09/09/2007 13:02 GMT+7

Dấu ấn văn hóa Việt qua sách tranh khắc của Henri Oger

Theo THU NGÂNDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
Theo THU NGÂNDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần

Từ 30-8 đến 30-9-2007, tại Thư viện Khoa học tổng hợp (KHTH) TP.HCM diễn ra triển lãm “Kho tàng di sản tài liệu quý của Việt Nam” do Tổng lãnh sự quán Pháp phối hợp tổ chức, nhằm giới thiệu dự án số hóa kho tài liệu Pháp ngữ cổ (trước năm 1937).

uN39c6ip.jpgPhóng to
Bà Nguyễn Thị Bắc - Giám đốc Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM giới thiệu quyển sách Kỹ thuật của người An Nam với khách tham quan triển lãm trong ngày khai mạc
Từ 30-8 đến 30-9-2007, tại Thư viện Khoa học tổng hợp (KHTH) TP.HCM diễn ra triển lãm “Kho tàng di sản tài liệu quý của Việt Nam” do Tổng lãnh sự quán Pháp phối hợp tổ chức, nhằm giới thiệu dự án số hóa kho tài liệu Pháp ngữ cổ (trước năm 1937).

Nhờ dự án này, các nhà nghiên cứu và công chúng sẽ có điều kiện tiếp cận nhiều bản chuyên khảo, báo, tạp chí… điều mà từ trước đến nay rất khó thực hiện do các quy định về bảo quản tài liệu cổ.

Tại triển lãm, lần đầu tiên quyển sách khổ lớn Kỹ thuật của người An Nam của tác giả Henri Oger cùng 100 bức tranh chọn lọc in lại từ bản gốc được trưng bày. Đây là tác phẩm thuộc hàng quý hiếm nhất trong kho sách cổ được lưu giữ tại thư viện, gồm 700 trang với hơn 4.000 hình ảnh có giá trị không chỉ về kỹ thuật, mà còn phản ánh văn hóa của người Việt Nam ở một giai đoạn nhất định của lịch sử.

Làm sách từ tình yêu Việt Nam

Chàng thanh niên Henri Oger đậu tú tài năm 1905 khi vừa 20 tuổi, sau đó theo học tại các trường École Coloniale, École Pratique des Hautes Études, rồi từng làm quản lý viên trong cơ quan hành chính dân sự của chính quyền Đông Dương. Trong hai năm làm việc tại Việt Nam (1908 -1909), cuộc sống với những nét văn hóa ở đây đã có sức hút đặc biệt với Henri. Công việc đòi hỏi ông phải tiến hành nghiên cứu về những thao tác và nghề nghiệp thủ công của người Việt Nam để xây dựng, thống kê các thuật ngữ kỹ thuật, sau đó nghiên cứu sâu về gia đình người Việt.

nEuK4Rqk.jpgPhóng to ZD4dBaDk.jpg
Lau tượng Phật Dựng nêu ngày Tết

Đã tham gia nhiều dự án, nhưng có lẽ qua trọng nhất là ông có dịp nghiên cứu thực địa về nền văn minh vật chất của người Việt Nam và các khía cạnh về xã hội học, một lĩnh vực khi đó có rất ít người “nhúng tay” vào. Ông xác định trước hết phải tiến hành thống kê, làm danh mục ở quy mô rộng, vì “ở Việt Nam có quá thừa các loại từ điển và quá thiếu những nghiên cứu thực sự mang tính xã hội và dân tộc học”. Như một duyên nợ, cái mà lẽ ra chỉ là một thống kê các thuật ngữ kỹ thuật, sau nhiều khó khăn nhưng với quyết tâm, cuối cùng đã trở thành một công trình khổng lồ của Henri, tập hợp hơn 4.000 bức tranh khắc.

Bằng tất cả niềm yêu thích, hứng thú với công việc, chàng trai người Pháp không ngại khó, cất công tìm hiểu, nghiên cứu để cho ra đời quyển sách Kỹ thuật của người An Nam, gồm những bài viết và hình ảnh minh họa về cuộc sống, sinh hoạt của người Việt Nam hồi đầu thế kỷ XX. Suốt một năm, Henri cùng với một người thợ vẽ rong ruổi khắp các đường phố để phác họa lại trên giấy những hình ảnh phản ánh đời sống của người đất Hà thành từ sản xuất, buôn bán đến vui chơi, tập tục…

NXckNc4i.jpgPhóng to qukwGGsH.jpg
Quan đi tuần Múa lân

Với thái độ làm việc nghiêm túc, cẩn thận, đảm bảo tính trung thực, chính xác, sau khi phác họa tranh xong, Henri mời người dân kiểm tra lại trước khi chuyển đến cho những người thợ khắc gỗ ở Hà Nội thực hiện bằng kinh phí do quyên góp mà có, vì không có sự hỗ trợ của nhà xuất bản hay nhà in nào.

Một công trình giá trị bị bỏ quên

Với những nghiên cứu có một không hai về văn minh vật chất, lưu giữ những kỹ thuật, thao tác nghề thủ công và phong tục, lối sống của người Việt Nam xưa, quyển sách của Henri Oger thực sự là một công trình có giá trị rất lớn. Tác phẩm được xuất bản thành hai phần. Phần đầu là tranh với nội dung rất phong phú, đòi hỏi người thực hiện phải tìm hiểu rất sâu sát, kỹ lưỡng mới tái hiện được.

mZ7wUU8i.jpgPhóng to LRCWWpCi.jpg
Trị mụt mắt Bế con qua bóng voi

Có thể thấy chất dân gian rất đậm qua những bức ký họa Trị mụt mắt, Đánh vợ, Đám rước, Dựng nêu đón Tết, Thiến trâu, Chọi gà, Dạy con, Thầy đồ, Cất vó, Cắt cỏ tranh…, tất cả đều được đánh số thứ tự rõ ràng trên tranh. Phần hai là tài liệu do Henri Oger quan sát, ghi chép lại, được chia thành bốn chương: Những kỹ thuật khai thác nguyên vật liệu từ thiên nhiên; Chế biến, gia công; Sử dụng nguyên vật liệu đã được gia công, chế biến và Đời sống cá nhân và tập thể của người Việt Nam.

Do thiên về tính kỹ thuật và không chú ý đến việc phổ biến, từ khi xuất bản vào thời Pháp thuộc, tác phẩm của Henri Oger không được mấy người biết đến, bị bỏ quên vài thập niên. Mãi đến năm 1978, công trình này mới được nhắc tới tại một cuộc triển lãm ở Pháp với tên gọi “Những họa sĩ nông dân của Việt Nam”.

Ngày nay, tác phẩm của ông đã được nhìn nhận, trả lại đúng vị trí quan trọng, bởi cùng với thời gian, ông đã làm được việc ý nghĩa là lưu giữ lại những dấu ấn đời sống, kỹ thuật của người Việt Nam mà sự phát triển của xã hội đã đẩy chúng vào quá khứ và bị mai một dần. Hiện chỉ còn lại ba bản gốc của tác phẩm này mà Thư viện KHTH TP.HCM là nơi duy nhất lưu giữ trọn bộ.

Sách cổ đang được khôi phục

Dự án này khởi nguồn từ nhận định rằng các thư viện tại Việt Nam, Lào, Campuchia đang lưu giữ rất nhiều tài liệu bằng tiếng Pháp có từ hồi thuộc địa, khoảng từ 1858 đến 1954. Đây là một kho tàng quý, chứa đựng khối kiến thức khoa học khổng lồ về các nước Đông Dương, rất cần thiết cho công tác nghiên cứu. Tiếc rằng kho tàng này bị ngủ quên, và chúng cũng có nguy cơ bị hư hại nặng.

DCpdsF19.jpgPhóng to RJbLB0bT.jpg
Cắt cỏ tranh Trèo hái cau

Để nhanh chóng cứu lấy kho tàng di sản chung này, công trình số hóa kho tài liệu Pháp ngữ cổ được thực hiện trong khuôn khổ dự án của Quỹ Đoàn kết ưu tiên VALEASE (Phát huy mạng lưới phát hành sách và thư viện tại Đông Nam Á) được tài trợ bởi Chính phủ Pháp, do Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam và Bộ Ngoại giao Pháp phối hợp cùng một số thư viện tại Việt Nam (Thư viện Quốc gia Hà Nội, Thư viện KHTH TP.HCM) thực hiện từ năm 2004.

Quá trình “số hóa” được giao cho Dirox - một công ty phát triển phần mềm của Pháp tại Việt Nam đảm trách. Toàn bộ các tài liệu sau khi số hóa sẽ được tập hợp tại Bibliotheca Vietnamica - thư viện điện tử đầu tiên ở Việt Nam, cũng là một phần của Bibliotheca Indosinica - thư viện điện tử lưu giữ những tài liệu cổ của ba nước Đông Dương (hiện có hơn 3.200 tài liệu), riêng Thư viện KHTH TP.HCM đến nay đã có 1.200 tài liệu được số hóa.

Các ấn phẩm số hóa do chuyên gia người Pháp tuyển chọn, dựa trên những tiêu chí như giá trị khoa học và thẩm mỹ, số lượng bản in hiện còn giữ, tình trạng bảo quản… Dự án số hóa này hướng đến hai mục tiêu quan trọng là bảo vệ, giữ gìn di sản văn hóa quốc gia, cũng là một di sản thế giới và để giới thiệu rộng rãi đến công chúng.

Theo THU NGÂNDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên