![]() |
Có không ít bạn trẻ học hành thì bỏ bê, những “chơi” thì quá đà. Có bạn đã tâm sự: “Cha mẹ không hỏi thì dại gì không chơi cho biết”.
Cô biết vũ trường B. không? Không biết hả? Đây là nơi nhiều bạn em thường ghé. Vũ trường này cũng giống như bất cứ vũ trường nào khác. Ầm thanh dội ầm ầm đến đinh tai nhức óc, không khí ngột ngạt vì khói thuốc và hơi người. Dưới sàn là những bạn trẻ quay cuồng... Chỉ khác một điều, sàn nhảy này bình dân hơn so với nhiều sàn nhảy khác, khách cũng trẻ hơn, phần lớn là học sinh cấp ba như em, một số ít là sinh viên.
Học không chơi đánh rơi tuổi trẻ...
“Không biết vũ trường, phí đời tuổi trẻ” là câu nói cửa miệng của đám học sinh chịu chơi thường dùng chế giễu bạn bè trong lớp (em đang học lớp 11 ở một trường bán công. Hầu hết các bạn trong lớp đã một lần lưu ban nên bị nhà trường dồn vào một lớp - NV). Những dân chơi “nhicôlai” (tiếng lóng để chỉ những cô cậu đến vũ trường trên người còn mặc đồng phục học sinh) đi riết rồi ghiền hồi nào không hay.
Ở trường, chỉ đứa nào chịu đi chơi mới được nhập nhóm. Phương châm của nhóm là “Học không chơi đánh rơi tuổi trẻ”. Cũng vì những “phương châm” như thế mà bất kể thứ mấy, ngày thường hay ngày lễ, những vũ trường như vũ trường B. đều chật ních học sinh. “Chỉ cần tốn 50.000 đồng (tiền vé và tiền nước uống, uống rượu ngoại tính riêng), bạn có thể giảm stress đến tận nửa đêm” - nhỏ Trinh, bạn cùng lớp, nói với em như vậy.
Chập choạng tối, vũ trường B. đã bắt đầu tiếp đón những vị khách đầu tiên. Một hôm, tình cờ bước vào toalét, em thấy hai bạn nữ đang thay áo dài bằng chiếc váy jean “đánh oát” và chiếc áo thun trễ cổ. Người phụ nữ trạc tuổi trên 30, trông coi toalét liếc mắt nhìn dửng dưng.
Bà hỏi em: “Con học cấp hai hay cấp ba?”. Không cần nghe em trả lời, bà nói thêm: “Học sinh giờ quậy phá, ăn chơi quá, học hành không lo”. Dường như bà rất quen với cảnh tượng này. Trong tiếng nhạc rộn rã, đám học sinh vừa thay đồ khi nãy nuốt từng ngụm bia, vừa trò chuyện vừa nhún nhảy theo nhạc.
Đến vũ trường nhiều hơn đến lớp
Mới 17 tuổi nhưng nhỏ Trinh luôn khiến mọi người thán phục bởi những điệu nhảy rất chuyên nghiệp của mình. Quần soóc jeans ngắn bằng gang tay, chiếc áo hai dây trắng khoét rộng, Trinh càng “nổi bật” qua sự chỉ trỏ, trầm trồ của vài bạn nam trạc tuổi bên ngoài trường. Trinh càng nhảy càng “bốc” và bắt đầu có những động tác hơi quá lố.
Một vài bạn nam hăng máu qua vài ngụm rượu nhảy xuống múa may cùng Trinh. 20 phút sau, quanh Trinh có đến 5, 6 bạn nhảy. Chi, bạn thân của Trinh, kể mê nhảy quá, Trinh đến vũ trường nhiều hơn đến lớp. Thế là bỏ học. Cũng từ sàn nhảy này, Trinh quen và trở thành tình nhân của một giám đốc.
Mỗi tháng Trinh được chu cấp 2 triệu đồng nhưng số tiền này chẳng thấm cho Trinh mua vé vào nhảy. Thỉnh thoảng mới được gặp người yêu (người yêu Trinh đã có gia đình), Trinh thường đến với vũ trường cho đỡ chán. Thấy ai hợp nhãn, Trinh quen và qua đêm. Chẳng phải để kiếm tiền mà đơn giản vì thích thế.
Trường hợp của Hạnh thì lại khác. Lưu ban lớp 10, buồn chán, Hạnh đến vũ trường để giải khuây. Bố mẹ tưởng Hạnh đi học thêm nên cũng chẳng hỏi han gì ngoài việc chu cấp tiền đều đặn mỗi tháng. Hạnh tâm sự: “Cha mẹ chẳng hỏi thì dại gì không chơi cho biết. Vả lại vô vũ trường nhảy thì có gì xấu” (?). Dĩ nhiên, chẳng có gì xấu nhưng điểm môn toán của Hạnh (môn khiến Hạnh bị lưu ban) trong năm học này chưa bao giờ vượt qua số 1 cả.
Cha mẹ nuông chiều, con cái sinh tật
Cô thấy đó, ở tuổi tụi em đứa nào cũng muốn thể hiện mình và luôn cho mình là đúng. Chính vì vậy, lúc này không có sự định hướng của cha mẹ, con cái dễ sinh tật. Trường hợp của nhỏ Lan, nhà giàu nhưng ba mẹ lại quá bận rộn với công việc (làm cho công ty nước ngoài) không có thời gian chăm sóc con. Lan đòi học nhảy, ba mẹ mời thầy về nhà dạy nhảy. Ba mẹ Lan còn chịu chơi, dành một phòng riêng làm sàn nhảy tại nhà với dàn âm thanh hifi, ánh sáng công suất lớn. Khổ nỗi, chơi ở nhà mãi cũng chán.
Lan bắt đầu chuyển ra các quán bar, sàn nhảy có tiếng ở TP.HCM. Có tiền chu cấp của ba mẹ, Lan ngồi ở sàn nhảy, quán bar, cà phê trong giờ học và trở về nhà lúc nửa đêm. Ấy vậy mà khi Lan báo lưu ban, cha mẹ Lan la toáng lên: “Sao mày không đưa bảng điểm sớm để tao nhờ người nâng điểm cho mày lên lớp”. Kiểu chiều con như ba mẹ Lan khiến con hư cũng không có gì quá đáng.
(Kỳ tới: Cạm bẫy phía bên ngoài cổng trường)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận