12/11/2020 10:30 GMT+7

Đập đẩy mặn, giữ ngọt miền Trung có hiệu quả

T.D.V
T.D.V

Nhiều năm qua, các tỉnh thành miền Trung đều đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn nước, xâm nhập mặn diễn ra gay gắt và kéo dài, làm mất an toàn nguồn nước ngọt cung cấp hoạt động sản xuất, sinh hoạt.

Đập đẩy mặn, giữ ngọt miền Trung có hiệu quả - Ảnh 1.

Hệ thống 6 cửa đập ở sông Dinh (Ninh Thuận) góp phần ngăn mặn xâm nhập. Ảnh: DWC

Ứng phó nguy cơ đó, một số tỉnh TP đã chủ động xây dựng các công trình ngăn mặn, giữ ngọt, đảm bảo an toàn cho nguồn nước thô các nhà máy nước đã phát huy hiệu quả rõ rệt.

Làm đập đa mục tiêu

TP Nha Trang (Khánh Hòa) từng là địa phương thiếu nước ngọt trầm trọng do sông Cái nhiễm mặn. Trước tình thế cấp bách, tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo xây dựng ngay đập tạm và sau đó phê duyệt dự án xây dựng đập ngăn mặn trên sông Cái Nha Trang. Đập vừa khởi công xây dựng với tổng vốn đầu tư gần 760 tỷ đồng (nguồn vốn hỗ trợ trung ương và đối ứng của tỉnh), gồm xây dựng đập ngăn mặn dạng trụ đỡ, đóng mở bằng cửa van, phía trên bố trí cầu giao thông. Đập gồm 5 khoang, mỗi khoang rộng 30m, kết cấu bằng thép không gỉ, đóng mở bằng xi lanh thủy lực.

Đập ngăn mặn này mục tiêu ngăn chặn tình trạng nhiễm mặn sông Cái Nha Trang vào mùa khô, đảm bảo mặt cắt thoát lũ vào mùa mưa, đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho khoảng 500 nghìn dân TP Nha Trang, một phần huyện Diên Khánh, nước cho hoạt động du lịch, sản xuất kinh doanh và nguồn nước ngọt phục vụ 2.000ha sản xuất nông nghiệp 2 bên bờ sông. Dự án còn kết hợp giao thông qua sông Cái theo đường vành đai 2, cải thiện điều kiện giao thông.

Còn ở đập ngăn mặn Lại Giang (Bình Định) quy mô cao 10m, dài 152m, phía trên kết hợp làm đường giao thông. Có 10 khoang cửa xả lũ, mỗi khoang rộng 12m, tạo nguồn nước tưới ổn định cho 900ha đất nông nghiệp, bổ sung nước ngầm, tạo nguồn cấp nước sinh hoạt cho 47 nghìn dân huyện Hoài Nhơn, góp phần giảm thiểu thiệt hại trong mùa mưa lũ.

Ở tỉnh Ninh Thuận, dự án đập hạ lưu sông Dinh đầu tư gần 700 tỷ đồng từ nguồn vốn Chính phủ. Dự án gồm gồm 7 trụ, 6 khoang điều tiết, mỗi khoang rộng 37,8m có thể đồng loạt nâng lên, hạ xuống để xã lũ hoặc tích nước tạo thành hồ nước ngọt dung dích 3,5 triệu m3. Song song hệ thống đập là cầu giao thông và đường nối tiếp tiêu chuẩn đường đô thị gồm 4 làn xe và 2 làn người đi bộ. Dự án góp phần cung cấp nước tưới phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân dọc hai bờ sông Dinh, kết hợp với giao thông, phát triển du lịch ven sông…

Đây cũng chính là giải pháp mà một số địa phương khu vực miền Trung đang làm, hiện mang lại hiệu quả tích cực. Cụ thể như đập ngăn mặn sông Hiếu (Quảng Trị); đập Thạch Nham, Trà Khúc (Quảng Ngãi); Thảo Long (sông Hương). Viện khoa học thuỷ lợi VN đánh giá đập Thảo Long là công trình ngăn mặn giữ ngọt phát huy tác dụng trong việc khai thác nguồn nước phục vụ đa mục tiêu cho tỉnh TT Huế.

Đà Nẵng có cần làm đập ngăn mặn?

Ông Hồ Minh Nam, phó tổng giám đốc Dawaco chia sẻ: "Từ tháng 7- 2019, công ty đã phối hợp với đơn vị tư vấn và trình bày cho lãnh đạo TP phương án xây dựng công trình ngăn mặn trên sông Cẩm Lệ, kết hợp nâng cấp mở rộng cầu Hòa Xuân". Dự án dự kiến sẽ ứng dụng công nghệ đập trụ đỡ (được chuyên gia nghiên cứu từ những năm 1995) với nguyên lý là đưa toàn bộ lực tác dụng vào công trình về các trụ riêng biệt, sau đó truyền xuống nền thông qua đài cọc và hệ cọc đóng sâu vào nền. Chống thấm cho công trình là hàng cừ đóng sâu vào nền đất và đầu cừ được liên kết với dầm đỡ van và đài cọc.

Đập đẩy mặn, giữ ngọt miền Trung có hiệu quả - Ảnh 2.

Mô hình dự án nâng cấp mở rộng cầu Hòa Xuân với làm đập ngăn mặn hạ lưu sông Cẩm Lệ. Ảnh: DWC

Ưu điểm của đập trụ đỡ là giảm chi phí đầu tư xây dựng, đặc biệt có hiệu quả cao khi ngăn các sông lớn, các trụ đỡ và các dầm đáy của đập được thi công khô trong khung vây cừ ván thép, lắp ghép mà không cần làm khô hố móng. Do đó không phải đào kênh dẫn dòng, mất ít đất xây dựng, không làm thay đổi cảnh quan môi trường và đặc biệt là có thể xây dựng cống với khẩu độ lớn, cũng như kết hợp làm cầu giao thông hiện đại theo hình thức trên là cầu, dưới là cống.

Theo ông Nam, đây có lẽ là thời điểm cần xem xét, đánh giá lại đề xuất này để sớm triển khai kết hợp vừa đảm bảo an toàn nguồn nước thô cho NMN Cầu Đỏ, vừa tiết kiệm được chi phí đầu tư và tăng thêm quy mô, tính thẩm mỹ cho cầu Hòa Xuân khi được mở rộng nâng cấp.

T.D.V
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên