12/06/2007 17:55 GMT+7

"Đào vàng" từ rác thải điện tử

K.Linh (theo Reuters)
K.Linh (theo Reuters)

TTO - Không khẩu trang, không có thiết bị bảo hộ, chỉ có một số ít đi găng tay mỏng, những người lao động ở thị trấn Quế Vũ (phía nam Trung Quốc) đang cặm cụi đãi "vàng" trên dòng suối khô cạn có linh kiện máy tính cũ.

d9lSJYPR.jpgPhóng to
Người lao động đang khai thác "vàng" từ rác thải công nghiệp - Ảnh: Reuters

Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, mỗi năm có khoảng 50 triệu tấn rác thải điện tử nhập lậu vì nhu cầu nâng cấp máy tính và vứt bỏ mẫu cũ. China Quality News ước tính, 72% số rác thải đó dừng chân ở Trung Quốc.

Theo Nhân dân Nhật báo, Quế Vũ có khoảng 5.500 doanh nghiệp khai thác chất thải điện tử, cung cấp việc làm cho hơn 30.000 người. Ước tính ngành công nghiệp của thành phố này trị giá 1 tỷ nhân dân tệ (tương đương 130,9 triệu USD). Tuy nhiên, công nhân chỉ được trả không đến 3 USD/ngày.

“Công nhân không bao giờ được hưởng thành quả lao động xứng đáng”, chuyên gia Lai Yun làm việc cho tổ chức Hoà bình Xanh mô tả bức tranh những người bán mặt cho đất bán lưng cho trời, thậm chí bị thương do linh kiện máy tính nổ.

“Ông chủ thu được nhiều tiền nhất. Công nhân chẳng có gì cả, dù họ luôn sẵn sàng làm công việc có hại cho sức khoẻ”, chuyên gia Lai Yun nói.

Hầu hết mắc bệnh

Trong quá trình xử lý, công nhân, trong đó có phụ nữ và trẻ em, bị nhiễm một số chất hoá học. Tuy nhiên, doanh nghiệp nhỏ thì chẳng có biện pháp đảm bảo an toàn nào để bảo vệ người làm việc. Theo báo chí Trung Quốc, ở Quế Vũ, cứ 10 người, có 9 người mắc bệnh da liễu, thần kinh, hô hấp hay tiêu hoá.

Sau khi lấy được kim loại quý, phần còn lại của thiết bị được đổ ra các bãi đất, xuống sông hoặc đốt. Những đống máy tính cũ thậm chí còn làm ách tắc giao thông tại một số nơi ở Quế Vũ.

“Người ta đầu tư ít nhất, dùng thiết bị đơn giản nhất, tiêu tốn ít thời gian nhất để kiếm nhiều lợi nhuận nhất”, Nie Yongfeng, giáo sư môi trường ĐH Thanh Hoa (Bắc Kinh), nhận xét. “Đó là những gì người ta quan tâm”.

Phóng viên và những nhà hoạt động môi trường không được đón mừng. Doanh nhân địa phương sợ những bài báo chỉ trích vì chính quyền có thể không cho phép nhập rác thải công nghiệp nữa và thế là họ không còn tiền nữa.

Giáo sư Nie khẳng định bản thân chính phủ cũng muốn kiểm soát tình hình. “Vấn đề là không thể quản lý kênh ngầm”, ông cho biết. “Tình hình Trung Quốc hiện nay cũng giống như ở Nhật Bản và Mỹ trước đây. Chính phủ có biện pháp, nhưng gần như không thể kiểm soát những gì diễn ra trong thế giới ngầm”.

Rác thải điện tử không được xuất khẩu nếu không có sự đồng ý của nước nhập. Theo Greenpeace, để vượt qua quy định này, rác thải được dán mác “máy tính đã qua sử dụng” hoặc “kim loại các loại” rồi vào Hong Kong.

Theo Nie, chính quyền địa phương đã có kế hoạch loại bỏ rác thải công nghiệp ở Quế Vũ từ cách đây 2 năm. Tuy nhiên, người ta lại “lách luật” bằng cách khai thác vào ban đêm.

K.Linh (theo Reuters)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên