24/07/2017 10:49 GMT+7

Dân rải muối nuôi tôm thẻ, đất gánh thêm nguy cơ

NGỌC TÀI - CHÍ QUỐC
NGỌC TÀI - CHÍ QUỐC

TTO - Bán được giá, người dân nhiều nơi ở ĐBSCL đang rải muối để nuôi tôm thẻ chân trắng. Nguy cơ không ít vì loài tôm này lắm bệnh, đất sẽ nhiễm mặn và làm hư cả một hệ sinh thái.

PGS.TS Dương Nhựt Long - Ảnh: C.Q.
PGS.TS Dương Nhựt Long - Ảnh: C.Q.

“Ở ĐBSCL, một số tỉnh khác cũng đã manh nha việc nuôi này và chính quyền đã cấm nuôi. Đối với tỉnh Đồng Tháp nên cấm nuôi như tỉnh bạn

PGS.TS Dương Nhựt Long

Lý do nên cấm là để tránh “vết xe đổ” khi bất chấp nuôi tôm nước lợ trong vùng ngọt hóa. Trong khi đó, do được thương lái mua gom “nhiệt tình”, diện tích được dân rải muối nuôi tôm đã lên đến cả trăm hecta, điển hình là ở Đồng Tháp.

3 công tôm lãi bằng 100 công lúa?

Ông N.V.G. - một hộ nuôi tôm ở xã Phú Thành B, huyện Tam Nông, Đồng Tháp - cho biết sau khi các ngành chức năng quyết liệt trong việc trám lấp giếng nước mặn, ông đã chấp hành.

Tuy nhiên, do vẫn nuôi tôm thẻ chân trắng nên ông giữ lại nước của những ao nuôi trước đó, sau đó bơm chuyền qua các ao khác để lắng lọc. Cuối cùng là bơm ngược trở lại và rải muối vào để đạt đến độ mặn rồi thả tôm nuôi.

Huyện Tam Nông vốn là địa phương được quy hoạch nuôi tôm càng xanh trọng điểm của Đồng Tháp.

Trên chính diện tích nuôi tôm nước ngọt, người dân đang nuôi tôm nước lợ bằng cách rải muối để tăng độ mặn.

Tình trạng “xé rào” nuôi tôm thẻ chân trắng còn diễn ra ở nhiều địa phương khác như huyện Bình Đại (tỉnh Bến Tre), huyện Trần Đề, Mỹ Xuyên, Long Phú (tỉnh Sóc Trăng), huyện An Biên (tỉnh Kiên Giang)...

Ông G. phân trần: “Cá tra giá bấp bênh, tôm càng xanh khó có lãi. Tui thấy anh em nuôi tôm nước lợ quá trời trúng, nghe đâu 3 công tôm lãi bằng 100 công lúa nên mới chuyển qua nuôi. Thiếu muối thì đem muối tuôn xuống, thiếu kiềm, vôi... thì tìm mua rồi rải xuống”.

Ông N.V.Đ. (huyện Tam Nông) cũng chuyển đổi toàn bộ 3ha diện tích nuôi tôm càng xanh sang nuôi tôm thẻ chân trắng.

Theo ông Đ., nuôi tôm thẻ thời gian ngắn, mau quay vòng vốn. Nếu tôm nuôi không bị trục trặc, giá cả ổn định sẽ cho lãi rất cao.

Khi được hỏi đầu ra của tôm thẻ, ông Đ. cho biết hiện nay có bao nhiêu thương lái cân hết bấy nhiêu, kể cả tôm chưa đến ngày thu hoạch mà gặp “sự cố” cũng bán được.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đồng Tháp, hiện toàn tỉnh có 176ha nuôi tôm thẻ chân trắng ở các huyện Tam Nông, Cao Lãnh và thị xã Hồng Ngự. Diện tích nuôi tập trung chủ yếu ở huyện Tam Nông với 165ha.

Tại một đầm nuôi tôm thẻ chân trắng ở huyện Tam Nông, Đồng Tháp - Ảnh: NGỌC TÀI
Tại một đầm nuôi tôm thẻ chân trắng ở huyện Tam Nông, Đồng Tháp - Ảnh: NGỌC TÀI

Nên cấm để phòng sự bấp bênh sau này

Ông Nguyễn Văn Minh - chủ tịch UBND xã Phú Thành B, huyện Tam Nông - xác nhận tình trạng nuôi tôm kể trên với diện tích riêng ở xã này đã lên tới 109ha.

Cho rằng những hộ này nuôi tự phát do thấy lợi nhuận trước mắt, ông Minh khẳng định xã đang tuyên truyền cho người dân không nên mở rộng diện tích nuôi và... chờ chỉ đạo từ tỉnh.

Ông Hồ Thanh Dũng, phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đồng Tháp, lại cho biết chủ trương của tỉnh không cấm nhưng cũng không khuyến khích.

Theo ông Dũng, hiện nay trong số 176ha nuôi tôm thẻ chân trắng vẫn có những diện tích người dân cho biết họ nuôi bằng nước ngọt. Cụ thể bao nhiêu diện tích nuôi có dùng muối rải vẫn chưa có số liệu chính xác và cũng khó xác định.

Ông Dũng cũng cho biết sở đang kiến nghị tỉnh nên có một đề tài nghiên cứu mang tính chất khoa học để đánh giá những tác động của việc nuôi tôm thẻ chân trắng bằng nước lợ đối với môi trường, thổ nhưỡng, từ cơ sở này để có định hướng.

“Người dân không nên mở rộng diện tích nuôi vì trước mắt nuôi có lời nhưng không biết sau này thế nào. Cũng khuyến cáo bà con nuôi mật độ thấp, không sử dụng muối pha, đặc biệt là đào giếng khoan để lấy nước nuôi tôm” - ông Dũng nói.

Nguy cho hệ sinh thái

PGS.TS Dương Nhựt Long (trưởng bộ môn kỹ thuật nuôi thủy sản nước ngọt - khoa thủy sản Trường ĐH Cần Thơ) cho rằng việc nuôi tôm thẻ chân trắng như cách làm ở Đồng Tháp, chất lượng tôm sẽ kém.

Đặc biệt, điều đáng lo ngại là nước nuôi tôm khi thải ra môi trường sẽ phá vỡ hệ sinh thái nước ngọt ở đây.

Cũng theo ông Long, hơn 10 năm trước, Thái Lan đã áp dụng mô hình này nhưng không thể phát triển được.

Vì vậy, ông Long cho rằng nên trân trọng và bảo vệ hệ sinh thái đất ngập nước vùng Đồng Tháp Mười vốn đã hình thành nền canh tác nổi tiếng không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới.

“Thay vì nuôi tôm thẻ chân trắng, chính quyền nên khuyến khích mở rộng mô hình như lúa - tôm càng xanh luân canh, lúa - cá đồng...” - ông Long nói.

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện - chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL - cũng cảnh báo Đồng Tháp là vùng lõi ngọt của ĐBSCL, nếu cứ để làm cách trên có thể làm hư cả vùng lõi này.

Tiến sỹ Dương Văn Ni (Đại học Cần Thơ):

TS Dương Văn Ni (ĐH Cần Thơ) - Ảnh: C.Q.
Tiến sỹ Dương Văn Ni (Đại học Cần Thơ) - Ảnh: C.Q.

Cẩn thận mặn hóa đất, nước ngầm

Cho nuôi tôm thẻ chân trắng ở Đồng Tháp là không nên. Việc đưa một vật nuôi vào vùng không đúng sinh thái của chúng rất dễ tạo dịch bệnh, có thể ảnh hưởng cả vật nuôi khác. Mà tôm thẻ chân trắng vốn có mầm bệnh rất nguy hiểm, ngành thủy sản chưa hoàn toàn kiểm soát được. Nếu để dịch bệnh xảy ra, những hộ nuôi tôm càng xanh, cá... cũng có thể bị “vạ lây”.

Chính quyền cần cấm, không cho làm. Chưa kể một thời gian muối sẽ thấm vào đất gây mặn cho cả khu vực, đất không sử dụng được nữa, tầng nước ngầm cũng có thể bị mặn hóa. Thái Lan có lúc đã chở nước mặn từ biển vào vùng ngọt để nuôi. Bây giờ cả một khu vực rộng lớn chưa phục hồi được...

NGỌC TÀI - CHÍ QUỐC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên