19/04/2007 16:52 GMT+7

Đạo diễn Lưu Huỳnh: Tôi phải chịu áp lực từ hai phía

Theo TỐ NHI - Sài Gòn Tiếp Thị
Theo TỐ NHI - Sài Gòn Tiếp Thị

Sau những ồn ào khen chê, tranh cãi về bộ phim Áo lụa Hà Đông tình cờ tôi gặp Lưu Huỳnh ngồi lặng lẽ với chiếc máy tính xách tay ở một góc trong quán café trên đường Nguyễn Trung Trực. Anh cho biết: Tôi đang viết kịch bản bộ phim dành cho đàn ông Việt Nam, tôi thấy họ rất đáng nể và cũng rất đáng thương, có người vợ chết, có người vợ bỏ mà vẫn nuôi con một cách tử tế, thậm chí còn hơn cả người mẹ.

cgO7UyRa.jpgPhóng to
Áo lụa Hà Đông của đạo diễn Lưu Huỳnh với nhiều khen chê và tranh cãi..
Sau những ồn ào khen chê, tranh cãi về bộ phim Áo lụa Hà Đông tình cờ tôi gặp Lưu Huỳnh ngồi lặng lẽ với chiếc máy tính xách tay ở một góc trong quán café trên đường Nguyễn Trung Trực. Anh cho biết: Tôi đang viết kịch bản bộ phim dành cho đàn ông Việt Nam, tôi thấy họ rất đáng nể và cũng rất đáng thương, có người vợ chết, có người vợ bỏ mà vẫn nuôi con một cách tử tế, thậm chí còn hơn cả người mẹ.

Áo lụa Hà Đông lay động lòng người“Định mệnh” của Lưu Huỳnh và Trương Ngọc Ánh

* Thế còn bộ phim sắp quay thì sao?

- Bộ phim sắp quay nói về tình yêu, tình yêu chân chính có thể biến kẻ ác thành người thiện, nhưng ngược lại, tình yêu mù quáng có thể biến người thiện thành kẻ ác. Tôi vừa đi chọn cảnh xong, chỉ chờ có giấy phép là bấm máy.

* Nghĩa là anh cứ tiếp tục làm phim mà không bận tâm tới chuyện khen chê đối với Áo lụa Hà Đông?

- Sao lại không, thậm chí tôi thu thập thông tin ấy từng giờ từng phút, nhưng công việc sắp tới thì vẫn phải làm.

* Anh cảm nhận như thế nào về sự khen chê đối với Áo lụa Hà Đông?

- Sự khen chê đối với một tác phẩm nghệ thuật bao giờ cũng là điều cần thiết, nó giúp cho tác giả có cơ sở để nhìn lại cái hay, cái dở trong tác phẩm của mình. Tuy nhiên nghệ thuật không phải là chuyện cân - đo - đong - đếm mà là sự cảm nhận chủ quan của mỗi người, tùy theo tuổi tác, trình độ văn hóa, vốn sống và khả năng cảm thụ…

Vì vậy tôi không vội mừng trước những lời khen và cũng không buồn trước những lời chê trách, kể cả sự chụp mũ chính trị. Tôi đang tỉnh táo để sàng lọc, để đón nhận những lời chê khen khách quan, trung thực và chính xác.

* Anh giải thích thế nào về những chi tiết bị chụp mũ chính trị trong Áo lụa Hà Đông?

- Chuyện ấy báo chí nói qua nói lại cũng đã rõ rồi, hơn nữa đại bộ phận khán giả cũng đã chia sẻ với tôi. Thiết nghĩ tôi không cần giải thích. Nhưng trớ trêu lại là chỗ chính những chi tiết ấy đã làm cho những Việt kiều quá khích, nhất là những cựu chiến binh Việt Nam cộng hòa ở Mỹ sẽ cho rằng Áo lụa Hà Đông là một bộ phim “thân cộng”, hướng tội ác chiến tranh về phía họ.

Điều này đã làm cho tôi lo ngại không muốn về Mỹ trong những ngày bộ phim đang chiếu ở liên hoan VIFF - liên hoan phim của tổ chức người Việt Nam trên toàn thế giới sắp diễn ra vào ngày 21-4 sắp tới. Trong khi một số dư luận trong nước thì cho rằng Áo lụa Hà Đông hướng sự oán thù vào phía quân giải phóng! Rõ ràng là tôi phải chịu áp lực từ hai phía.

* Anh phải đối phó với cả hai áp lực ấy như thế nào?

- Biết làm thế nào được, suy cho cùng thì đó cũng là hậu quả của chiến tranh còn sót lại trong nhận thức, trong sự thù hận của con người. Cách nay mười năm - tức năm 1997 - tôi làm một bộ phim Ca dao mẹ về Trịnh Công Sơn, vô tình tôi sử dụng những đoạn phim tư liệu, trong đó có những cảnh máy bay Mỹ ném bom đốt cháy xóm làng và những người lính cộng hòa nã đạn vào những người dân vô tội. Khi phim phát hành thì lập tức hàng trăm người Việt ở Cali biểu tình phản đối, họ gom hàng trăm cuốn băng đến đốt trước cửa hàng của trung tâm Thúy Nga, buộc lòng cảnh sát Mỹ phải can thiệp.

* Trước đây anh đã từng làm phim giải trí, vậy duyên cớ nào để anh chọn Áo luạ Hà Đông, một bộ phim đã lấy nước mắt của nhiều khán giả?

- Tôi quan niệm rằng nghệ thuật trước hết là yếu tố giải trí, nhưng người nghệ sĩ sáng tạo theo cảm xúc của mình. Tôi chọn Áo luạ Hà Đông cũng là một chuyện tình cờ. Trong những năm ấy, tôi viết một kịch bản khá hoành tráng có tựa đề là Đại bác ru đêm, dựa theo cái tứ của một bài hát của Trịnh Công Sơn để nói về thân phận của chiến tranh, có một nhà sản xuất ở Mỹ hứa đầu tư 8 triệu USD, nhưng sau đó bị trục trặc, tôi bỏ về Việt Nam để tìm một đề tài khác.

Trong lúc thuê nhà ở gần Tân Sơn Nhất, tình cờ một buổi sáng ngồi uống café vỉa hè, thấy mấy cô tiếp viên hàng không mặc áo dài đẹp quá, chính chiếc áo dài Việt Nam ấy đã gợi cho tôi một ý tưởng về Áo lụa Hà Đông.

* Anh nói sự khen chê của dư luận là cần thiết, là cơ sở để tác giả nhìn lại cái hay cái dở trong tác phẩm của mình. Vậy với Áo lụa Hà Đông anh rút ra được gì qua sự khen chê ấy?

- Có nhiều chi tiết bị sa lầy, ngược lại có nhiều trường đoạn cần điểm nhấn thì lại thiếu. Cô Dần sau gần 20 năm mà vẫn vậy, có bốn đứa con, trải qua bao nhiêu thăng trầm, đói khổ, khắc nghiệt của chiến tranh mà vẫn còn trẻ đẹp… Tất nhiên có những lý do không khắc phục được nhưng đó là những yếu tố làm tôi hối tiếc.

* Nhiều người cho rằng dùng phụ đề để giải thích “bom Mỹ bắn nhầm” hoặc “quân Mỹ tấn công Đà Nẵng” là một thủ pháp không cho phép đối với phim truyện, vừa không cần thiết, vừa gây phản cảm, anh nghĩ thế nào?

- Đó là sự bắt buộc của hội đồng kiểm duyệt, không thể không làm mặc dù tôi đã giải trình bằng văn bản.

* Duyệt phim khó khăn như thế tại sao anh vẫn về Việt Nam dựng phim?

- Nhà văn Gamzatop từng nói: Văn học không có biên giới, nhưng nhà văn phải có một quê hương. Dù sống ở đâu thì tôi cũng là người Việt Nam, nếu không làm phim về quê hương đất nước mình, dân tộc mình thì lấy đâu ra cảm xúc để mà làm, biết gửi gắm cái gì vào trong đó?

* Được biết anh sang định cư bên Mỹ từ năm 16 tuổi, điều gì khiến anh chọn ngành điện ảnh?

- Thật ra, hồi ấy người ta đi Mỹ với nhiều động cơ khác nhau, còn tôi chỉ có một lý do, một tâm huyết là đi Mỹ để học làm phim, bởi tôi yêu phim từ những tháng năm còn thơ ấu. Sang bên ấy, học xong lớp 12 là tôi thi ngay vào trường điện ảnh, trong suốt 6 năm học, dù phải làm bồi bàn, dù phải đi rửa chén cho nhà hàng, tôi vẫn kiên quyết làm để có tiền ăn học. Cũng may là chính sách giáo dục ở Mỹ tốt nên tôi đã đạt được nguyện vọng của mình.

* Nhiều người đặt câu hỏi rằng, cứ phim của Lưu Huỳnh là Trương Ngọc Ánh đóng vai chính?

- Có lẽ tôi và Trương Ngọc Ánh có cái duyên nghề nghiệp, ngay từ phim đầu tiên của tôi - Em và Michael Jackson, cách nay 13 năm - tôi tổ chức nhiều cuộc thi chọn diễn viên, tôi đã chọn Trương Ngọc Ánh. Đây cũng chính là vai diễn đầu tiên để từ đó Ánh trở thành sao và thành đạt như bây giờ.

Đến bộ phim ngắn Đường trần, tôi nhờ Ánh hợp tác, tưởng thế rồi thôi. Khi làm Áo lụa Hà Đông, đầu tiên tôi chọn Thu Hà, nhưng mãi đến năm năm sau phim mới thực hiện được, mọi việc có nhiều thay đổi. Khi tôi đưa kịch bản Áo lụa Hà Đông cho Ánh đọc với tư cách là một trong những ba nhà đầu tư, tôi thấy Ánh tỏ ra yếu mến nhân vật Dần, thế là Ánh nhận lời. Có lẽ đó là một cơ duyên, sắp tới Ánh cũng sẽ là đầu tư, vừa thủ vai chính trong phim - xin tạm giấu tên - nhân vật là một cô gái nghiện xì ke, cạo trọc đầu và mặt mày đầy thương tích…

* Ngoài thời gian về Việt Nam làm phim, ở Mỹ anh làm gì?

- Tôi làm phim ca nhạc cho hãng băng video, nhưng tôi không thích sống ở Mỹ nên vẫn thường xuyên ở Việt Nam.

Theo TỐ NHI - Sài Gòn Tiếp Thị
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên