Thời đi học, tôi mê nhất là những tiết văn và thầy cô giáo dạy văn. Cảnh gặt hái ở đồng quê, cảnh chài lưới trên biển, cái hoang vắng nên thơ của núi đồi trung du... dễ gì một đứa trẻ lớn lên ở thành phố như tôi được trải qua. Thế mà sao vẫn cảm nhận, vẫn hình dung được, vẫn thấy gần gũi thân quen khi gặp gỡ!
Cái đẹp tự nhiên, diệu kỳ của một cành bông súng; cảm giác tinh khôi, rạng rỡ của ngày đầu tiên đi học; sự oai nghi lẫm liệt của Hai Bà Trưng... đã được các thầy cô giáo truyền vào tâm khảm một đứa trẻ như tôi lúc bấy giờ.
Rồi chúng tôi được học cách đặt câu, cách làm một bài tập làm văn. Một tiết tập làm văn “căng thẳng” hơn một tiết toán hay các môn khác, nhưng cũng thú vị hơn nhiều. Được thầy cô giáo hướng dẫn nhận biết yêu cầu của đề bài và cách lập dàn bài, phần còn lại là của chúng tôi: cảm nhận, ý tưởng và cả sự tính toán thời gian. Một câu văn hay, một ý tưởng độc đáo được đọc lên trước lớp lúc trả bài là niềm tự hào của “tác giả” và là niềm ao ước của mọi người. Cứ như thế chúng tôi học: cảm nhận, phân tích, thực hành... Yêu cầu tăng dần theo từng cấp lớp. Nhưng học môn văn vẫn là sự lý thú giữa mơ mộng và lý luận, giữa cho và nhận những cảm xúc, giữa việc tìm và diễn tả cái đẹp.
Con tôi giờ không cần biết dàn bài là gì, tập làm văn là gì, miệt mài chép những bài văn của cô giáo, miệt mài học thuộc từng câu chữ và chép ra một cách máy móc trong những giờ kiểm tra, thi cử. Đôi lúc tôi thầm ao ước có thể mang lại cho con những giờ học văn như từng được học với những cảm xúc tuyệt vời mà mình đã trải qua. Ôi, mơ ước thật nhỏ bé nhưng cũng... thật xa vời!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận