![]() |
Khám cho bệnh nhân tại Khoa chống độc Bệnh viện Bạch Mai |
Trong khoảng 10.000 loài nấm trên toàn thế giới, hiện nay ước tính có khoảng 50-100 loài gây độc.
Nấm là loại thực phẩm ngon và bổ được bán rộng rãi trên thị trường. Nấm được phân loại dựa theo độc chất có trong nấm, các triệu chứng và dấu hiệu lâm sàng do ngộ độc (NĐ) nấm gây ra. Tuy nhiên thực tế thì phân biệt giữa nấm độc và không độc rất khó (nhiều khi không thể phân biệt được) đặc biệt là nấm mọc hoang ở vườn, ruộng và nấm hái trong rừng.
Nấm độc có thể có màu sắc sặc sỡ nhưng nhiều loại có hình dáng rất giống nấm thường nhất là loại Amanita phalloide. Tỷ lệ tử vong do NĐ nấm rất cao, nếu ăn phải loại A. phalloide thì tử vong lên đến 90%. Theo phân tích số liệu của các trung tâm chống độc Mỹ, xác định chính xác loại nấm chỉ thực hiện được ở 3,4% các trường hợp. Vì vậy việc chẩn đoán chủ yếu dựa vào các triệu chứng lâm sàng và dịch tễ học.
Biểu hiện lâm sàng: chia làm hai nhóm là nhóm gây NĐ sớm và nhóm gây NĐ chậm.
Nhóm gây NĐ sớm: Bệnh nhân xuất hiện triệu chứng sau khi ăn nấm rất sớm trước 6 giờ. Loại này gồm các loại nấm coprinus, clitocybe, boletus, inocybe, psilocybin và psilicin. Loại NĐ này thường lành tính. Tùy thuộc loại nấm, có thể thấy:
- Hội chứng cholinecgic (nấm amanita muscaria):
+ Giãn mạch, vã mồ hôi, chảy nước dãi, chảy nước mắt, tiêu chảy.
+ Nhịp chậm, đồng tử co, hạ huyết áp.
- Hội chứng atropin (nấm amanita panthera) có nơi gọi là nấm sậy:
+ Giãy giụa, co giật, mê sảng.
+ Niêm mạc miệng và mắt khô.
+ Mạch nhanh, đồng tử giãn, đỏ da.
- Hội chứng tiêu hóa: tiêu chảy, nôn mửa.
- Ảo giác (ảo giác đơn giản): nhìn thấy các chấm sáng và chấm màu, hoặc các vạch nối nhau chạy trước mắt.
Nhóm gây NĐ chậm: Các triệu chứng xuất hiện muộn sau ăn nấm 6 giờ, đây là nhóm rất nguy hiểm, gồm các loại nấm thuộc nhóm amanita phalloid (đặc biệt là A.verna và A.virosa), có 6 độc tố: phallin (gây tan máu) phalloidin, phalloin, amanitin anpha, bêta, gamma: tập trung ở gan và gây viêm gan nhiễm độc; nấm gyromitrin (monomethylhydrazine), orellanine cũng rất độc.
Bệnh nhân ăn nấm này sau 6-12 giờ hoặc thậm chí sau 40 giờ mới bị đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy nhiều, đái nước tiểu vàng, da và củng mạc vàng dần, chảy máu chân răng, máu cam, nôn và đi ngoài ra máu, đái máu, đái ít dần và cuối cùng không có nước tiểu (vô niệu). Bệnh nhân thường tử vong nhanh chóng trong vài ngày do suy gan nặng (hoại tử tế bào gan), chảy máu nhiều nơi (do giảm yếu tố đông máu) và co giật.
Nhiều khi bệnh diễn biến 2 pha: pha 1 là các rối loạn tiêu hóa làm cho bệnh nhân phải đi cấp cứu. Các triệu chứng hồi phục và được cho ra viện. Pha 2 (muộn) một vài ngày sau bệnh nhân xuất hiện mệt mỏi, ăn kém, vàng da và mắt (biểu hiện viêm gan và suy tế bào gan). Do vậy chúng ta cần thận trọng khi bệnh nhân ăn nấm có các triệu chứng tiêu hóa xuất hiện muộn thì nên làm ngay các enzym gan và theo dõi tiến triển của enzym trong 5 ngày đầu.
Xét nghiệm đặc hiệu: Tìm amatoxin trong huyết thanh, nước tiểu hoặc dịch dạ dày bằng phương pháp miễn dịch phóng xạ hoặc sắc kí lỏng cao áp. Với phương pháp sắc kí lỏng cao áp có thể phát hiện độc chất trong huyết thanh sau 36 giờ và trong nước tiểu 4 ngày sau ăn nhưng phương pháp này rất đắt tiền và hiện nay chưa làm được ở nước ta.
Có thể chẩn đoán nhanh có phải nấm độc chứa amatoxin không bằng test Meixner. Nấm nghiền thành dung dịch rồi cho lên giấy bản thấm khô, sau đó nhỏ 1 giọt acid chlohydric nếu xuất hiện màu xanh chứng tỏ có amatoxin. Chú ý độ nhậy và đặc hiệu thấp nên không phải là xét nghiệm tin cậy, chỉ cho ta hướng chẩn đoán gợi ý.
Xét nghiệm không đặc hiệu: urê, creatinin, đường, điện giải đồ, transaminase, prothrombin, bilirubin, công thức máu, đông máu.
Chẩn đoán: Chủ yếu dựa vào hỏi bệnh và dịch tễ học, triệu chứng xuất hiện nhanh hay chậm. Yêu cầu bệnh nhân mang nấm tươi hoặc đã chế biến đến, nếu nấm đã ăn hết có thể lấy chất nôn hoặc nước tiểu để xét nghiệm.
Về điều trị: Loại bỏ chất độc nếu bệnh nhân đến viện sớm. Than hoạt 50g, sau đó 0,5g/kg mỗi 4-6 giờ. Sorbitol 1-2g/kg cân nặng chia 6 lần, uống cùng với than hoạt, điều chỉnh nước - điện giải, toan - kiềm và điều trị triệu chứng.
Với loại gây ngộ độc chậm gây suy tế bào gan nặng dùng thêm các thuốc như: silymarine (légalon): viên 70mg, uống 6 viên/ngày, N-acetylcystein (mucomyst) gói 200mg, uống 140mg/kg liều đầu, sau đó dùng 70mg/kg/lần cách mỗi 4 giờ cho tới khi men gan về bình thường. Ngoài ra dùng kháng sinh loại penicillin G 500.000ui/kg/ngày trong 3 ngày. Lọc máu ngoài thận khi có suy thận.
Chống rối loạn đông máu: truyền máu, huyết tương tươi, heparin nếu có đông máu trong lòng mạch lan tỏa.
Thuốc và dụng cụ cấp cứu ngộ độc:
- Dịch truyền và các dụng cụ truyền dịch.
- Bộ dụng cụ rửa dạ dày.
- Than hoạt: gói 20g.
- Thuốc tẩy: sorbitol.
- Thuốc: atropin, phenothiazin, N acetylcystein, penicillin, silymarine (légalon) tùy theo loại ngộ độc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận