31/01/2010 23:05 GMT+7

Dấu ấn của họa sĩ Việt kiều Trần Văn Tâm

Theo LÊ BẢNDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
Theo LÊ BẢNDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần

Đang sống và sáng tác tại Los Angeles, Trần Văn Tâm là một trong số không nhiều các nghệ sĩ tạo hình gốc Việt có những thành công đáng chú ý, có tác phẩm góp mặt trong nhiều bộ sưu tập ở các bảo tàng lớn và có các triển lãm gây được tiếng vang tại Mỹ.

uKpspIZW.jpgPhóng to
Cánh bướm bí ẩn nhất

Tháng 5-2009, trong dịp kỷ niệm 40 năm ngày thành lập, Bảo tàng Mỹ thuật San Jose đã tổ chức triển lãm tác phẩm của hai họa sĩ gốc Á nổi tiếng của bang California, trong đó Trần Văn Tâm giới thiệu tác phẩm Cánh bướm bí ẩn nhất (Most Secret Butterfly) pha trộn giữa hội họa và điêu khắc, có kích thước lớn, được thực hiện bằng chất liệu tổng hợp gồm acrylic, sơn, chì màu cùng các chất liệu tự nhiên như tảo biển, diệp lục tố vẽ trên toan và giấy, sau đó những tranh vẽ được cắt, xé ra thành những dải và được kết lại trên một mặt phẳng ba chiều bằng hàng ngàn đinh đóng sách, trông như một con bướm kỳ lạ khổng lồ.

Một con bướm đẹp nhưng không tồn tại trong một thế giới đã và đang bị nhiễm độc từng ngày như trên hành tinh của loài người! Triển lãm của Trần Văn Tâm và người đồng nghiệp là họa sĩ gốc Ấn Độ Bari Kumar tại Bảo tàng San Jose có tên gọi “Những biến tấu trên một chủ đề” sẽ kéo dài đến hết tháng 1-2010.

Xóa nhòa ranh giới giữa hội họa và điêu khắc

WgZyTNno.jpgPhóng to

Triển lãm cá nhân của Trần Văn Tâm

Một mốc quan trọng trong sự nghiệp nghệ thuật của Trần Văn Tâm là năm 2004, anh đã được chọn tham dự một triển lãm lưỡng niên vào loại danh giá nhất tại Mỹ: Biennale của Bảo tàng Mỹ thuật Whitney ở New York. Các biennale của bảo tàng này luôn có quy mô khổng lồ với số lượng tác giả cùng tác phẩm lớn nhất, được biết đến rộng rãi khắp thế giới, thu hút đông đảo các nhà báo, nhà nhiếp ảnh cũng như khách thưởng lãm từ khắp thế giới.

Biennale 2004 của Bảo tàng Whitney thu hút sự quan tâm của công chúng bằng các tác phẩm giàu tính sáng tạo, được thực hiện bằng các thủ pháp, kỹ thuật gây ấn tượng nhất. Và tác phẩm tạo được tiếng vang nhất chính của Biennale 2004 là Beetle Manifesto IV của Trần Văn Tâm. Được thực hiện bằng tảo biển nhuộm màu tự nhiên, thêm chất kết dính, lá nhôm, giấy cùng với hàng ngàn chiếc kim đóng sách, tác phẩm ấy trông giống như một mảng rừng Amazon bị xé nát và vò nhàu nhĩ như… giẻ rách!

Trong các triển lãm sau đó, các tác phẩm của Trần Văn Tâm cũng vẫn thể hiện thông điệp của người nghệ sĩ trước tình trạng môi trường bị tàn phá nặng nề tương tự Beetle Manifesto IV.

Buổi đầu đi vào hành trình nghệ thuật của mình, Trần Văn Tâm chỉ vẽ tranh acrylic, nhưng những bức tranh của thời kỳ ấy không để lại nhiều dư âm. Tên tuổi người nghệ sĩ gốc Việt chỉ được biết đến nhiều khi tác phẩm của anh phá vỡ ranh giới giữa hội họa và điêu khắc nhờ cách sử dụng hàng loạt thủ pháp cùng hàng loạt chất liệu, tạo nên những bố cục trừu tượng từ cực nhỏ đến mức hoành tráng không bờ bến.

Một phong cách tạo hình độc đáo

uXaCaGkd.jpgPhóng to
Beetle Manifesto IV
zNE6dpDO.jpgPhóng to
Một tranh vẽ ở thời kỳ đầu

Tác phẩm của Trần Văn Tâm còn là sự pha trộn giữa đổi thay và ngưng trệ, giữa trừu tượng và điển hình, giữa cái tế vi và thô ráp của cuộc đời, giữa tự nhiên hoang dã với quy trình sản xuất công nghiệp của loài người và chúng được thể hiện rõ nét qua sự kết hợp giữa chất liệu từ thực vật hữu cơ và màu công nghiệp trong các sáng tác.

Có thể nói những chất liệu được Trần Văn Tâm sử dụng là “phi truyền thống” của hội họa phương Tây và hai loại màu lấy từ thực vật tự nhiên là tảo biển và chất diệp lục từ lá cây là phát hiện mới của Trần Văn Tâm vì chúng không chỉ là màu sắc tượng trưng cho cuộc sống, mà còn là cứu tinh của một thế giới bị thương tổn nặng nề do các loại chất thải độc hại gây ra.

Mặt khác, có thể tìm thấy trong tác phẩm của anh những yếu tố của tranh thủy mặc phương Đông, những họa tiết đậm nét Phật giáo và ngôn ngữ cổ Sankrit cũng như những dấu vết của thời đại kỹ thuật số và xa hơn nữa là thời tương lai của nhân loại. Sáng tác của anh là tiếng thét quyết liệt trước vấn nạn môi trường, đồng thời cũng là những suy tưởng lặng lẽ, trầm mặc của tác giả.

Joanne Northrup, nhà tuyển trạch chính của Bảo tàng San Jose nhận định: “Chất liệu khác thường và thành quả của phương pháp sáng tác khiến tác phẩm của Trần Văn Tâm đẹp lạ lùng. Cùng lúc, ông đưa ra những chú giải về thế giới tự nhiên, thế giới công nghiệp và cả thế giới khoa học viễn tưởng. Bạn sẽ có một cảm xúc mạnh mẽ khi được thưởng ngoạn một tác phẩm như thế, bởi nó biểu thị phong cách quan trọng nhất đã thành danh của người nghệ sĩ này”.

Một lần nữa, Trần Văn Tâm được mời dự Biennale 2010 của Bảo tàng Whitney.

Trần Văn Tâm sinh năm 1966 tại Kon Tum, năm 1975 theo gia đình sang Hoa Kỳ và định cư tại thành phố Denver, bang Colorado. Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành điện ảnh và truyền hình tại Đại học California ở Los Angeles, anh theo học hội họa tại Viện Mỹ thuật Pratt ở New York.

VBefGt7a.jpgPhóng to
Trần Văn Tâm bên một bức tranh của anh

Hiện sống và sáng tác tại Los Angeles, Trần Văn Tâm đã tham dự hàng chục triển lãm nhóm và có mười triển lãm cá nhân tại nhiều gallery, bảo tàng tại Mỹ và một số nước trên thế giới. Tác phẩm của anh đã được đưa vào bộ sưu tập tại Bảo tàng MoMA (New York), Bảo tàng và Vườn tượng Hirshhorn ở Washington D.C, Bảo tàng Mỹ thuật Cleveland… Anh đã nhận được nhiều giải thưởng mỹ thuật tại Hoa Kỳ như Joan Mitchell Foundation và Pollack Krassner Fellowship.

Nhân chuyến về thăm quê hương của Trần Văn Tâm năm ngoái, vào ngày 18/2/2009 tại TP. Hồ Chí Minh, Himiko Visual Café đã phối hợp với Sàn Art tổ chức buổi nói chuyện và giao lưu giữa anh với nghệ sĩ đương đại Bruce Yonemoto.

Theo LÊ BẢNDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên