![]() |
Công ty Viễn thông Rogers ký hợp đồng với Công ty Aliant để được quyền mắc nhờ dây cáp quang trên 91.000 trụ điện do Công ty Aliant quản lý. Được ba năm, Công ty Aliant thông báo hủy hợp đồng, đòi tăng phí “mắc nhờ” này lên ba lần. Rogers lấy hợp đồng ra, chỉ vào một câu để bảo Aliant không được chơi ăn gian như thế: “This agreement shall be effective from the date it is made and shall continue in force for a period of five (5) years from the date it is made, and thereafter for successive five (5) year terms, unless and until terminated by one year prior notice in writing by either party”. Đại khái phần đầu nói hợp đồng có giá trị trong năm năm và sau đó tự động được gia hạn từng năm năm. Rogers cho rằng phần sau - về chuyện một trong hai bên có thể thông báo trước một năm bằng văn bản để hủy hợp đồng - chỉ áp dụng cho các lần gia hạn.
Đến đây, ngữ pháp tiếng Anh được đưa ra để tranh cãi. Aliant cho rằng dấu phẩy trước cụm từ unless and until hàm ý phần đó áp dụng cho cả giai đoạn năm năm trước tiên lẫn các giai đoạn năm năm sau đó. Sau khi tham khảo các nhà ngữ pháp, Ủy ban Truyền thanh, Truyền hình và Viễn thông Canada xử Aliant thắng và Rogers phải gánh chịu thiệt hại lên đến chừng 2,3 triệu đôla. May mà trong tay Rogers còn một bản hợp đồng với nội dung tương tự bằng tiếng Pháp nhưng không có dấu phẩy nên bây giờ họ đang nộp hồ sơ kháng kiện. Canada là nước có đến hai ngôn ngữ chính thức là tiếng Anh và tiếng Pháp!
Liên quan đến từ ngữ tiếng Anh, tuần qua cũng xảy ra nhiều chuyện. Đầu tiên, hãng làm từ điển nổi tiếng Webster tuyên bố đã chọn được “từ trong năm” của năm 2006. Đó là từ CrackBerry - kết hợp hai từ crack (một loại ma túy mạnh) và BlackBerry (một loại thiết bị cầm tay giúp nhận, gửi e-mail mọi lúc, mọi nơi) - mang nghĩa nghiện nặng các thiết bị tương tự. Cụm từ diễn tả cảnh những người như thế say mê bấm bấm bàn phím là “Crackberry prayer”.
Vào vòng chung kết bình chọn năm nay có nhiều từ khác như Pluto (sao Diêm Vương, vừa bị loại khỏi danh sách các hành tinh của Thái Dương hệ nên sẽ có nhiều từ điển phải sửa lại mục từ này); neuroeconomics (ngành nghiên cứu các phản ứng tâm lý trong việc ra quyết định liên quan đến tiền bạc); carbon footprint (hoạt động thường nhật của con người tác động lên môi trường).
Tiêu chuẩn bình chọn, theo lời Tổng biên tập Michael Agnes, là “it’s merely one that made us chuckle, think, reflect, or just shake our heads”. Đúng là các từ này buộc chúng ta phải “cười thầm, ngẫm nghĩ hay chỉ biết lắc đầu”.
Kế đến là chuyện Thượng nghị sĩ John Kerry lỡ lời. Chuyện này các báo đã tường thuật khá kỹ, chỉ có điều ít báo nói rõ vì sao câu này gây phản ứng. Ông Kerry, trong một buổi nói chuyện với sinh viên ở California, đã khuyên họ học hành cho đàng hoàng, kẻo không thì họ sẽ “get stuck in Iraq”. Nguyên văn câu này: “You know education, if you make the most of it, you study hard, you do your homework, and you make an effort to be smart, you can do well. If you don’t, you get stuck in Iraq”. Ý ông Kerry muốn chơi chữ, nhắm đến chuyện chê các nhà làm chính sách đương quyền của Mỹ, vì thiếu nghiên cứu sâu, thiếu “học hành” đến nơi đến chốn nên nay bị sa lầy ở Iraq. (Báo Time lại giải thích ý ông Kerry muốn nói “you get us stuck”). Tuy nhiên, ý này làm sao rõ bằng nghĩa đen của nó, rằng nếu sinh viên không chịu học hành sẽ phải đi lính và kẹt chân ở Iraq. Nói thế là chạm đến tự ái của hàng trăm ngàn lính Mỹ nên cuối cùng ông Kerry phải xin lỗi. Mới hay chơi chữ không phải là chuyện dễ.
Trở lại chuyện ngôn ngữ chính thức ở đầu bài, có một điều ít ai biết - nước Mỹ chưa có ngôn ngữ chính thức và cho đến nay chỉ mới có 27 bang ở Mỹ công nhận tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức. Điều đó có nghĩa ở một số bang, chính quyền công nhận nhiều ngôn ngữ chính thức bên cạnh tiếng Anh như bang Louisiana (thêm tiếng Pháp), New Mexico (tiếng Tây Ban Nha). Phải đến tháng 5-2006, Thượng viện Mỹ mới có dự thảo sửa đổi, tuyên bố tiếng Anh là ngôn ngữ “quốc gia” của Mỹ (từ dùng là national language chứ không phải official language). Hiện nay dự thảo này đang nằm ở Hạ viện Mỹ.
Vì thế, nếu gặp câu “English has long been the de facto national language of the United States”, chúng ta hiểu người viết muốn nhấn mạnh từ de facto (trong thực tế) thường dùng để phân biệt với de jure (theo luật định). Nên nhớ, ngay cả Cục Điều tra dân số Mỹ (U.S. Census Bureau) khi in bảng câu hỏi điều tra phải dùng đến sáu thứ tiếng: tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Triều Tiên, tiếng Hoa, tiếng Việt và tiếng Tagalog (ngôn ngữ của người Philippines).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận