Có lẽ cũng vì cái sự thật thà ấy, người dẫn chương trình đêm thơ Hàn Mặc Tử - Xuân Diệu đã rối rít xin lỗi vì lý do trời mưa và chuyển địa điểm nên có thiếu sót trong việc giới thiệu các vị đại biểu. Thỉnh thoảng đêm thơ lại ngừng để ban tổ chức giới thiệu bổ sung những vị khách bị sót tên hoặc đến trễ. Với sự chân thành và chân quê đó, những vị khách quý X, Y, Z cũng khó mà giận lâu cho được.
Những ngày diễn ra festival, trời Bình Định lại mưa như trút nước dù trước đó nắng nóng đến rát mặt. Mưa khiến đất trời mù mịt, nhiều hoạt động bị gián đoạn hoặc bỏ dở, lòng người như lửa đốt bởi bao nhiêu công sức, tiền của, tâm huyết đã bỏ ra. Có lẽ vì thế mà trong đêm khai mạc, các nghệ sĩ vẫn cố hát và diễn giữa cơn mưa nặng hạt và sấm chớp. Khán giả vẫn tiếc rẻ cố nán lại xem cho đến khi không thể thấy hay nghe gì được nữa do mưa.
Mưa cũng không ngăn cản được đông đảo người dân đến xem hoa đăng trên đầm Thị Nại, đến nghe bình thơ Hàn trên đồi Thi Nhân. Cũng giống như cái nô nức của liên hoan tuồng truyền thống, sự rộn ràng của liên hoan võ thuật quốc tế, lễ rước vua Quang Trung...; khán giả Bình Định vẫn là nhân tố số một của festival - hồn nhiên và đầy tính lễ hội.
Những vị lãnh đạo của Bình Định cũng thật thà thừa nhận xứ sở này không có được sự ưu ái đặc biệt nào của trời đất, từng chịu binh lửa liên miên, lại là một vùng đất mới với thiên nhiên hoang dại, khí hậu khắc nghiệt... Nhưng chính từ nơi này, những tinh hoa võ Việt được hình thành, những giá trị vĩnh hằng của tuồng cổ được ẩn chứa, những bất ngờ của thi ca được nhào nặn, những đại anh hùng áo vải được sinh ra.
Đó là lý do để người Bình Định tự hào và làm festival - dẫu vẫn còn nhiều điều chưa thật tròn trịa và thuyết phục giữa thời buổi khó khăn chung, nhưng dù sao vẫn để lại trong lòng du khách cảm giác dễ chịu về một "festival thật thà”...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận