Phóng to |
Lực lượng quản lý thị trường TP.HCM kiểm tra bắt giữ một vụ làm nhái quần áo thương hiệu Lacoste - Ảnh: T.V.N. |
Khảo sát tại thị trường TP.HCM cho thấy hàng giả, hàng nhái... không chỉ được sản xuất trong nước mà còn được nhập khẩu.
Ra chợ gặp hàng nhái
Chợ An Đông (Q.5, TP.HCM) là điểm bán sỉ có tiếng khắp khu vực Đông Nam bộ, với các mặt hàng thời trang phong phú về mẫu mã và thương hiệu. Quần áo nhái các mẫu sơmi, áo thun, quần jean... của thời trang Việt Thy, Ninomax, FOCI... khá phổ biến. Thậm chí nhiều sản phẩm còn gắn nhãn hiệu Việt Thy, FOCI trên cổ áo, nhái thiết kế của Ninomax, nhái mẫu váy, áo len khoác ngoài của nhãn hiệu Hà Gatini... Tuy nhiên giá chỉ bằng một nửa so với hàng chính hãng.
Ví dụ, giá một chiếc áo len chỉ 130.000 đồng, trong khi chiếc áo tương tự của Hà Gatini tới gần 300.000 đồng. Một số tiểu thương chợ An Đông cho hay phần lớn hàng nhái do các cơ sở gia công tại TP.HCM làm. Một số là các đầu mối nhập hàng từ Trung Quốc, Thái Lan. Hàng Trung Quốc thường nhái các loại quần jean và áo kiểu.
Hàng giả bị bắt giữ ngày càng tăng Theo Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM, số lượng các vụ hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ bị bắt giữ trong quý 1 tăng đến hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính đến thời điểm này, các vụ đã được kết luận là hàng giả khoảng 122 vụ, chưa kể nhiều vụ việc khác đã bị bắt giữ nhưng còn đang làm rõ. Trong đó, các nhóm hàng bị làm giả chủ yếu vẫn là hàng tiêu dùng, thời trang, bánh kẹo, mỹ phẩm... Đa số đều là hàng nhập lậu từ Trung Quốc. |
Mũ bảo hiểm cũng là một trong những mặt hàng đang dẫn đầu về tình trạng bị làm giả, làm nhái quy mô lớn. Trung tâm Tiêu chuẩn kỹ thuật đo lường chất lượng 3 cho biết hầu hết mẫu mũ vừa được chứng nhận hợp quy và đưa ra thị trường là lập tức ở các điểm bán lẻ, vỉa hè đã có loại mũ nhái y chang. Giá “vỉa hè” chỉ 30.000 đồng/chiếc, còn giá bán tại một số cửa hàng 50.000-70.000 đồng/chiếc.
Thời gian gần đây, Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM liên tục bắt giữ các điểm làm giả, làm nhái mũ bảo hiểm trên địa bàn TP. Trong đó có những điểm đang sản xuất với quy mô lớn, kho hàng chứa đến hàng ngàn chiếc mũ.
Vẫn theo Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM, mắt kính, đồng hồ, bánh kẹo, nước uống... là những mặt hàng bị làm nhái phổ biến. Mới đây, một doanh nghiệp vừa đưa ra thị trường loại kẹo mút hình ngôi sao sáu cánh Chupa Chups, ngay lập tức đã có cơ sở làm sản phẩm nhái tương tự. Sản phẩm kẹo mút Golia cũng bị làm nhái y chang về kiểu dáng chiếc kẹo và bao bì bên ngoài với tên Gogola, Colia, Comia...
Bà Hoàng Thị Thu Hiền, tổng giám đốc Công ty TNHH đầu tư và xuất nhập khẩu Thu Hiên, cho biết đã phải “chiến đấu” nhiều năm với hàng giả, hàng nhái trên thị trường. Theo bà Hiền, khi sản phẩm bột rau câu dẻo của công ty được ưa chuộng trên thị trường vào năm 2007 cũng là lúc hàng nhái, sao chép hình ảnh, bố cục thiết kế bao bì sản phẩm tung hàng ồ ạt với giá rẻ hơn chiếm lĩnh thị phần. Từ đó đến nay, tình trạng nhái sản phẩm của Công ty Thu Hiên vẫn chưa thể giải quyết.
Doanh nghiệp sợ mất uy tín
Ông Lê Hữu Lộc, giám đốc Công ty TNHH sản xuất và thương mại Nhân Lộc (đơn vị sản xuất và kinh doanh mỹ phẩm), cho biết khó khăn lớn nhất mà doanh nghiệp đang phải chịu là hàng nhái, hàng giả bán tràn lan và không ngừng gia tăng. “Nhãn hiệu vừa được người mua chấp nhận thì hàng giả, hàng nhái xuất hiện và nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần. Thậm chí có sản phẩm bị làm giả từ Trung Quốc nhập vào VN nên không ít người tiêu dùng nhầm lẫn”, ông Lộc bức xúc.
Bà Đặng Quỳnh Đoan, giám đốc Công ty thời trang Việt Thy, cho biết mỗi lần tung ra một bộ sưu tập thì hàng giả, hàng nhái “cóp” đến 20-30% tổng số mẫu. Tuy nhiên, hàng dỏm khác về chất liệu và kỹ thuật may. Theo bà Đoan, ảnh hưởng về mặt kinh doanh thực chất không nhiều nhưng về uy tín thì không thể tính hết. Đã không ít lần Việt Thy phải giải quyết những sản phẩm được người tiêu dùng mang đến không phải do công ty sản xuất, với các khiếu nại liên quan đến chất lượng sản phẩm.
Ông Phan Văn Kiệt, phó tổng giám đốc Tổng công ty Việt Tiến, cho hay mỗi năm công ty phải chi 3-5 tỉ đồng cho công tác quảng bá, tuyên truyền về cách thức nhận dạng cửa hàng, logo, sản phẩm Việt Tiến thật... Thậm chí lập cả “đội quân” chuyên dò la những nơi kinh doanh, các cơ sở sản xuất hàng nhái thương hiệu của Việt Tiến để thu thập chứng cứ, phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý. Tuy nhiên, ông Kiệt cho rằng để loại bỏ hàng giả, hàng nhái “rất cần sự hợp tác của người tiêu dùng thông qua việc tìm đến những cửa hàng, đại lý chính thức của Việt Tiến”.
Theo bà Đoan, việc đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp cho từng bộ sưu tập không khả thi vì sẽ làm tăng chi phí, thời gian của nhà sản xuất. “Giải pháp tốt nhất là phức tạp hóa sản phẩm của mình, nâng cao chất lượng sản xuất và quảng bá sản phẩm mới một cách đồng bộ, tập trung trên diện rộng”. Ví dụ, thay vì chọn các chất liệu đơn giản dễ tìm, Việt Thy tích cực săn lùng và đặt hàng các nơi cung cấp nguyên liệu, chất liệu đòi hỏi hoa văn, họa tiết rất sắc sảo, chi tiết.
Vướng ở quy định Theo ông Lý Ngọc Thắng, đội trưởng đội quản lý thị trường 3A, việc xử lý các vụ làm giả, làm nhái đang bị vướng ở quy định doanh nghiệp đi khiếu nại phải chứng minh cụ thể thiệt hại mà hàng giả, hàng nhái gây ra. Ông Thắng cho biết đã có nhiều doanh nghiệp gửi đơn đề nghị giải quyết về tình trạng trên nhưng đều chưa thể xử lý vì không chứng minh được thiệt hại cụ thể. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận