khẳng định chắc nịch của ông Hải Đăng, giám đốc điều hành Công ty cổ phần Net QVN. Thành công của những đề án do giám đốc đưa ra nằm ở hiệu quả hoạt động của đội ngũ NVKD.

Công việc của họ không phải ngồi ở văn phòng, công ty. Ở TP.HCM chỉ vài ngày, còn thường thì đi mở rộng thị trường ở Vĩnh Long, Trà Vinh, Đà Lạt, Bình Thuận, Khánh Hòa... là công việc quen thuộc của NVKD Công ty Vietbook. Gần hơn là các huyện ngoại thành TP.HCM.

Là NVKD kiêm nhân viên kỹ thuật, anh Lưu Phan (Công ty Việt Long) không hề giới hạn cho mình một thời gian cụ thể nào. Điện thoại của khách hàng gọi đến là phải đi ngay, “không bao giờ được tỏ ra chần chừ hay lưỡng lự khi khách hàng yêu cầu”- anh nói.

Còn “bí kíp” của Trần Thị Thảo, NVKD Công ty cổ phần sách - niên giám Vietbook, là “tự nguyện hạ giá hợp đồng để thuyết phục khách hàng, mở rộng số lượng hợp đồng ký kết, tiền phần trăm hoa hồng không quá coi trọng”. Quyết định từ chối công việc biên tập với mức lương thử việc 1,5 triệu đồng để chuyển sang làm NVKD lương 800.000 đồng/tháng của Thảo được ban giám đốc đánh giá cao.

Sau hai tháng thử việc, năm trong số bảy người đã đầu hàng vô điều kiện, còn Thảo nhận được quyết định làm trưởng khu vực ban sách cẩm nang thông tin, rồi phó ban sách quốc tế. Tháng 7-2004, chị được cử làm trưởng ban điều hành dự án quản lý 30 nhân viên bộ phận kinh doanh.

Thử thách nhất đối với họ là những lời từ chối: “Giám đốc đi họp ở Hà Nội tuần sau mới về!”. Đó là qua điện thoại. Còn xông pha lên tận phòng thì bị “giội nước lạnh”: “Tôi không có nhu cầu. Không thấy tôi đang bận à?”… Tuy nhiên, theo các cựu NVKD (nay đã là trưởng phòng, phó, tổng giám đốc) thì luôn tìm cách vượt qua thử thách ấy.

Phùng Lê Anh Tú - trưởng phòng kinh doanh Công ty Minh Minh An - cho biết: “Đúng nghĩa NVKD là làm việc trên hợp đồng, công việc mang tính chất giao dịch chứ không phải tiếp thị, bán lẻ. Còn khó khăn hay thuận lợi chủ yếu là do mình”.

Thấm thía những thử thách, Hoàng Thanh Toàn - NVKD Công ty Quảng cáo phát hành sách - rất quí trọng những cuộc hẹn với khách hàng; anh chuẩn bị rất kỹ không chỉ là công văn, hợp đồng, bảng giá mà cả tâm lý. Có rất nhiều kết quả bất ngờ, như có lần anh hướng cuộc nói chuyện với một giám đốc sang bình luận các trận đá bóng, đột nhiên giám đốc bảo đưa hợp đồng rồi ký luôn, ra khỏi phòng mà Toàn vẫn chưa hết bàng hoàng.

Hay có khi vừa mới khen những bức tranh treo tường hợp với nội thất thì giám đốc “tới” luôn: “Sáng kiến của tôi đó! Phòng họp, phòng khách, sân thượng cũng đều do một tay tôi mà ra đấy!”. Lúc này việc ký hợp đồng không còn là vấn đề nữa (!).

“Phải có suy nghĩ tích cực mới trụ nghề này được” - Ngọc Tuấn nói. Anh là chuyên viên phòng giáo dục của một tỉnh từng dấn thân làm NVKD cho A&B (công ty kinh doanh nước ngọt) với lương cơ bản, phụ cấp, xăng xe chỉ vỏn vẹn 800.000 đồng, lại mắc cỡ vì trước đó là cán bộ giáo dục... Và đó không phải là trường hợp cá biệt, nếu không muốn nói là... quá nhiều.

TẦN VY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên