18/09/2011 07:30 GMT+7

Dàn vĩ cầm ở thôn Then

HOÀNG ĐIỆP - KIM SA
HOÀNG ĐIỆP - KIM SA

TT - Đoàn làm phim tài liệu Chuyện làng Then (tên phim dự kiến của Hãng Phim tài liệu khoa học trung ương vừa có hơn nửa tháng về thôn Then để nghe câu chuyện về những người nông dân chơi vĩ cầm.

56 năm tồn tại, đội văn nghệ ở thôn Then lần đầu tiên sẽ lên màn ảnh rộng, phim dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2011.

KbmCN61E.jpgPhóng to

Nghệ sĩ Đỗ Bài (thứ hai từ trái) giao lưu cùng đội văn nghệ làng Then - Ảnh: Kim Sa

Cách Hà Nội chưa đầy 90km về phía bắc, đội vĩ cầm thôn Then (xã Thái Đào, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang) có đến 50 nông dân. Và không chỉ chơi thành thạo violon, họ còn truyền dạy cho con cháu những bản nhạc thật đẹp như đang thực hiện một giấc mơ đầy huyền ảo.

Thôn Then không chỉ có vĩ cầm

Trước khi cây vĩ cầm đến được thôn Then thì những người nông dân ở đây đã có truyền thống hát chèo. Năm mươi năm qua, cũng từ đây rất nhiều tên tuổi nghệ sĩ góp mặt trong làng chèo VN: NSND Bùi Đắc Sừ (nguyên giám đốc Nhà hát Chèo VN), NSƯT Hà Quốc Minh (quyền giám đốc Nhà hát Chèo VN) và bây giờ là lứa các nghệ sĩ trẻ: Giáp Văn Chương, Hà Văn Cường và Hà Thị Thảo... Bằng sự say mê văn nghệ, những nghệ sĩ chân đất ở thôn Then đã từng bước đến với nghệ thuật chuyên nghiệp như thế.

Cuộc gặp gỡ sau 56 năm

Mỗi khi đọc một bài báo hay xem một phóng sự nào đó về dàn vĩ cầm thôn Then, ông Đỗ Bài đều bùi ngùi xúc động khi nghĩ về những đôi bàn tay lóng ngóng chỉ quen làm ruộng của những người nông dân ở đây. Cũng phải đến 56 năm sau ông mới có dịp trở lại thôn Then để gặp lại học trò của mình, những người đã không chỉ học mà còn truyền đam mê của mình cho biết bao người nông dân khác.

Lý do để ông Đỗ Bài trở về chốn cũ cũng bởi đoàn làm phim của Hãng Phim tài liệu khoa học trung ương đang dựng một bộ phim về đội văn nghệ này. Hai đạo diễn Trần Phi và Hoàng Dũng đã tìm mọi cách rước ông già ngấp nghé tuổi 80 với mái đầu bạc trắng về Bắc Giang để xem và nghe các học trò của mình trực tiếp biểu diễn.

Cuộc gặp gỡ với nhiều xúc động bởi trong số 10 người được ông Đỗ Bài dạy học giờ chỉ còn lại sáu người. Sáu người ấy cũng ngậm ngùi không kém mỗi khi nhắc đến thầy: “Đã rất nhiều lần chúng tôi muốn đi tìm thầy nhưng ngặt nỗi đường sá xa xôi, kinh tế lại eo hẹp, cả đời chỉ quanh quẩn ở vùng đồi núi Bắc Giang nên cũng không biết thầy giáo ở đâu mà tìm” - ông Nguyễn Hữu Đưa xúc động nói.

Bặt tin, nhưng bất kể ai hỏi đến phong trào chơi vĩ cầm ở thôn Then tất cả từ già trẻ gái trai đều nói: đó là công của ông Đỗ Bài. Họ nói vậy dù thực chất trừ mấy học trò của ông thì không ai biết ông Đỗ Bài mặt ngang mũi dọc ra sao. Thế nên hết thảy họ đều tò mò mà tập trung về nhà văn hóa của thôn.

Rồi cũng chính họ, tự hào, ưỡn ngực gác cây vĩ cầm lên vai chơi những bản nhạc Nga, Đức, Pháp và VN được chuyển soạn cho violon với một niềm say mê đến khó tả. Còn ông Đỗ Bài thì hết sức ngỡ ngàng vì cả đời làm nhạc công của mình, ông không nghĩ cái duyên gặp gỡ rất tình cờ giữa ông và những nông dân ở Bắc Giang ngày ấy lại đã tạo nên một nét văn hóa đặc sắc vào bậc nhất của làng quê nông thôn Bắc bộ.

k61Tcw2T.jpgPhóng to
Ông Nguyễn Hữu Đưa dạy lớp trẻ em trong làng những bài học vĩ cầm đầu tiên - Ảnh: Công Hoan/VNP

Sau ruộng lúa là... violon

Trong căn nhà chẳng mấy khá giả ở một con ngõ sâu hun hút nhưng ngan ngát hương cau, ông Nguyễn Quang Khoa (đội trưởng đội văn nghệ thôn Then) vừa nhanh tay phết hồ làm hàng mã vừa i ỉ hát. Bản nhạc chèo vừa chuyển soạn cho violon đang “đeo bám” ông: “Nói thực thì đúng là râu ông nọ cắm cằm bà kia, nhưng chúng tôi thiếu nhạc để chơi nên tôi cứ liều mà chuyển soạn. Không chỉ có chèo đâu mà cả quan họ nữa kìa. Có vẻ oái oăm nhỉ?”. Ông Khoa vẫn không ngừng tay quết hồ mà dí dỏm nói như vậy khi nhắc đến dàn violon của thôn Then.

“Lứa đầu tiên học thầy Đỗ Bài là mười người, bắt đầu từ năm 1955. Rồi sau đó, lứa đầu tiên ấy lại trở thành thầy và tiếp tục truyền dạy cho những người nông dân yêu thích âm nhạc trong thôn. Đã có lúc toàn thôn có đến gần 90 người biết chơi violon. Trung bình cứ ba gia đình thì có một người chơi thành thạo loại nhạc cụ này. Không được học hành chính quy, thậm chí rất ít người được học hết lớp 7 (hệ 10 năm) nên việc tiếp cận với một loại nhạc cụ của Tây, giáo trình của nước ngoài (chủ yếu là Nga, Pháp, Đức, Bulgaria) là vô cùng khó. Vậy nhưng chúng tôi vẫn học, cần mẫn dù đứt đoạn bởi chiến tranh, dù rất nhiều thanh niên biết chơi vĩ cầm đã lên đường ra mặt trận trong cuộc kháng chiến chống Mỹ” - ông Khoa bắt đầu kể câu chuyện chơi violon của thôn Then như thế.

Phải hơn năm năm (1973 - 1978) ông mới hoàn tất chương trình học violon do thầy Đưa dạy. Sau đó ông đi bộ đội. Năm 1985 phục viên về làng, có thêm nhiều lứa học trò khác đã chơi thuần thục violon. Ông Khoa nhớ lại: “Dù cơ hội để chúng tôi được biểu diễn không nhiều, nhưng bất kể khi nào ngơi tay khỏi đám ruộng thì chúng tôi đều cầm đàn. Cứ sau mỗi vụ mùa, bàn tay những người nông dân chúng tôi lại bị “cứng”, lại phải mất vài buổi tập rồi mọi sự mới trở lại từ đầu”. Không phải dáng đứng nào cũng đẹp, cách cầm đàn nào cũng đúng, nhưng bỏ qua tất cả những khó khăn ấy những nhà nông đất Việt vẫn chơi vì yêu thích và đam mê loại nhạc cụ quyến rũ ấy của phương Tây.

4 thế hệ ở thôn Then

Bây giờ ở thôn Then có đến bốn thế hệ biết chơi vĩ cầm: lớp già (gần 70 tuổi), lớp trung (50 tuổi), lớp thanh niên (20 tuổi) và lớp thiếu nhi (10 tuổi) - mỗi lứa có hàng chục tay violon thành thạo.

Nên mỗi khi có dịp lễ lạt hay hội nghị quan trọng nào đội văn nghệ thôn Then lại hùng dũng lên đường vác theo cây vĩ cầm và trình tấu những bản nhạc Tây cho phần lớn khán giả là nông dân nghe.

“Không giống như ca nhạc đâu, mỗi khi tiếng vĩ cầm vang lên thì tất cả khán giả đều lặng yên thưởng thức” - ông Nguyễn Quang Khoa tự hào khoe như thế.

Đời sống vật chất còn rất nhiều khó khăn, để sắm được cây đàn mỗi gia đình đều phải dành dụm, thậm chí phải hi sinh nhiều vật dụng cần thiết khác. Đến như chiếc cà vạt hay bộ complet đồng phục của các thành viên trong đội trước khi mua cũng đều được nâng lên đặt xuống nhiều lần. Vậy mà trong ngôi làng nhỏ hết thế hệ này sang thế hệ khác cứ nhiệt thành truyền lại cho nhau niềm đam mê rất đỗi thanh tao ấy.

Chẳng cần đến nhà hát hay khán phòng sang trọng, mơ ước lớn nhất của đội nhạc hiện nay là có được một dàn âm thanh “tàng tàng” mà nhà hát nào đó loại đi để phụ trợ cho những buổi biểu diễn ngoài trời. “Nhưng tiếc quá, đến bản nhạc soạn cho violon chúng tôi còn không đủ để mà chơi, và cứ chơi đi chơi lại mấy chục bài cũ thì cũng nhàm tai những khán giả nông dân mất thôi” - một nghệ sĩ ở làng nói vậy.

Tự luyện thi đại học cho con

Nguyễn Quang Cường, con trai út của ông Nguyễn Quang Khoa, hiện là sinh viên năm 4 Trường đại học Sư phạm nghệ thuật trung ương, cho biết: “Mỗi ngày đều đặn ba tiếng bất kể thời gian nào rảnh rỗi bố đều chỉ bài cho tôi. Từ lúc bắt đầu cầm vào đàn đến khi có thể kéo thành thục bản nhạc Phiên chợ Ba Tư thì mất đúng một năm trời”. Thi đỗ vào một trường nghệ thuật với số điểm năng khiếu (chơi violon) không cao (6,5), nhưng ít nhất đã hình thành cho Quang Cường con đường theo hướng chuyên nghiệp.

Trước đó chị gái của Cường là Nguyễn Thu Hà, cũng bằng sự rèn dạy của bố thông qua cây đàn organ đã trở thành sinh viên Đại học Nghệ thuật quân đội. Bây giờ Hà là giáo viên dạy âm nhạc tại Trường THCS Tân An (Bắc Giang).

HOÀNG ĐIỆP - KIM SA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên